Sau khi “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” ra rạp ngày 27/9, ngày 28/9, trên trang Facebook cá nhân của đạo diễn bộ phim đã xuất hiện một bức “tâm thư” kêu gọi khán giả ra rạp ủng hộ bộ phim. Nội dung bức tâm thư lập tức làm dấy lên những phản ứng trái chiều từ khán giả. Tuy nhiên, công tâm mà nói, có phải khán giả đang phản ứng một cách quá nhạy cảm?
“Trời ơi phim chưa muốn chết!” – đó là thông điệp sau cuối trong bức tâm thư của đạo diễn Chung Chí Công. Lời nhắn nhủ rõ ràng đã được “chế biến” lại từ tên bài hát “Trời ơi con chưa muốn chết” của rapper Đen Vâu được nhân vật Vĩnh Tâm cover lại trong “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”. Bài đăng này đạt được hơn 5.600 lượt chia sẻ, tuy nhiên, không phải lượt chia sẻ nào trong con số khổng lồ ấy cũng với cùng một tâm trạng đồng cảm và sẻ chia.
Trước “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của bộ phim “Thưa mẹ con đi” cũng từng đăng tâm thư kêu gọi khán giả ra rạp xem phim, và hẳn chúng ta cũng không thể quên thời gian trụ rạp thần kì của “Song lang” có được cũng nhờ công lao không nhỏ của chiến dịch giải cứu phim được khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Chúng ta phải sòng phẳng với nhau ở một điểm: việc kêu gọi “giải cứu phim” hoàn toàn không vi phạm pháp luật, không làm phương hại đến quyền lợi hợp pháp của bất kì ai. Những khán giả vẫn đang phân vân lựa chọn giữa những poster phim được treo ở trước cửa rạp, họ có thể hưởng ứng lời kêu gọi, nhưng họ cũng hoàn toàn có quyền quay lưng. Bởi vì họ là khán giả, họ là đối tượng được phục vụ, và họ có quyền lựa chọn. Đạo diễn Chung Chí Công cũng không ép buộc hay van nài khán giả ra rạp xem phim, anh chỉ nói bộ phim “cần các bạn”.
Không thể phủ nhận, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” đang được giới thiệu đến với khán giả bằng những thông điệp không hiệu quả. Phim được mô tả là dành cho khán giả thích nhạc indie, sự khoanh vùng tưởng đã khu biệt và rõ ràng, nhưng hóa ra lại mông lung và khó gợi được sự đồng cảm. Còn trong bức tâm thư, đạo diễn Chung Chí Công sử dụng “tagline” “Trời ơi phim chưa muốn chết” để mô tả cảm xúc của mình. Và rõ ràng nó đã phản tác dụng. Phim chưa muốn chết, tức là nếu muốn phim sống, khán giả phải ra rạp. Tại sao khán giả phải chịu trách nhiệm cho một bộ phim mà họ còn chả hề biết đến sự tồn tại của nó cho đến khi cái trailer phim được lên sóng chỉ hơn một tuần trước ngày phim khởi chiếu? Tại sao ê kip của phim không làm truyền thông tốt hơn, tại sao phim không lựa chọn những gương mặt nổi tiếng hơn… một ngàn lẻ một câu hỏi tại sao nảy ra chỉ vì một thông điệp không gãy gọn.
Công chúng có quyền bất bình vì tự nhiên được “tặng” cho thêm một trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ một thông điệp vụng về trong cách thể hiện lại khiến dư luận phản ứng tiêu cực và trái chiều đến như thế, thì chúng ta có vẻ đang quá xét nét bất công với “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”.
Việc kêu gọi khán giả xem phim – từ chỗ là một lời mời gọi đúng là đã từng bị biến tướng thành những chiêu trò lấp liếm của nhà sản xuất để lờ đi chất lượng phim tệ hại, thành công cụ để nhà sản xuất tranh giành với đơn vị phát hành thêm vài phần trăm ăn chia… khiến cảm xúc và lòng tin của khán giả trở thành một thứ công cụ làm tiền trong tay nhà sản xuất. Nhưng liệu đấy có phải những điều mà đạo diễn Chung Chí Công đang âm mưu tiến hành với “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”?
Xin trả lời, là không. Việc đạo diễn kêu gọi khán giả ra rạp xem “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” đến từ mong muốn chân thành của một người đã đổ mồ hôi nước mắt ra để làm phim, và muốn đứa con tinh thần của mình được đối xử một cách xứng đáng: nó là một bộ phim, và nó cần có khán giả, dù cho khán giả ấy có yêu thích hay ghét bỏ. Trong toàn bộ thông điệp gửi khán giả, không có một dòng một lời nào đổ lỗi cho cá nhân hay tổ chức nào đã gây khó khăn cho bộ phim. Nội dung này sau đó cũng không bị dùng như một công cụ để ê kíp truyền thông quảng bá cho bộ phim, dù sự thực, dư luận phản ứng với thông điệp này nhiệt tình hơn hẳn bản thân bộ phim mà vì nó, thông điệp này ra đời. Ở cả phía đạo diễn và ê kíp truyền thông, đây là cách hành xử đầy tự trọng và công bằng.
Không vi phạm pháp luật, không đi ngược lại đạo đức, không làm hại ai và không ảnh hưởng đến quyền lợi của ai, vậy chúng ta đâu còn lí do gì để bức xúc về cách đạo diễn của “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” kêu gọi khán giả ra rạp xem bộ phim của mình?