Tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 25-12, thịt ba rọi giá 85.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng so với đầu tháng 12- Ảnh: H.T.Vân
Chị Đoàn Thúy Phượng (Q.12, TP.HCM) than thở: “Tôi để ý năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào Noel, Tết dương lịch là giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lại rục rịch tăng…”
Dù giá bán lẻ thịt ngoài chợ tăng mạnh, nhưng người chăn nuôi không vui mà càng thêm lo. Nếu khâu bán lẻ cứ đẩy giá lên, người tiêu dùng sẽ hạn chế ăn thịt và người chăn nuôi lãnh đủ.
Trước hiện tượng tăng giá bất thường của các loại thịt heo, gà gần đây, giới kinh doanh thừa nhận có hiện tượng “té nước theo mưa” trong dịp lễ tết cuối năm.
Theo các quầy bán thịt heo tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đến nay trung bình giá thịt đã tăng trên 7.000 đồng/kg – Ảnh: THANH ĐẠM
Đến chợ là thấy giá tăng
Sáng 25-12, bà Hoàng Thị Thái (P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đi chợ Gò Vấp để chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho gia đình. Vừa bước chân vào quầy thịt, bà đã hết sức ngỡ ngàng khi một lần nữa thịt heo lại được tăng lên mức giá mới, trong đó giá thịt heo ba rọi loại bình thường mà bà Thái định mua đã lên mức 98.000 đồng/kg.
Là người đi chợ hằng ngày, bà Thái cho biết thời gian gần đây thịt heo tăng giá liên tục. “Ngay từ đầu tháng 12, giá thịt heo tăng từ 70.000 đồng/kg (thịt ba rọi) lên mức 75.000 đồng. Sau đó cứ cách vài ngày tôi đi chợ lại thấy giá tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg” – bà Thái nói. Tính đến ngày 25-12, theo bà Thái, giá thịt heo loại ba rọi đã tăng thêm 20.000-25.000 đồng/kg so với đầu tháng, nhưng “đó là loại ba rọi thường, loại ngon còn tăng hơn nữa”.
Tại chợ Lạc Quang (Q.12), khu chợ tập trung nhiều người dân lao động, chị Lê Thị Hiền (công nhân Công ty may Việt Hưng, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) cho biết giá thịt heo đã tăng chóng mặt thời gian gần đây. “Mỗi hôm tăng vài ngàn đồng, thịt loại nào cũng tăng, đồng tiền thì chỉ có nhiêu đó nên miếng thịt cứ teo dần đi” – chị Hiền buồn bã nói.
Không chỉ thịt heo, giá thịt gà cũng tăng khá mạnh trong thời gian qua. Trong đó, riêng gà công nghiệp (gà lông trắng) bán tại trại tăng từ 20.000 đồng/kg (đầu tháng 11) lên 30.000 đồng/kg vào khoảng cuối tháng, giá bán các loại thịt gà trên thị trường cũng tăng từ 40.000 đồng/kg (gà nguyên con) lên 55.000 đồng/kg.
Chị Đoàn Thúy Phượng (đường Phạm Văn Bạch) khẳng định có hiện tượng khâu bán lẻ lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. “Tôi để ý năm nào cũng vậy cứ bắt đầu vào Noel, Tết dương lịch là giá thực phẩm, đặc biệt là thịt, lại rục rịch tăng. Giá cứ tăng đều đều và phải qua tháng giêng mới bắt đầu hạ nhiệt” – chị Phượng nói.
Té nước theo mưa
Trong khi người tiêu dùng trách khâu bán, các tiểu thương lại đổ lỗi cho chợ đầu mối. Bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương tại chợ Gò Vấp, phân tích giá thịt heo tăng mạnh do giá heo tại các chợ đầu mối tăng quá cao. Hiện heo mảnh loại ngon tại chợ đầu mối Hóc Môn được các thương lái giao ở mức trên 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các tiểu thương còn phải trả tiền xăng xe, hao hụt khi pha lóc những phần xương cục, mỡ thừa… “Cứ 100kg thịt heo mảnh về pha lóc thì hao hụt khoảng 10kg nên chúng tôi phải bán với giá như hiện nay mới có lời” – bà Dung khẳng định.
Sáng sớm 25-12, tại chợ đầu mối Hóc Môn, chủ sạp Hà cho biết heo đầu chợ (heo bán đầu giờ) đang được rao ở mức 54.000 đồng/kg, đến cuối buổi chợ giá heo thậm chí còn xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Theo bà Hà, giá heo mảnh tại chợ đầu mối cách đây khoảng hai tuần bắt đầu tăng 1.000-2.000 đồng/kg, sau đó giá tăng đều sau 3-4 ngày với mức tăng tương tự. “Lần cuối cùng tăng giá cách đây ba ngày và được giữ cho đến ngày 25-12” – bà Hà nói. Giải thích nguyên nhân giá heo tăng tại chợ đầu mối, các thương lái cho biết là do nguồn ít hơn trước buộc phải đẩy giá heo đầu mối nhích lên.
Tuy nhiên, các chủ trang trại cũng như các công ty chăn nuôi đều khẳng định nguồn cung heo ra thị trường thời gian qua rất dồi dào chứ không có chuyện thiếu hụt. Chuyện giá tăng một phần do trước đó đã giảm xuống dưới giá thành nhưng chủ yếu là do yếu tố tâm lý lợi dụng dịp lễ tết để tăng giá.
Anh Nguyễn Quang Hưng, chủ một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM, cho rằng giá bán heo, gà từ các trang trại tăng lên kể từ cuối tháng 11 đến nay nên giá bán lẻ cũng tăng theo là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, cứ mỗi lần giá heo, gà tại các trại tăng một thì giá bán lẻ lại được đẩy lên gấp mấy lần nên giá tới tay người tiêu dùng tăng lên chóng mặt. Hơn nữa, tháng 12 lại là dịp lễ Giáng sinh và chuẩn bị đón năm mới nên nhiều mặt hàng bị các khâu bán lẻ chủ động đẩy giá lên cao hơn so với mặt bằng chung.
Anh Hưng phân tích giá heo hơi đầu tháng 11 chỉ là 40.000 đồng/kg đã tăng lên 45.000 đồng/kg vào đầu tháng 12, giá thịt heo ngoài chợ cũng tăng. Nhưng trong những ngày gần đây, giá heo hơi giảm xuống còn 43.000 đồng/kg thì giá tại các khâu bán lẻ không những không giảm mà còn tiếp tục tăng thêm là vô lý.
TRẦN MẠNH – DŨNG TUẤN
Người chăn nuôi lo lắng Kể từ cuối tháng 11 đến nay, người chăn nuôi mới được tận hưởng cảm giác “có lời” khi bán heo, gà, sau hơn 10 tháng giá bán sản phẩm chăn nuôi nằm dưới giá thành. “Với giá gà hiện nay thì người chăn nuôi có lời khoảng 1.000 đồng/kg nhưng các công ty thức ăn chăn nuôi lại vừa thông báo tăng giá cám, như vậy giá thành chăn nuôi lại tiếp tục tăng thêm” – anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết. Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Xuân Lộc cho hay cũng may là giá bán heo, gà vài tháng cuối năm đã có lời nên còn đủ tiền trả cho nhân viên sau khi đã phải giảm phân nửa tổng đàn vật nuôi. Nhưng vị giám đốc này lo lắng nếu không kiểm soát tốt khâu phân phối cứ để họ mặc sức tăng giá bán thì người tiêu dùng sẽ hạn chế mua thịt, người chăn nuôi lại gặp khó. |
Tập trung kiểm soát cung – cầu lương thực, thực phẩm UBND TP Hà Nội vừa có chỉ thị tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn hàng hóa cuối năm và Tết Quý Tỵ năm 2013. Theo đó, giao Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá hàng thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, đường, thuốc chữa bệnh…; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng… gây tăng giá bất hợp lý. Sở Công thương Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp được ứng vốn phải tăng cường dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng và mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới các chợ dân sinh, đảm bảo nguồn hàng đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân… Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết sẽ tập trung phân phối các sản phẩm thiết yếu tại 710 điểm bán hàng bình ổn giá và khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nông dân và công nhân. Ước tổng lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn khoảng 6.000 tỉ đồng, đáp ứng 20-25% lượng nhu cầu tiêu dùng tăng thêm trong dịp tết. |
Theo Tuổi trẻ