Với mức tăng 5%, giá bán điện bình quân mới từ ngày 22/12/2012 sẽ ở mức 1.347 đồng/kWh. Trong đó, giá điện cho sinh hoạt vẫn có 7 bậc thang và tăng dần lũy tiến. Ở bậc 1 dành riêng cho hộ thu nhập thấp, hộ nghèo, giá điện bình quân vẫn giữ nguyên mức 933 đồng/kWh cho 50kWh đầu tiên.
Đối với các hộ dân thông thường, giá điện sẽ chỉ có 6 bậc thang với bậc 1 là 100kWh đầu tiên, có mức tăng 66 đồng/kWh và ở bậc cuối cùng, với trên 400kWh, giá điện bình quân tăng thêm 155 đồng/kWh.
Do mức tăng lũy tiến này, mức giá tuyệt đối của 1 kWh điện đã tăng khá mạnh. Người dân sẽ bắt đầu phải trả vượt ngưỡng 2.000 đồng/kWh kể từ bậc 3, với mức sử dụng từ trên 200 kWh đến dưới 300kWh/tháng.
Biểu giá điện sinh hoạt từ 22/12/2012 (ảnh: theo Tuoitre)
Đối với giá điện cho sản xuất, mức tăng giá tuyệt đối cũng mạnh hơn, trong đó, cấp điện áp thông dụng nhất là từ 22kV đến dưới 110kV, có giá 783-2.263 đồng/ kWh.
Nhìn lại 6 năm qua, kể từ khi có Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2006 phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam thì giá điện đã liên tục tăng.
So với thời điểm 1/1/2007, giá điện bán lẻ đã tăng thêm 70%, từ 842 đồng/kWh lên tới 1.437 đồng/kWh. Trong đó, ghi nhận tăng mạnh nhất là giá điện năm 2011, bắt đầu tăng 2 lần/năm và tính lũy kế cả năm, tốc độ tăng lên tới 23% so với năm 2010. Năm nay, tổng cộng 2 lần điều chỉnh, mức tăng giá điện đã hơn 10%.
Năm 2011, từ khi có Quyết định 24 của Thủ tướng phê duyệt cơ chế giá điện theo thị trường, cho phép EVN tự quyết mức tăng trong phạm vi 5% thì tỷ lệ này đã trở thành lựa chọn liên tục trong 3 lần tăng giá điện. Kể từ 20/12/2011 đến nay, nhịp tăng 5% đã được áp dụng với khoảng thời gian trung bình cách nhau 6 tháng.
Đáng chú ý nhất là việc công bố thông tin giá điện luôn gây bất ngờ dư luận, thường diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố giá thành điện.
Năm 2011, giá thành điện được công bố vào 19/11 thì tròn 1 tháng sau, giá điện chính thức tăng. Năm nay, giá thành điện cũng được họp công bố vào 3/12 thì đến nay, chỉ sau 2 tuần, giá điện bán lẻ tăng.
Điều đáng nói là, trong cả 2 lần họp báo về giá thành, lãnh đạo EVN và lãnh đạo Bộ Công Thương không bao giờ đưa ra “dự báo” mức tăng giá điện cụ thể. Các thông tin sẽ chỉ được diễn giải sau khi giá điện mới đã ký duyệt, ban hành, có hiệu lực.
Thế nhưng tại một cuộc họp báo đầu năm, ông Nguyễn Nam Hải, thứ trưởng kiêm người phát ngôn của Bộ Công Thương đã nhấn nhá ý rằng, giá điện theo thị trường, có tăng, rồi cũng có giảm. Dù đúng về mặt lý thuyết nhưng thực tế “thị trường điện” đã chứng minh, đây chỉ là câu nói ‘đùa”.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2012, EVN lãi khoảng 3.500-4000 tỷ đồng, nhưng sẽ dành chủ yếu để bù lỗ cho thời kỳ trước, khoảng gần 11.000 tỷ lỗ kinh doanh điện trong 2 năm 2010-2011. EVN chỉ trình các Bộ xin giữ lại khoảng 100 tỷ đồng tiền lãi. Riêng mức tăng giá điện lần này, EVN vẫn chưa phân bổ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 26.600 đồng.
Dự kiến năm 2013, EVN sẽ đảm bảo có lãi như Thủ tướng chỉ đạo. Việc tăng giá điện năm 2012-2013 sẽ tháo gỡ một phần khó khăn tài chính cho EVN tích lũy từ năm trước. Nói cách khác, dù kinh doanh điện có lãi thì việc tăng giá điện vẫn diễn ra.
Giá điện chưa bao giờ giảm
Ngày 1/1/2007, giá bán lẻ điện bình quân là 842 đồng/KWh, tăng 7,6%
Ngày 1/7/2008, giá bán lẻ điện bình quân là 890 đồng/KWh, tăng 5,7%
Ngày 1/3/2009, giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/KWh, tăng 8,92%
Ngày 1/3/2010, giá bán lẻ điện bình quân là 1.058 đồng/KWh, tăng 6,8%
Ngày 1/3/2011, giá bán lẻ điện bình quân là 1.242 đồng/KWh, tăng 15,28%
Ngày 20/12/2011, giá bán lẻ điện bình quân là 1.304 đồng/kWh, tăng 5%
Ngày 1/7/2012, giá bán lẻ điện bình quân là 1.369 đồng/kWh, tăng 5%
Từ ngày 22/12/2012, giá bán lẻ điện bình quân là 1.437 đồng/kWh, tăng 5%.