Đến xã Ea Kao – nơi có hồ Ea Kao – mạch nước của người Buôn Mê, gặp Già Làng Y Đoan B’yă buôn Hwiê, cùng uống ly cà phê nồng đượm và nghe già kể về một Buôn Mê đẹp đẽ đầy kiêu hãnh.
Sinh ra và lớn lên ở Buôn Mê, gắn bó với vùng đất này, với Già Làng Y Đoan, văn hóa cồng chiêng, rượu cần là máu thịt, là niềm tự hào của Già cũng như dân làng. Ngôi nhà dài của gia đình là nơi già lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống đẹp đẽ từ bao đời của người Buôn Mê. Ở cái tuổi gần 70, già vẫn miệt mài truyền lại điệu cồng chiêng rộn rã, bí quyết của những vò rượu cần say nồng, cái hương vị có một không hai của cà phê Buôn Mê để thế hệ kế thừa nắm giữ và tiếp nối.
Câu chuyện của Già được đóng và mở đều bằng hình ảnh cây cà phê mà già gọi đó là máu thịt của đồng bào. Chỉ có người của rừng mới hiểu được từng thăng trầm của hạt cà phê trong mỗi đổi thay của đất trời. Chỉ tay về phía những vạt cà phê bạt ngàn đang mùa chín mọng, già nói: “Buôn này có 220ha, đa phần là dành cho cà phê. Cà phê thuần khiết được nuôi dưỡng bằng nước trong, gió sạch thì hương vị mới thanh tao, nồng đượm. Cà phê là đời sống, là máu mủ của người Buôn Mê rồi. Người Buôn Mê có thể bỏ gì thì bỏ chứ không bao giờ bỏ cây cà phê. Văn hóa Buôn Mê, linh hồn Buôn Mê cũng ở đó chứ đâu.”

Cây cà phê in dấu trong mỗi hoạt động cuộc sống lẫn sinh hoạt cộng đồng, gần gũi, gắn bó như hơi thở với người Buôn Mê. Trồng cà phê, chăm cà phê, thưởng thức cà phê đã là một lối sống, một phong tục ở buôn làng. Nhà nào cũng có vài hecta cà phê ngút ngàn. Nhà nào cũng giữ lại cà phê ngon để mời khách và uống cà phê mỗi ngày là một nét văn hóa riêng, độc đáo.
Ở đây, vào những mùa thu hoạch cà phê, buôn làng vui như hội. Người ta lại cậy nhờ Già Làng để mở hội mừng sau những vụ mùa bội thu. Theo Già Làng Y Đoan B’yă, những “lễ hội tự phát” ấy cũng là cách để người Buôn Mê bảo tồn di sản cà phê ngay tại chính buôn làng. Nói về vị cà phê Buôn Mê, già quả quyết: “Cà phê Buôn Mê là ngon nhất rồi. Người Buôn Mê sao thì chất cà phê Buôn Mê vậy: đậm lắm, nồng lắm.”
Chứng kiến những thăng trầm của cây cà phê trên mảnh đất này, già hiểu rằng, người Buôn Mê yêu cà phê như chính gia đình họ, sống với cà phê từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác, muôn đời đều gắn với cà phê. Chính vì thế, già luôn khuyên bà con giữ gìn gốc cà phê như giữ chính gốc gác Buôn Mê của mình.
Ngồi với Già Làng bên ngôi nhà dài chở nặng thăng trầm thời gian, hít đầy lồng ngực không khí trong vắt của núi rừng, nghe thoang thoảng mùi hương của những bông cà phê cuối mùa còn sót lại, tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại thánh địa của những di sản cà phê độc nhất vô nhị mà thế hệ chúng tôi có sứ mệnh kế thừa, gìn giữ – như cách mà những đứa con của thần linh (người Êđê) bao đời gìn giữ văn hóa cồng chiêng, sử thi, luật tục… vậy!