“Gia Tài Của Ngoại” - Tình thân gia đình là tài sản lớn nhất - Tạp chí Đẹp

“Gia Tài Của Ngoại” – Tình thân gia đình là tài sản lớn nhất

Review

Không mang đến những câu chuyện “đao to búa lớn” về tranh đấu gia tộc, cũng chẳng cài cắm các tình huống bi kịch hay “plot twist” xoắn não, nhưng “Gia Tài Của Ngoại” (tựa Anh: “How to Make Millions Before Grandma Dies”) vẫn thành công chinh phục trái tim của khán giả.  

Chuyện phim gần gũi, dung dị

“Gia Tài Của Ngoại” xoay quanh M (Billkin Putthipong), một chàng trai thất nghiệp và đang tìm mọi cách để làm giàu. Một ngày nọ, M nhận ra cách đổi đời nhanh chóng là chăm sóc người bà đang mắc ung thư giai đoạn cuối để thừa kế tài sản. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian sống cùng bà, M nhận ra rằng tài sản vật không phải tất cả. 

Có thể thấy, câu chuyện “Gia Tài Của Ngoại” không hề mới, trái lại còn là đề tài được các nhà làm phim “xào đi nấu lại”, thậm chí còn chiếm thế thượng phong trên màn ảnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bộ phim vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, đồng thời còn làm nên cơn địa chấn phòng vé nhờ sự gần gũi với đời sống, soi vào từng ngóc ngách của mỗi gia đình. Những mẩu chuyện ở đó không đơn thuần nằm trong trí tưởng tượng phong phú của biên kịch và đạo diễn, mà chúng được xây dựng từ chất liệu của cuộc sống. Mỗi nhân vật được đặt vào các tình tiết khéo léo, tựa như một tấm gương phản chiếu một lát cắt của cuộc sống. Chính vì thế, khán giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm với các câu chuyện trong phim, thổn thức trước những mạch cảm xúc của tuyến nhân vật chính phụ và thấm thía ý nghĩa nhân văn cài cắm sâu xa với các câu thoại rất đời.

Đặt để tình tiết hợp lý

Không chỉ tập trung vào M và ngoại Amah (Usha Seamkhum), phim còn chia đều câu chuyện cho từng người con của bà gồm: cậu con trai cả Kiang (Duu Sanya Kunakorn), cô con gái thứ Xiu – mẹ của M (Jear Sarinrat Thomas) và “út cưng” Soi (Phuak Pongsatorn Jongwilas). Cả ba được ví như hình ảnh con cái tiêu biểu trong gia đình Thái – Hoa. Nếu Kiang là người anh trai thành đạt, thì Xiu lại là người con có cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Còn Soi là đứa trẻ được mẹ cưng chiều từ nhỏ nên quen với lối sống dựa dẫm. Do đó, Kiang mặc nhiên nhận được nhiều tình yêu thương từ mẹ hơn những người con khác. Điều này khiến những người anh chị em khác phải ghen tị. 

Tình cảm của mẹ dành cho con không bao giờ cần sự hồi đáp. Điều mẹ cần ở những người con khi đến tuổi xế chiều chỉ là những bữa cơm ngon quay quần đầy đủ con cháu. Ấy vậy mà, mong ước nhỏ nhoi đó của bà trở nên xa tầm với. Nếu như con trai cả Kiang gửi mẹ một khoản tiền trợ cấp xem như phí “hiếu thảo” thì người em út chỉ khiến bà lo lắng hơn khi vẫn còn vô công rỗi nghề. Nhiệm vụ chăm sóc mẹ Amah mỗi khi ốm đau đè nặng lên đôi vai của người con gái duy nhất trong nhà. Càng tồi tệ hơn, những người cùng nhau lớn lên và gọi nhau bằng tiếng anh – chị – em đã xảy ra mâu thuẫn không đáng có chỉ vì tranh chấp quyền thừa kế căn nhà cũ kỹ của bà.

Song hành cùng việc khắc họa rõ nét về câu chuyện gia đình, “Gia Tài Của Ngoại” cũng vô cùng khéo léo lồng ghép những tình tiết hài hước nhưng không kém phần nhân văn. Chẳng hạn ở phân cảnh, M theo bà Amah đến ngân hàng gửi tiết kiệm, tuy nhiên đến nơi bà lại không cho anh đi cùng, vì sợ anh sẽ biết số tiền trong tài khoản và nảy sinh ý định… lừa đảo. Hay những khoảnh khắc dở khóc dở cười khi M chăm sóc bà. Nhờ lồng ghép tình tiết hợp lý đã làm cho bộ phim không trở nên quá đỗi nặng nề về mặt tâm lý, ngược lại giúp xoa dịu mâu thuẫn giữa ba người con của bà Amah và mang đến cho khán giả những tràng cười sảng khoái.

Diễn xuất ăn ý

Một trong những yếu tố giúp bộ phim làm nên “cơn sốt” phải kể đến diễn xuất ăn ý của Billkin Putthipong và Usha Seamkhum. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, “nam thần” Billkin khiến khán giả bất ngờ với màn “cân” vai diễn nặng về mặt cảm xúc. Các nét diễn và hội thoại giữa Usha và “cháu trai” Billkin thành công ghi điểm trong lòng khán giả vì sự chân thật và tự nhiên. Từ cách gieo thoại đến hầu hết cử chỉ cùng ánh mắt dù không tương tác quá nhiều, nhưng vẫn đủ khiến khán giả cùng buồn, cùng vui với hai nhân vật qua từng thước phim. 

Đảm nhận vai M, nam diễn viên khiến giả vừa ghét nhưng cũng vừa yêu nhân vật này. Ban đầu, M tạo cho khán giả ấn tượng xấu với tính cách bướng bỉnh, bất hiếu, lợi dụng việc chăm sóc bà hòng thừa kế khoản tiền tiết kiệm. Càng gắn bó với bà, M càng thấu hiểu những nỗi trăn trở của ngoại khi đến tuổi xế chiều. Không còn nghĩ đến việc nhận tiền công bao nhiêu, M chăm sóc bà vô điều kiện, động viên ngoại vượt qua căn bệnh ung thư quái ác. Sự xuất hiện của M đã làm cho cuộc sống cô đơn ở tuổi xế chiều của bà Amah bỗng chốc trở nên tràn đầy sức sống. 

Về phần bà Amah do Usha Seamkhum thủ vai. Nữ diễn viên đã để lại bao cảm xúc cho khán giả khi hóa thân thành một người mẹ tần tảo, một người bà dịu dàng với cháu và một người phụ nữ vô cùng kiên cường. Bà chấp nhận ăn đồ hết hạn để tiết kiệm từng chút cho con cháu, kể cả những ngày tháng bị căn bệnh ung thư hoành hành, bà vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc. 

“Gia Tài Của Ngoại”… có gì?

Xuyên suốt 127 phút, khán giả vô cùng tò mò về gia tài của ngoại, thậm chí còn đặt ra câu hỏi “Gia tài của ngoại…có gì?”. Và câu trả lời cuối cùng khiến người xem không khỏi nghẹn ngào: “M à, cháu cũng đang đợi ngày hái quả ngọt sao? – Ngoại không còn gì để chia cả, nên cháu không cần miễn cưỡng nuôi ngoại nữa đâu”.  Đó là những gì mà bà Amah nói với M về gia tài bà có. 

Quả thật chẳng còn lại gì. Suốt cuộc đời tần tảo và hy sinh vì con cái, tài sản duy nhất mà bà Amah có chỉ là một mái nhà đầy ắp tình thương dành cho gia đình. Bà dành trọn sự bao dung của một người mẹ để các con có một cuộc sống đủ đầy và vui vẻ. Bà quyết định chuyển nhượng căn nhà cũ kỹ cho Soi để anh trả số nợ 1 triệu Bath. Bà nguyện không ăn thịt bò cả đời, nếu “con trai cưng” Kiang qua được cơn ốm nặng. Bà thà bỏ tập vật lý trị liệu để không cản trở công việc của con gái. Hơn thế, ở những ngày cuối đời, bà còn âm thầm để lại cho M một cuốn sổ tiết kiệm với con số lên đến hàng triệu Bath, hy vọng anh có một cuộc sống an yên và làm những điều mà anh muốn. Không chỉ vậy, bà cũng tự mình sắp xếp nơi an nghỉ làm sao cho con cháu được hưởng phước nhiều nhất. 

Tình yêu thương không cần báo đáp của bà Amah nhẹ nhàng ghim vào trái tim của người xem, làm chúng ta bất chợt nhớ về hình ảnh bà và mẹ của mình. Sự bao dung của người mẹ nhiều đến nỗi họ chấp nhận tha thứ mọi lỗi lầm của con cái, âm thầm chịu đựng cô đơn, chôn giấu nỗi muộn phiền vào nơi sâu thẳm nhất trong trái tim để gia đình luôn vui vẻ. Bộ phim “Gia Tài Của Ngoại” đã thành công ghi lại tấm chân tình đó của những người phụ nữ tuyệt vời nhất thế gian, cùng với một gia tài vô giá của họ – gia đình.

Tác giả: Khánh Duyên

12/06/2024, 11:21