Trong những ngày tháng tuổi thơ của tôi có rất nhiều câu chuyện hay mà tôi mang theo mãi trong đời. Một trong số đó bắt đầu bằng sự kiện: gia đình tôi được trao chứng nhận gia đình văn hóa. Đây là một điều mới mẻ và gây nhiều tranh cãi nội bộ. Tôi luôn dị ứng với những loại danh hiệu, nhất là các danh hiệu mang tính cổ động. Tôi đoán chắc trong gia đình tôi ai cũng có suy nghĩ ấy. Thế mà chẳng hiểu vì lý do gì khi bác tổ trưởng tổ dân phố đến thông báo gia đình tôi được vào danh sách nhận giấy chứng nhận gia đình văn hóa, cha tôi lại gật đầu đồng ý và hỏi bác xem có cần phải đóng phí gì không, thay vì từ chối thẳng thừng như chúng tôi mong đợi. Vì lũ trẻ con thì sợ nhất là phải mặc quần áo đẹp mà không được chơi đùa thỏa thích, hay phải giữ nhiệm vụ là đứa trẻ ngoan và nhất cử nhất động phải dè chừng.
Khi chúng tôi hỏi cha vì sao muốn nhận chứng nhận gia đình văn hóa, ông cười: “Các con không nhận thấy gia đình mình đúng là gia đình có văn hóa hay sao? Bố không bao giờ uống rượu, gây rối trật tự. Bố mẹ chưa từng to tiếng, và các con ngoan ngoãn, học giỏi, biết vâng lời. Vậy có gì sai khi nhận chứng nhận đó. Nhưng điều quan trọng hơn là đừng quên cách đối nhân xử thế! Bác tổ trưởng là hàng xóm nhà mình, tại sao phải gây khó khăn cho công việc của bác ấy, nhất là khi người ta cũng chỉ có ý tốt mà thôi”.
Tôi sẽ chẳng còn nhớ câu chuyện ấy, nếu như cho đến tận bây giờ tôi vẫn nghe râm ran đâu đây những cổ động cho một trào lưu sống tốt, làm từ thiện hay tiếp sức mùa thi và làn sóng những người nhào theo cố gắng dập tắt bằng các dẫn chứng hay ý kiến trái chiều thuộc thiểu số. Đôi khi chúng ta phải tạm khoan phân tích sai đúng, vì lẽ ấy nhiều khi thuộc quan niệm cá nhân mỗi người; nhưng rõ ràng, cách người ta hành xử với một bất đồng sẽ cho thấy văn hóa của cá nhân hay cộng đồng nào đó.
Bài: Chương Đặng