Người bệnh sẽ gặp khó khi giá thuốc và viện phí cùng nhau song hành. Ảnh L.N. |
Giá thuốc tăng – người bệnh choáng váng
Thuốc kháng sinh Augmentin 500mg dạng hộp đã tăng 17.000 đồng/hộp lên 192.000 đồng/hộp. Hỏi lý do thuốc tăng đột biến như vậy, nhân viên nhà thuốc M.Đ, trên đường Hoàng Diệu, quận 4 chỉ cho biết: “Đơn vị phân phối đã báo giá tăng”.
Ông Hoàng Văn Nhân, 54 tuổi ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 (TPHCM) được bác sĩ xác định bị rối loạn tiền đình. Ông Nhân thường xuyên phải dùng thuốc Stugerol.
Ngày 1-9, khi ông Nhân ra nhà thuốc Mỹ Nhân trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 mua loại thuốc này thì nhân viên cho biết giá đã tăng thêm 45.000 đồng/hộp.
“Cách đây một tháng tôi mua hộp thuốc này giá chỉ 154.000 đồng, nay đã gần 200.000 đồng”- ông Nhân nói.
Trong khi các sở y tế địa phương và Cục Quản lý dược Việt Nam vẫn tự hào vì “kìm được giá thuốc” thì tại các khu chợ dược ở TPHCM, hệ thống nhà thuốc, giá thuốc bán buôn và bán lẻ tăng vô tội vạ.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, không chỉ thuốc ngoại, thuốc nội cũng tăng giá liên tục trong nhiều ngày qua. Nhiều loại thuốc như Trafedin tăng giá bán 44%, từ 12.500 đồng lên gần 20.000 đồng; thuốc Notravin tăng tới 27% và thuốc Nebamin tăng giá 40%.
Nhiều loại thuốc cũng được các đơn vị bán lẻ ở khu chợ dược quận 10 cho biết, bắt đầu từ tháng 8 đã tăng mạnh như: thuốc Nitromint Spray từ 55.000 đồng tăng lên 66.000 đồng/lọ, Urgo từ 29.500 đồng lên 36.000 đồng/hộp, Ocuvit từ 150.000 đồng lên 167.000 đồng/hộp, Indocolifue từ 63.000 đồng lên 69.000 đồng/hộp…
Chị Trần Lan Hương, phụ trách gian hàng cung cấp thuốc sỉ ở chợ dược Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM cho biết, hầu hết các loại vitamin, thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, dịch truyền chống sốc, thuốc về mắt và các loại dầu gió…được các công ty gửi báo giá tăng từ một tháng nay và “chỉ có tăng chứ chưa bao giờ gửi báo giá giảm”.
Theo bảng báo giá mà chị Hương cung cấp, loại thuốc Efferagan Codein từ 323.000 đồng/hộp lên 345.000 đồng/hộp; Vastaren MR từ 138.000 đồng/hộp lên 159.000 đồng/hộp…
Kiểm soát ở ngọn
Hầu hết, các đợt khảo sát thị trường dược phẩm hằng tháng của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc VN, kết quả cho thấy các mặt hàng thuốc nội ngoại đều đặn tăng giá.
Trong khi chỉ có một vài ba mặt hàng giảm giá với tỷ lệ giảm…nhỏ giọt. Trong tháng 5 và tháng 6, trong số 4.664 lượt mặt hàng được khảo sát có 28 mặt hàng thuốc nội tăng giá,với tỷ lệ tăng trung bình 9,37%; 32 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, với tỷ lệ tăng 6,4%.
Lý giải chủ yếu cho việc tăng giá thuốc từ các doanh nghiệp dược là do giá nguyên liệu biến động, giá xăng tăng liên tục…
Dược sĩ Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc một công ty dược ở quận 10, TPHCM cho biết, thường các công ty dược trong và ngoài nước tăng giá phải được Cục quản lý Dược và Sở y tế địa phương cho phép.
“Khi họ giải trình, chứng minh được tăng giá phù hợp thì mới cho điều chỉnh. Tuy nhiên, rất nhiều công ty “tự điều chỉnh” mà ngành chức năng chẳng hay biết”- ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, quản lý giá thuốc bán lẻ hiện nay gần như là giải pháp trên ngọn. Ông Phan Văn Sang, Giám đốc một công ty dược khác ở quận 10, nói các hệ thống bán lẻ thuốc do không chịu sự cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí là không bị cơ quan chức năng kiểm soát giá nên mặc sức tự tung tự tác giá thuốc.
“Các nhà thuốc bị buộc niêm yết giá nhưng thực chất họ chỉ yết lấy lệ, người bệnh khó mà biết được giá niêm yết có đúng với giá thực tế hay không”- ông Sang nghi ngại.
Mặc dù thông tư 50 của liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương về quản lý giá thuốc có hiệu lực từ 1-6 vừa qua, tuy nhiên giá thuốc gần như đã có những “đợt sóng” tăng giá dữ dội hơn.
Theo Thông tư 50, nguyên tắc quản lý của nhà nước về giá thuốc là các cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc theo luật Dược.
Nhưng thực tế, theo các chuyên gia về dược, ngay tại khâu kê khai, giá thuốc đã bị “làm giá” một cách tinh vi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lần kê khai giá các doanh nghiệp dược nhập khẩu đã kê khai đón đầu từ 3-5 tháng. Việc làm này giúp cho doanh nghiệp dược kê giá thuốc lên cao 5-10 lần so với giá khai báo để đón đầu trượt giá trong thời gian sau đó.
Người bệnh oằn vai
Khung viện phí mới được các bệnh viện áp dụng từ tháng 8 vừa qua đã tạo ra vô số khó khăn cho người bệnh. Giá thuốc tăng trong những ngày qua khiến người bệnh thêm choáng váng.
Sau khi nhận toa thuốc từ tay bác sĩ, có bổ sung thuốc bổ Pharmaton, ông Trần Nhuận, 34 tuổi ở Bình Thạnh ra nhà thuốc mua. Tại đây nhà thuốc cho biết giá hộp thuốc lên 262.000 đồng/hộp. Loại thuốc này trong tháng 7 giá chỉ 232.000 đồng/hộp. Nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục thanh toán, buộc người bệnh phải tự mua sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng thực sự.
Một bệnh nhân điều trị ung thư gan ở BV Ung bướu TPHCM cho biết, nhiều loại thuốc trong thuốc ức chế gan như Nifedipine hay Amlor đều tăng giá lên từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/loại.
Theo Tiền Phong