Gia đình là điểm tựa để chiến đấu với ung thư vú

“Nếu bạn từng nhìn thấy cơ thể của bệnh nhân đã từng đoản nhũ thì bạn sẽ biết yêu thương bản thân mình biết bao nhiêu” 

“Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lóc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Nói trắng ra, tôi là một phụ nữ không đủ khả năng làm vợ, làm mẹ. Với nhiều phụ nữ, rơi vào cảnh như thế thì chết cho rồi, sống sao nổi. Với nhiều đàn ông nhìn vào tôi thì sẽ tự hỏi mình làm sao mà yêu được một phụ nữ như thế”. – lời của  Thương Sobey – người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam 

Thương Sobey, nữ chiến binh đã kiên cường chiến đấu và luôn lạc quan đến những giờ phút cuối cùng trước căn bệnh ung thư vú

Tóc rụng, da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, gương mặc hốc hác, cơ thể tiều tụy, chưa kể đến các bệnh nhân phải tiến hành đoản nhũ (bộ phận được xem là vẻ đẹp đặc quyền và minh chứng khả năng duy trì giống nòi của người phụ nữ ) để rồi mang các vết sẹo lớn trên cơ thể. Ở Việt Nam chắc chưa có nhiều người biết đến sự tàn phá và hủy hoại cơ thể của căn bệnh ung thư vú, trừ khi họ là người trong cuộc và nếu họ không bao giờ lên tiếng thì chắn chắn sẽ không ai biết căn bệnh này hủy hoại cơ thể của họ ra sao? Cơ thể của họ sẽ bị ảnh hưởng và tàn phá như thế nào, có ai biết không? Ngoài việc mọi người nhìn thấy rõ nhất là tóc của họ bị rụng trong quá trình điều trị hóa chất? Nếu chỉ có vậy thôi thì có gì đau đớn và đáng nói?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (váy hồng), 30 tuổi, sống tại Tp.HCM, ung thư vú giai đoạn 3

Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) muốn nhấn mạnh rằng, cơ thể bạn chỉ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài, nếu bạn không may mắn để có được vẻ đẹp đó thì quan trọng hơn hết trong bạn là vẻ đẹp của sự yêu đời, yêu người, lòng bao dung, cảm thông, biết chia sẻ và sống có ích cho cộng đồng.

Bộ ảnh với chủ đề “Gia đình là điểm tựa” của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam với mong muốn hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng bệnh nhân đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư vú, toát lên giá trị nhân văn nhất – “Giá trị con người không phụ thuộc vào hình hài”. Bạn rất tuyệt ngay khi bạn không còn tóc, chúng tôi yêu mến sự dũng cảm và mạnh mẽ trong bạn.

Các mẫu nam tình nguyện cạo trọc đầu để tham gia thực hiện bộ ảnh

Bộ ảnh được thực hiện bởi các tình nguyện viên nam và nữ, để thể hiện sự đồng cảm và tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân. Việc họ làm cũng như một lời cam kết thể hiện sự đồng hành của người thân, của cộng đồng trong việc giúp bệnh nhân ung thư vượt qua những mặc cảm kỳ thị, và can đảm chống chọi lại bệnh tật, chiến thắng căn bệnh ung thư vú. 

Các nhân vật tham gia bộ ảnh có chị Nguyễn Thủy Tiên – em gái Thương Sobey/Quản lý và điều phối các hoạt động của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Và chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, 30 tuổi, sống tại quận Tân Bình, Tp.HCM cùng các tình nguyện viên nam cạo đầu.

Chị Dung là bệnh nhân K vú giai đoạn 3, đã phẫu thuật đoản ngực và đang trong quá trình điều trị hóa chất. Chị hiểu những tổn thương và đau đớn mà ung thư vú tác động tới tinh thần và thể chất của một người phụ nữ. Khi tham gia quản trị BCNV, chị hiểu rõ hơn những khó khăn mà cộng đồng bệnh nhân ung thư vú đang phải đối mặt và những vấn đề mà cộng đồng đang ứng xử với họ, một cách vô thức nhưng thực chất là sự kỳ thị, dẫn đến việc không phải ai cũng dám lên tiếng chia sẻ câu chuyện của mình.

Chương trình “Gia đình là điểm tựa”

Nếu bạn là một bệnh nhân mắc ung thư vú và đang sống ở Việt Nam, bạn còn phải đối mặt với những rào cản về áp lực tâm lý, sự mặc cảm, kì thị và những nỗi sợ… Vì thế, trong hành trình chiến đấu với căn bệnh, bệnh nhân ung thư vú rất cần sự ủng hộ và đồng hành của gia đình để giúp họ chống chọi với những đau đớn bệnh tật. Đó là lý do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện nhằm hướng tới tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn thế giới với chủ đề “Gia đình là điểm tựa”. Gia đình ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là những người thân, là bạn bè, là những người đồng hành và ủng hộ bạn trong hành chính chiến đấu vượt qua căn bệnh ung thư vú.  

Chương trình dự kiến diễn ra vào ngày 25/10 và thu hút 1000 người tham gia với rất nhiều các hoạt động xã hội ý nghĩa.

Thương Sobey (Sáng lập viên dự án) 

Thương mắc ung thư vú giai đoạn 4 sau lễ ăn hỏi ít ngày. Trong quá trình tìm hiểu về bệnh tật cũng như điều trị, chị nhận ra rằng, phụ nữ Việt Nam nói chung thiếu thốn một cách nghiêm trọng  thông tin về ung thư vú, những người đã mắc bệnh không được hỗ trợ tốt về tinh thần và thể chất.  Đây chính là lý do thúc giục chị thành lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam với sứ mệnh tăng cường phát hiện sớm ung thư vú và cải thiện chất lượng sống cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh. Thương Sobey qua đời vào ngày 17/03/2015 tại Brisbane (Úc) vì căn bệnh ung thư vú. Dù vậy, những hoạt động của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam vẫn được duy trì và tiếp nối bởi hàng ngàn những cánh tay tình nguyện và bè bạn trong nước và quốc tế. 

PV


logo


From the same category