Giải mã Gamophobia - hội chứng sợ bị giục kết hôn ở phụ nữ hiện đại - Tạp chí Đẹp

Giải mã Gamophobia – hội chứng sợ bị giục kết hôn ở phụ nữ hiện đại

Lifestyle

Ngày nay, có nhiều phụ nữ ghi nhận rằng mình mắc chứng sợ kết hôn hoặc sợ bị người khác giục kết hôn. Hiện tượng tâm lý này thậm chí còn có hẳn một cái tên dành nó: Gamophobia. Nỗi sợ cưới này rốt cuộc xuất phát từ đâu và làm cách nào để có thể điều chỉnh nó?

Theo Verywellmind, Gamophobia có thể được xếp vào một loại sợ hãi, dùng để chỉ hội chứng sợ kết hôn và những tình huống đòi hỏi sự cam kết. Nếu các bạn trẻ hay có câu cửa miệng rằng “không muốn cưới chồng sớm”, thì người mắc chứng Gamophobia sẽ nghiêm trọng hơn. Họ có nỗi sợ hãi quá mức và dai dẳng về một mối quan hệ, một sự cam kết hoặc một quyết định ràng buộc lâu dài như kết hôn. Hội chứng này có thể khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ với người khác, tệ hơn là làm cản trở khả năng hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Biểu hiện của Gamophobia

Chứng sợ Gamophobia có biểu hiện ở nhiều mặt, bao gồm thể chất, cảm xúc và hành vi. Một người mắc chứng Gamophobia sẽ luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi hoặc hoảng sợ ngay lập tức khi bị giục kết hôn. Họ cũng làm mọi việc có thể để né tránh tình cảnh bị hối thúc này như tránh gặp mặt gia đình, họ hàng, bạn bè hoặc thậm chí là nói dối.

Người mắc chứng Gamophobia còn có thể gặp phải một số dấu hiệu vật lý như tức ngực, nghẹt thở, chóng mặt, tăng thông khí, nhịp thở nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy.

Vì đâu nên nỗi?

Có rất nhiều yếu tố hình thành nên nỗi sợ kết hôn, cả từ bên trong lẫn tác động bên ngoài. Có nghiên cứu cho rằng áp lực về nghĩa vụ tài chính và các nhu cầu xã hội làm nghiêm trọng hơn chứng sợ kết hôn. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:

  • Trải nghiệm tiêu cực: Đối với một số người, những trải nghiệm tiêu cực hoặc đau thương trong quá khứ có thể góp phần gây ra nỗi sợ ràng buộc và cam kết. Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình có cha mẹ không hạnh phúc, luôn gây gổ, hoặc từng bị bạo lực gia đình có thể sợ rơi vào hoàn cảnh tương tự khi trưởng thành. Hoặc người có mối quan hệ độc hại, từng ly hôn trước đó và hoặc bạn đời không chung thủy cũng khiến họ sợ hãi việc tiến quá sâu vào một mối quan hệ mới.
  • Kiểu gắn bó né tránh: Dùng để chỉ những người muốn yêu đương nhưng e ngại ràng buộc, muốn vừa gắn bó vừa không muốn mất tự do và hoàn toàn chia sẻ cuộc đời mình với nửa kia.
  • Di truyền và ảnh hưởng gia đình: Nghiên cứu cũng cho thấy rằng di truyền cũng là một căn nguyên gây ra chứng ám ảnh sợ hãi và các tình trạng lo lắng khác. Những đặc điểm di truyền có thể khiến một người dễ mắc chứng sợ hãi này hơn những người có mã gen khác.

Đón nhận chứng sợ giục kết hôn

Nếu bạn có các triệu chứng của gamophobia, điều quan trọng là phải hiểu rằng đây là một triệu chứng có thể giảm được. Cũng như các chứng sợ hãi và lo âu khác, chứng sợ kết hôn có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý học.

  • Xem xét lại tình trường: Hãy dành thời gian suy nghĩ về lịch sử mối quan hệ của bạn. Những mối quan hệ nào đã gây ra nỗi sợ kết hôn? Liệu đó có phải là một tổn thương chưa được chữa lành hay không? Nếu phải, bạn có thể làm gì để lòng thanh thản hơn?
  • Suy nghĩ về nhu cầu của bạn: Xem xét liệu nỗi sợ đó có đang ngăn cản bạn làm những gì bạn thích không? Bạn có thể không cần phải ngay lập tức bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, lâu dài và cam kết. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ những gì bạn thực sự muốn, bạn cần phải từng bước để giải quyết nỗi sợ hãi để bạn có thể hình thành một mối quan hệ lành mạnh, yêu thương.

  • Viết nhật ký: Bày tỏ suy nghĩ và nỗi sợ hãi của bạn bằng chữ viết hi là cách hữu ích để khám phá và gọi tên cảm xúc chân thật của bản thân.
  • Thử các kỹ thuật thư giãn: Bắt đầu thực hành các chiến lược thư giãn như hít thở sâu, thiền, yoga hoặc chánh niệm. Khi bắt đầu trải qua cảm giác sợ hãi, bạn có thể áp dụng những kỹ thuật này để xoa dịu tâm trí và cơ thể.

Kết hôn hay không là do quyết định của mỗi người, thế nhưng hãy suy nghĩ xem bản thân thực ra có đang mắc phải chứng gamophobia này không. Nếu nó đang ngăn trở bạn khỏi những hạnh phúc, những điều bạn mong muốn, thì hãy từng bước giải quyết nó ngay từ bây giờ.

Ành: Tổng hợp

Tác giả: Hằng Trần

27/06/2022, 12:57