Chuyện về mẹ chồng được chị em góp nhặt, thường đem ra nêm nếm cho những câu chuyện đã đến hồi nhạt nhẽo…
Hội gà mái vợ
Thử để ý mà xem, trong cơ quan bạn hay bất cứ cơ quan nào khác, bao giờ cũng có một hay vài nhóm gồm những phụ nữ có chồng, bất kể tuổi tác, chức vụ, đã lấy chồng lâu hay chóng, ở riêng hay chung. Xin được gọi là Hội gà mái vợ.
Hội gà mái vợ có thể họp bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, vào giờ uống trà buổi sáng, lúc nghỉ trưa, thậm chí chỉ 5 phút gặp nhau trong nhà xe cũng đủ để họ “buôn bán” đủ thứ chuyện.
Nếu bạn là gái chưa chồng, hãy cố dỏng tai nghe lỏm, mà nếu tỏ ra ngây ngây thơ thơ một chút có khi sẽ được cho nhập hội để “chuẩn bị tinh thần chiến đấu với mẹ chồng tương lai”.
“Mẹ chồng tao ấy à…”
Kết hôn quả là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời một người phụ nữ, nó có khả năng biến cô gà hoa mơ xinh đẹp thành mụ gà mái suốt ngày xù lông và mồm kêu quang quác.
Nếu trước đây, gặp nhau các cô chủ yếu bàn tán chuyện thời trang, chuyện tình yêu thì sau khi đeo vòng kim cô (nickname của nhẫn cưới), họ bỗng say mê với đề tài gia đình đến lạ.
Chẳng phải ca ngợi gia đình hạnh phúc tình thương mến thương, mà các thành viên trong gia đình được Hội gà mái mẹ miêu tả xấu xí tới mức kỳ dị.
Chồng thì “quần đùi xoăn như đèn lồng, suốt ngày ngồi ngáp ruồi và gẩy đàn xương sườn”. Rồi thì: “Lão có bồ, hôm qua tao điên quá cầm dao rượt đuổi chí chết” (xin thưa lời này được phát ngôn từ một hội viên Hội gà mái vợ đóng trong một cơ quan nhà nước tập trung toàn trí thức ưu tú). Lại: “Con em chồng vừa lười vừa ngu, đi giặt cái áo lụa trắng của tao chung với quần đùi đỏ của chồng tao, hỏng cả cái áo mấy trăm nghìn”. Hoặc than thở: “Mệt chết đi được. Đi làm về đã phải nấu cơm lại còn phải… rửa bát”.
Được một lúc thì câu chuyện bắt đầu nhạt nhẽo, đúng lúc này, một “cao thủ” liền “tung chiêu”: “Mẹ chồng tao ấy à…”.
Chuyện khơi mào này phải độc đáo một chút, có thêm ra bớt vào một vài chi tiết cũng chẳng sao. Chỉ cần hấp dẫn và “gãi đúng chỗ ngứa” là lập tức câu chuyện xôm trò, mặn mà hẳn. Cứ theo lời họ thì các bà mẹ chồng nào là hay soi mói, khó tính khó nết, nào là bênh con đẻ đè con dâu… Mỗi người góp một chuyện để “đấu tố” mẹ chồng.
Lại chuyện muôn thuở: Mẹ chồng – Nàng dâu?
Cứ theo Triết học mà nói, thì có sở hữu cá nhân là nảy sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng và nàng dâu, hai người đàn bà cùng “sở hữu” chung một người đàn ông, ắt có vấn đề.
Ai về đến nhà cũng trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”. Một con nhím luôn xù sẵn lông, thì kể cả khi đối phương không có ý muốn gây hấn, mới đến gần ho hắng một chút đã bị tấn công liền. Ngôi nhà bỗng biến thành chiến trường lúc nào không hay. |
Khi trong nhà có thêm một “tý nhau” thì mọi chuyện càng khó được “xét xử trong hòa bình”. Trong gia đình người bạn thân của tôi, riêng chuyện tắm cho em bé bằng nước 35 hay 38 độ cũng là đề tài tranh cãi suốt một tháng trời, chỉ kết thúc khi trời chuyển từ lạnh sang nóng.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, ngày nay quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã được cải thiện khá nhiều. Các bà mẹ chồng hầu hết không còn quá khắt khe, cay nghiệt như xưa. Nàng dâu cũng có đầy đủ kiến thức để biết cách “thu phục nhân tâm”. Kinh tế độc lập, lại ít chạm trán, nguy cơ bùng nổ xung đột vì thế cũng giảm đi đáng kể.
Vậy thì tại sao các nàng dâu vẫn chưa… hài lòng với mẹ chồng mình?
Một anh bạn tôi than thở: “Phụ nữ bây giờ nhìn mẹ chồng bằng tình cảm thì ít, lý trí thì nhiều”. Cách đây ít lâu, chị em xôn xao truyền nhau bức thư của một nàng dâu nào đó gửi mẹ chồng mình, trong đó phân tích rạch ròi “quyền hạn và trách nhiệm” của mẹ chồng. Những đoạn như “mẹ không sinh ra con, vậy thì khi mẹ muốn ăn cam, mẹ đừng bắt con phải bóc cho mẹ, hãy bảo con trai mẹ làm ấy!” làm các cô sướng “đứt đuôi con nòng nọc”. Với những ý nghĩ như vậy, bất cứ việc gì mẹ chồng làm đều khiến các cô cảm thấy trái mắt, hỏi thăm thì bị cho là soi mói, nhắc nhở thì thành lắm điều.
Cũng có những chị, chẳng có khúc mắc gì với mẹ chồng nhưng vẫn có chuyện để góp với Hội gà mái vợ mới tài.
Đầu tiên họ chỉ nghe chuyện người khác mà “ô… a…”. Rồi thì cũng về nhìn lại gia đình mình. Ừ nhỉ hóa ra mẹ chồng mình cũng khó tính như mẹ chồng của họ. Ừ nhỉ chuyện họ kể thì nhà mình cũng có, mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng đúng là có biểu hiện rồi. Thậm chí có người, chẳng ác ý gì, nhưng cứ bịa ra cho mặn chuyện. Lâu dần “tự kỷ ám thị”, con mắt nhìn mẹ chồng lại xa cách thêm một chút.
Kể thôi chưa đủ, Hội gà mái vợ còn truyền tai nhau những bí kíp đối phó với mẹ chồng. Có cô tuyên bố: “Phải đập bẹp những ý đồ đàn áp ngay khi nó mới le lói”. Vậy là ai về đến nhà cũng trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.
Một con nhím luôn xù sẵn lông, thì kể cả khi đối phương không có ý muốn gây hấn, mới đến gần ho hắng một chút đã bị tấn công liền. Ngôi nhà bỗng biến thành chiến trường lúc nào không hay.
Chuyện không ngờ tới
Nhiều chị em đọc đến đây, nhảy dựng lên, rằng chỉ là những câu chuyện vui, kể cho nhau nghe để xả stress thôi, đâu có gì to tát đến vậy?
Nhưng, cũng sẽ có người ý thức được rằng, những câu chuyện tưởng chừng vô hại ấy, cứ lặng lẽ như vết dầu loang làm hoen ố, rạn nứt dần mối quan hệ vốn đã mong manh giữa hai người đàn bà không cùng huyết thống sống chung dưới một mái nhà.
Cô bạn tôi thì chưa đến mức xung đột như vậy. Nhưng có lần mời đồng nghiệp đến nhà chơi, để kiếm câu chuyện làm quà, một người sốt sắng hỏi bà mẹ chồng: “Cháu nghe nói bác thích ăn cơm chan nước mỳ tôm, nhà cháu bán mỳ, để hôm nào cháu gửi biếu bác một thùng”.
Bà mẹ chồng tái mặt. Còn cô bạn tôi thì loay hoay tìm lỗ nẻ để chui xuống./.