Quản lý giá thuốc đang là vấn đề bức xúc hiện nay – Ảnh: MINH ĐỨC
Thuốc tân dược Coltab (Citicolin 500mg, hộp hai vỉ 10 viên/vỉ, ngày sản xuất 26-12-2011), nhà sản xuất Cure Medicines, Ấn Độ có giá nhập khẩu (đến cảng VN – giá CIF) là 12.000 đồng/viên, nhưng giá Coltab đang bán tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là 31.565 đồng/viên, gấp 2,5 lần giá nhập khẩu. Đây là một thực tế kéo dài và rất thường xảy ra không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai.
Kê khai một đằng, bán một nẻo
Khó tra cứu danh mục giá thuốc
Thực tế cho thấy một danh mục giá của trên 3.000 loại thuốc với nhiều chi tiết về số đăng ký, công ty sản xuất và công ty nhập khẩu, nhưng Cục Quản lý dược không hề sắp xếp theo trình tự chữ cái, một người tìm cả ngày cũng chỉ tra cứu được vài chục sản phẩm, trong khi những bệnh viện lớn tổ chức đấu thầu hàng ngàn sản phẩm/đợt.
Thuốc Codzidime (bột pha tiêm, sản phẩm của Hanlim Pharma, Hàn Quốc) do Công ty cổ phần y dược Vimedimex nhập khẩu có giá bán buôn dự kiến theo đăng ký công khai trên website của Cục Quản lý dược là 38.496 đồng/lọ, nhưng vẫn trên website Cục Quản lý dược, thuốc Codzidime trúng thầu năm 2011 vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Da liễu T.Ư lên tới 60.000 đồng/lọ, cao hơn gần gấp đôi so với giá bán buôn dự kiến kê khai.
Tương tự, thuốc Micropim 1g, sản phẩm của Micro Labs, Ấn Độ (hộp một lọ và một ống nước cất) có giá bán buôn kê khai trên website Cục Quản lý dược là 38.903 đồng/hộp, nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư năm 2011 lên đến 105.000 đồng; thuốc Azi Powder hộp một chai 15ml có giá bán kê khai tại Cục Quản lý dược là 16.000 đồng, nhưng giá bán tại nhà thuốc Bệnh viện Xanh Pôn lên đến 83.000 đồng.
Theo tìm hiểu, nhiều thuốc chỉ có giá kê khai 50.000 đồng/lọ nhưng trúng thầu vào bệnh viện 90.000-100.000 đồng/lọ, cao gấp đôi so với giá chính công ty đã kê khai.
Không chỉ bán thuốc với giá cao hơn hẳn giá công ty dự kiến đăng ký với Cục Quản lý dược, so sánh giá nhập khẩu đến cảng VN và giá bán lẻ cũng cho thấy giá thuốc bị đẩy lên rất cao. Ví dụ: thuốc Danolon đang bán tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai là 32.100 đồng/viên, nhưng giá CIF chỉ khoảng 10.000 đồng/viên…
Quản lý lỏng lẻo
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), kêu trời khi nhìn bảng kê giá thuốc bán cho cơ quan bảo hiểm. Theo ông Sơn, dù đã có thêm hai văn bản hướng dẫn quản lý giá thuốc và hướng dẫn đấu thầu vào bệnh viện vừa ban hành đầu năm 2012, nhưng quy định quản lý giá thuốc hiện hành vẫn còn rất lỏng lẻo.
“Đối chiếu các quy định hiện hành, bệnh viện tự tổ chức đấu thầu không phải kiểm tra giá CIF. Tổ chức đấu thầu thuốc vào bệnh viện dựa trên giá kế hoạch rất tù mù, chưa chính quy” – ông Sơn phàn nàn.
Quy định hiện hành yêu cầu giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện không được cao hơn giá kê khai tại Cục Quản lý dược. Nhưng giá kê khai là của doanh nghiệp tự kê, tự chịu trách nhiệm nên có tình trạng kê tại Cục Quản lý dược một giá, kê tại bệnh viện một giá, sau đó điềm nhiên được thắng thầu với giá gấp 2-3 lần so với giá kê khai tại Cục Quản lý dược mà không ai phát hiện.
“Rất nên pháp quy hóa giá kê khai tại Cục Quản lý dược, nếu không sẽ còn nhiều thuốc được bán vào bệnh viện với giá cao mà bệnh viện không phát hiện được” – một chuyên gia về quản lý giá thuốc phân tích. Cũng theo chuyên gia này, quy định hiện hành yêu cầu không được bán thuốc với giá cao hơn giá kê khai, tuy nhiên việc phát hiện doanh nghiệp có làm đúng quy định hay không thì… vẫn chưa triển khai được nên quy định chỉ tồn tại trên giấy.
Tháng 3-2012, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế xây dựng thông tư thí điểm quản lý giá thuốc theo thặng số trần từ nhập khẩu đến bán buôn. Nhưng việc này đang rất khó triển khai vì thặng số bao nhiêu là vừa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hai văn bản mới hướng dẫn quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc vào bệnh viện đều đã có hiệu lực nhưng chưa phát huy hiệu quả. Chuyện giá thuốc cao, quản lý lỏng được nói đến từ năm 2002, đến nay chẵn mười năm nhưng xem ra chặng đường vẫn còn dài, rất dài.
Theo Tuổi trẻ