Gia vị…


Nghe nói tới sến, xin đừng vội dị ứng, gai người. Đừng vội nhăn mặt xua tay. Đừng vội chùng lại, ngờ vực như thể người đối thoại sắp sửa đưa ta vào một cái bẫy thô sơ. Mọi con người đều có chỗ trong một nền dân chủ, mọi sinh linh đều có chỗ dưới ánh mặt trời, mọi sản phẩm đều có chỗ trong không gian và thời gian. Đủ chỗ cho tất cả, không ai chiếm chỗ của ai, không gì triệt tiêu cái gì, không nào loại trừ cái nào.

 


Sến là từ hình như ban đầu xuất hiện trong giới thị dân phương Nam, cũng như trước đó người ta có từ “cải lương” vậy. Mới đầu là để nói đến một thứ ca nhạc mùi mằn, lâm ly, ướt át, lạm dụng cảm xúc. Sau là để chỉ một thứ tình cảm thường ẩn khuất đây đó trong lòng người, ngang trái, éo le, bùi ngùi, giằn vặt, giằng xé, bùng nổ. Có khi là để chỉ một cái gì hơi bình thường, hơi thâm thấp, hơi “quê”, tất cả được người ta cho luôn vào một rọ. Sến!

 
Đúng thế, mà cũng đừng vội nghĩ thế. Bạn có chút Tây học. Bạn có thể được coi là hướng ngoại, thích hàng ngoại hơn hàng nội, thích làm tội bà ngoại hơn là làm tội bà nội, you’re every inch the foreign bạn ngoại đến tận răng… Này, thứ âm nhạc bạn đang nghe, những rap những rock những metal ấy cũng là loại chiều thị hiếu nịnh tai; nghe vừa tai lọt tai đến ngấm say đứ đừ thì đó cũng là một thứ sến trá hình, sến mà chẳng cần băn khoăn mình sến hay không sến.

Xa xưa hơn nữa, là những câu này: Blue blue my world is blue/ Blue is my world now I’m without you/ Grey grey my life is grey/ Cold is my heart since you went away. Tình yêu xanh (nhợt). Không còn anh thế gian chuyển màu xanh. Anh ra đi cho lòng em xám lạnh. All I have to do is dream. Hết thảy những gì anh phải làm đều như trong mơ. I love you more than I can say. Anh yêu em hơn cả mức giãi bày. Tóm lại, đó là một tập hợp từ vựng theo kiểu anh yêu em, em yêu anh, kiếp này không được bên nhau thì hẹn kiếp sau, kiếp sau không được thì ta mau xử lý với kiếp này… Giới trí thức và nghệ sĩ Âu Mỹ có thể vừa nghe vừa cả cười mà rằng too much emotional, lâm ly thế. Nhạc sến của Tây!
 

 "Cuốn theo chiều gió" –

bộ phim sến kinh điển của thế giới


Không chê, nhưng ngay cả khi thưởng thức nghệ thuật, con người đồng thời cũng có nhu cầu tìm đến một sự thăng bằng tương đối cho tâm, không dấn quá sâu vào một cõi gây mê.
 
Vẫn đang nói chuyện ta yêu bà ngoại, phim ảnh tiểu thuyết thì ta thích “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Titanic”… Hay thì đúng là hay. Nhưng mà… sến đấy. Sến của Tây. Mấy cái phim thoạt nhìn tưởng cơ bắp, chủ nghĩa người hùng đi diệt trừ bạo chúa, lập lại công bằng, trấn áp kẻ bành trướng, nâng đỡ kẻ sa sút, bù đắp kẻ nhỏ nhoi… mấy cái ấy thực ra cũng đều sử dụng yếu tố sến. Phải lâm ly, éo le, ngọt ngào, chua chát, cay đắng… có đủ tất cả mới tạo nên một món lẩu quyến rũ mọi kiểu thực khách.

Điện ảnh Bollywood của Ấn Độ có một khái niệm để chỉ loại phim này – masala film – “phim gia vị”, một hỗn hợp đầy đủ hương vị thập cẩm. Có một công nghệ hẳn hoi, những ông trùm kịch bản và đạo diễn ngồi với nhau, pha chế, gia giảm các loại gia vị cho đến khi tạo ra được một công thức để dẫn dụ khán giả. Những ông trùm văn chương ăn khách cũng vậy, cũng có công thức. Âu Mỹ công nghệ hóa cả văn chương, sách cung cấp công thức viết văn có thể tìm được dễ dàng. Yếu tố lâm ly có trong nhiều trang sách, nhiều bộ phim, nhiều vở diễn, nhiều nốt nhạc, nhiều lời ca… “Too much sentimental”, cải lương quá. Ồ, ta có thể mè nheo cải lương của ta, nhưng chính ta lại đang thích cải lương của Tây. Hàng nội hàng ngoại, gì cũng được mà, chê trích gì nhau.

Tuy nhiên, cũng nên thấy một điều, ở các loại hình nghệ thuật, khi lạm dụng cảm xúc, luôn có khả năng tác giả và người thưởng thức cùng bị đẩy vào một cõi mê, ở đó thiếu sự sáng suốt để cùng nhau tạo dựng tính hoàn chỉnh (tương đối) cho tác phẩm. Mê say, lâm ly, nhưng cũng cần dành chỗ cho sự gián cách giữa tác phẩm và sự chiêm nghiệm, sự thấu thị, sự tri ngộ; từ đó mới có thể tiếp nhận được nhiều hơn những giá trị khác nữa.
 
Vậy là sến có trong mọi người, trong bạn trong tôi trong chúng ta. Y học một tí thì bảo nó như vi trùng lao sẵn sàng trong cơ thể, nằm chờ dịp để phát lộ. Điện ảnh và võ thuật một tí thì bảo nó thập diện mai phục chờ thời cơ. Giọng sến lạc quan một tí thì bảo đó là trái tim đang ngủ yên chờ một nụ môi hồng đánh thức.

 
Thời cơ nào? Điều kiện nào? Hoàn cảnh nào?

 
Ta là chủ hộ, ta đứng đầu một gia đình, ta là phái mạnh, ta phải làm toàn là việc chính việc lớn trong gia đình. Ta còn đứng đầu một cơ quan, là trưởng nhóm, là đội trưởng… Quanh năm suốt tháng ta phải làm chòm. Vợ con, cấp dưới, thuộc hạ mặc nhiên công nhận và chấp nhận cương vị của ta. Ấy thế, thảng hoặc ta thèm. Thèm một ngày một lúc không phải làm chủ hộ, không phải làm kẻ mạnh, không phải làm người điều binh khiển tướng… Cũng phải có lúc ta cần được chiều chuộng, được săn sóc, được nâng đỡ, được phép yếu đuối giữa gia đình. Lúc ấy được phép trả, trả hết, vai trò người chồng người cha, được đổi vai trò chốc lát. Cho anh một lần, một lần thôi.

 
Đấy là trong hoàn cảnh bình thường, đời thường. Rủi ro hơn, khi đang ở trên đỉnh cao vinh quang quyền lực mà bị ngã ngựa. Khi đang phát mà bị tổn thất lợi nhuận. Khi đang yêu mà không được yêu. Khi cái ta ghét vẫn cứ nhơn nhơn tồn tại. Khi đang tràn đầy sinh lực mà bị ốm đau bệnh tật. Người ta có thể có hàng trăm mơ ước, nhưng khi ốm yếu ọp ẹp, chỉ còn duy nhất một ao ước mà thôi: khỏi bệnh. Khỏi bệnh còn là để thoát khỏi cảm xúc u ám, lâm ly khiến ta chùng xuống.

 
Ở cái lúc chùng lại ấy, có thể vô tình ta tiếp xúc với một tác phẩm mà bình thường mình kỳ thị. “Too much emotional”, sến quá. Rất nhiều người bị giam cầm đã đọc đến thơ là thứ khi còn đi học, họ không thể ưa nổi. Rất nhiều người tha phương cầu thực bỗng nhiên thích những bộ phim nhiều tập mà họ vẫn cho là cải lương. Rất nhiều người suy nhược cơ thể đọc tiểu thuyết ăn khách mà thấy rất ngấm… Tác phẩm khi ấy như một liều thuốc giảm đau, như xe lăn, như gậy chống, như thầy thuốc tư vấn. Ừ nhỉ, người ta bỗng nhìn nó trong một thứ ánh sáng khác, và hiểu ra chỗ đứng của nó trong đời sống. Đó cũng là một sự bừng ngộ.

 

 
 Một cảnh ‘sến’ được nhiều người yêu thích trong "Titanic"


Dám chắc là khi còn trẻ trung, mạnh mẽ, đầy tự tin, ta không thể thích những thứ nghệ thuật opera ca kịch quá nhiều bổng trầm luyến láy, quá nhiều ngoắt ngoéo cốt truyện. Chèo, tuồng, cải lương bị xem là xưa, là không thời trang. Dẫu có thích chút ít, ta cũng khó đủ tự tin thổ lộ công khai, thích thì cũng tự coi là không xứng nói ra. Hai mươi tuổi ta gay gắt với cải lương. Ba mươi, ta quyết liệt chống cải lương. Bốn mươi, ta tần ngần trước cải lương. Năm mươi, một ngày mưa, hoặc là một buổi trưa nắng chang chang tỉnh lẻ, ta tình cờ nghe. Nghe mà ngấm. À, cái ta vẫn duỗi ra đẩy ra lại có một sức mạnh nhất định, có cái lý nhất định, có chỗ nhất định. Cái chỗ nhất định ấy thậm chí ở ngay trong ta. Tuổi tác cũng đóng một vai trò.

 
Còn nữa. Từ một bài thơ của nhà thơ Nga Evtushenko, tôi có dịp quan sát và chiêm nghiệm. Một số ban nhạc sành điệu và không tuân phục mọi quy ước. Tóc xuôi xuống thì phải vuốt lên cho dựng đứng đinh ghim hay bàn chông. Màu tóc cánh trả, con vẹt. Mặt lành hiền thì phủ lên đấy đầy tóc và râu. Áo quần là lượt thì vò xé nhăn nheo xơ xác, tô thêm màu tự chế. Họ đàn trống phô trương sự bặm trợn phũ phàng ngang ngửa. Đó là chỗ có công chúng, có người nhìn người ngó người chứng kiến. Rồi cũng có chỗ không có người xem, đi picnic, ngồi với nhau, ta với ta, đàn lên hát lên. Vài bài đầu nhạc Âu Mỹ thời thượng. Ném thêm củi vào đống lửa. Đồ nhấm nháp bắt đầu vơi đi. Mấy sợi dây đàn dường như đã hơi mỏi. Người cầm đàn chuyển sang một bài khác. Ban đầu ngập ngừng. Rồi chìm sâu. Rồi tất cả hòa theo. Quan Họ. Điệu lý ba miền.

 
Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…
Đôi bên bác mẹ cùng già/ Lấy anh hay chữ để mà cậy trông…
Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Xin anh hãy về ngỏ ý với mẹ cha, đến mùa lúa chín đón em về cho thỏa nhớ mong…
Gió lên rồi căng buồm cho khoái, gác chèo lên ta nướng ngô khoai/ Nhậu cho tiêu hết mấy chai…
 
Tự bao giờ chẳng rõ, không còn tần ngần, e ngại, thủ thế; không còn cao ngạo, vênh vang, phô lộ… một cái gì rất sâu rất xa từ trong hồn được khơi nguồn. Tuôn trào không cưỡng được. Tự nhiên, như nhiên, khỏe khoắn, thấm thía.
 
Nói vậy không có nghĩa rằng con người mạnh mẽ, trẻ trung, thậm chí quyền thế thì với cái sến trong mình, họ phải đoạn tuyệt, tự hủy, triệt tiêu quyết liệt. Chẳng nên và chẳng thể. Cũng không có nghĩa là nghệ thuật đích thực không có quyền sến. Chinghiz Aitmatov với “Người thầy đầu tiên”, Jamilia, “Cây phong non trùm khăn đỏ”… ngày trước; rồi Gabriel Garcia Marquez với “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ ta”; Mạc Ngôn với “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”…; Haruki Murakami với “Rừng Na Uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Kafka bên bờ biển”…

Nhiều tác phẩm có giá trị không thể thiếu yếu tố li kỳ, éo le, bất thường, ngang trái… Chỉ có điều cái màu sắc lâm ly cũng thay hình đổi dạng cho phù hợp với thời đại. Nhiều nghệ sĩ sử dụng nó chỉ để mà gây mê, gây run rẩy, khóc lóc. Còn nghệ sĩ đích thực thì biết dùng nó làm gia vị, gia vị không bao giờ trở thành món ăn, nhưng món ăn có khi vô vị nhạt nhẽo vì thiếu nó. Nghệ sĩ đích thực thì biết gia giảm cái sến, tận dụng nó, điều khiển nó, không để nó dẫn dụ ra bên ngoài mục tiêu tư tưởng và nghệ thuật của mình.
 

Bài: Nhà văn Hồ Anh Thái
Tranh minh họa: Phạm Duy Đăng

From the same category