Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, những trẻ không ngủ theo một thời gian biểu nhất định từ khi sinh đến năm 3 tuổi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng đọc, kỹ năng toán học và nhận thức không gian của trẻ. Sự phát triển của trẻ cũng chậm hơn trong những năm sau đó. Từ kết quả thu được, các nhà nghiên cứu kết luận, ba năm đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian đặc biệt nhạy cảm trong mối quan hệ giữa giấc ngủ và sự phát triển trí não.
Một cuộc nghiên cứu tương tự của các nhà khoa học Canada cũng đã được công bố trên Tạp chí Giấc ngủ năm 2008. Cuộc nghiên cứu này đã phát hiện ra, trẻ dưới 3 tuổi ngủ ít hơn 10 tiếng mỗi đêm sẽ gặp các vấn đề về ngôn ngữ, đọc và có nguy cơ cao mắc bệnh tăng động giảm chú ý.
Cả 2 cuộc nghiên cứu đều phát hiện ra rằng những vấn đề này sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi giấc ngủ được cải thiện hơn trong những năm sau đó.
Điều này cho thấy, có sự liên hệ giữa giấc ngủ và hệ thần kinh. Hệ thần kinh liên quan đến việc thay đổi cấu trúc và chức năng não, có nghĩa là bộ não sẽ thay đổi do sự đào tạo và rèn luyện. Điều dẫn đến sự thay đổi của bộ não là do sự gia tăng của các mô não (thường được gọi là chất xám) và thay đổi các mạch não (thường gọi là các khớp thần kinh). Sự thay đổi này diễn ra rất mạnh mẽ trong 3 năm đầu đời của trẻ.
Chúng ta đã biết rằng, người lớn có khả năng thay đổi não nhưng ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với trẻ. Trẻ có khả năng phục hồi các chấn thương ở đầu nhanh hơn so với người lớn. Ngay cả khi bán cầu não trái của trẻ không hoạt động ở độ tuổi từ 3 đến 4, trẻ vẫn có thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ bình thường, điều này không thể xảy ra ở người lớn.
Chúng ta đã biết, giấc ngủ chậm chiếm khoảng 80% thời gian ngủ ở trẻ. Nó được biểu hiện bằng các sóng chậm trên điện não gồm 4 giai đoạn với độ sâu tăng dần. Ở các giai đoạn này, hoạt động sống của cơ thể như nhịp tim, nhịp thở, chuyển hóa cơ bản giảm dần đến mức thấp nhất. Khi quét não của trẻ trong giấc ngủ chậm, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự phát triển và tăng trưởng ở khu vực não nhận được sóng chậm. Giấc ngủ Rem (thời gian ngủ xuất hiện những giấc mơ) cũng quan trọng với trẻ, nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các khu vực liên quan đến thị giác của bộ não.
Qua cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn gửi đi thông điệp, giấc ngủ quan trọng với sự phát triển bộ não của trẻ nhiều hơn những gì chúng ta đã biết trước đây. Giấc ngủ đủ và theo thời gian biểu cụ thể là rất quan trọng, bởi tương lai của trẻ phụ thuộc vào điều này.
Mỗi trẻ có một nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu khác nhau. Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ, không nên đánh thức sớm. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự động thức dậy, không cần phải gọi.
Để trẻ ngủ ngon giấc cần phải giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.
Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần phải đưa bé đến gặp bác sỹ, tuyệt đối không được dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ. Ở trẻ em, cần lưu ý đến các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn…
Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ: ngủ ít, trằn trọc khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, mơ, nói mơ, ác mộng, mộng du trong khi ngủ. Những rối loạn này có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm, magiê, canxi, axit amin, vitamin nhóm B. Rối loạn giấc ngủ có thể nhanh chóng chữa khỏi khi trẻ được bổ sung kẽm và các chất dinh dưỡng thiếu hụt kể trên.
Lê Anh
Biên dịch theo Huffingtonpost