Theo quan niệm của Đông y, giác hơi là dùng nhiệt nên được sử dụng để chữa các bệnh do hàn gây nên. Không dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt. Thông thường, dùng giác hơi chữa đau bụng, đau lưng, vai, gáy, cổ…
Kỹ thuật khá đơn giản
Với 12-24 ống giác, bông gòn, kẹp sắt, dầu baby oil (dầu massage dành cho em bé), dầu cù là, cồn 900 là bạn có thể phục vụ người thân mỗi khi mệt mỏi.
Về kỹ thuật giác hơi cũng khá đơn giản. Thoa baby oil hay dầu cù là lên lưng, massage nhẹ nhàng. Dùng cồn làm cháy bông gòn để làm nóng ống giác, chú ý chỉ làm nóng phần đáy cửa ống, không làm nóng phần miệng ống để tránh làm bỏng vùng da tiếp xúc. Sau đó úp lên da khoảng 15-20 phút rối lấy ống giác ra.
Khi nào nên giác hơi
Giác hơi là dùng nhiệt để làm ấm cơ thể, giảm mệt mỏi. đau nhức. Khi bị cảm mạo, phong hàn, sốt nhưng không tiết được mồ hôi, tê mỏi… giác hơi rất hiệu quả.
Theo y học cổ truyền, dùng giác hơi để điều trị phong hàn vì phong là một trong 6 thứ khí vận có thể gây bệnh là phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Phong đứng đầu bảng gây nên nhiều chứng bệnh. Để đuổi được phong hàn thì dùng nhiệt là phương pháp thích hợp nhất. Vì vậy, giác hơi là phương pháp được ưu tiên trong trường hợp này.
Đối với các bệnh chưa tổn thương đến tạng phủ, chỉ mới hoành hành ở phần biểu, kinh lạc thì giác hơi giúp bệnh nhanh khỏi.
Đối tượng nên tránh
Đối với người bệnh có bệnh tim, thận, phổi, chảy máu bất thường, dễ bị xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu, bệnh máu trắng, phù toàn thân không nên giác hơi.
Người bị bệnh tâm thần giai đoạn tiến triển, suy nhược cơ thể, giãn tĩnh mạch, động kinh, phụ nữ đang hành kinh, người đang say rượu, quá no hoặc quá đói, người già yếu và thai phụ cũng không được giác hơi.
Tư vấn chuyên môn:
Bs Võ Thiện Nhân – Phó khoa Vật lý trị liệu
Bệnh viện Y học Cổ truyền TP. HCM
Theo Sức Khỏe