– Thưa ông, Bộ Công Thương và EVN đều cho rằng, giá điện của Việt Nam luôn thấp giá thành, không đủ bù đắp chi phí và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Ông có nhận định thế nào về điều này?
– Vừa qua, chúng tôi đã xác minh rõ câu chuyện giá điện. Hiện nay, giá bán buôn điện mà EVN mua chỉ có 900 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện đã tăng thêm 5% từ 1/7. Cộng thêm thuế VAT, giá bán lẻ điện bình quân đã lên tới 1.506 đồng/kWh, tương đương 7,2 cent/kWh. Giá như vậy đâu hề thấp, nhất là không hề thấp với đời sống nhân dân hiên nay. Chưa kể, đó mới là giá điện bình quân. Còn giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang, càng dùng nhiều, càng phải trả giá cao thì giá bán bình quân thực sự cho dân còn cao hơn nữa. Có gia đình, tính ra còn phải trả tới 4000-5000 đồng/kWh.
– Tuy nhiên, các lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN vẫn thường cho rằng, giá điện của Việt Nam thấp hơn khu vực là bất hợp lý?
– Chúng ta không nên so sánh với các nước phát triển mà dân phải mua điện với giá vài ba chục cent. Không nên so sánh như vậy! Nền kinh tế của ta thấp hơn họ, đời sống nhân dân cũng thấp họ. Tôi cho rằng, nếu đã tiến tới gọi là thị trường điện, giá điện theo cơ chế thị trường thì phải có tăng, có giảm. Nhưng EVN hiện nay chỉ thường quan tâm các yếu tố tăng giá chứ không hề hạ giá.
Ông Trần Viết Ngãi. (Ảnh: Phạm Huyền)
– Vừa rồi, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cũng nói rằng, giá điện theo thị trường thì cũng sẽ có giảm chứ không chỉ tăng. Tuy nhiên, nhiều người không tin rằng, EVN lại có thể giảm giá khi đang lỗ như vậy. Ý kiến của ông như thế nào?
– Tôi chỉ ví dụ thế này, theo quy luật cung cầu, lúc mưa, nhiều nước, thủy điện dồi dào, nguồn điện thừa, nhân dân dùng không nhiều thì giá điện phải giảm. Còn lúc mùa khô, thiếu điện, phải chạy phát điện bằng nguồn giá thành cao như chạy dầu, thì giá điện sẽ phải tăng.
Việc tăng giá điện phải tùy thuộc đời sống xã hội, nền kinh té phát triển, mức độ tiêu thụ điện, thừa vào việc thiếu hay thừa điện. Như thế mới gọi là giá thị trường.
– Thưa ông, cũng được coi là mặt hàng còn độc quyền, nhạy cảm với nền kinh tế là xăng dầu, thực tế theo thị trường cũng đã có tăng, có giảm, nhưng điện thì chưa bao giờ giảm. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
– Điều đó rất vô lý, phải lúc giá điện tăng, thì theo thị trường, hội tụ đủ điều kiện thì giá phải giảm. Ví dụ đợt 1/7 vừa rồi, đáng lẽ không nên tăng giá điện mà ngược lai phải giảm giá điện. Thái độ của tôi là rõ vậy. Vì năm nay, 70% doanh nghiệp không hoạt động được, không dùng nhiều điện. Thủy điện lớn như Sơn La vào, rồi nhiều nhà máy thủy điện nhỏ khác cùng vào, đây lại đều là nguồn giá điện rẻ. Chúng ta đang thừa điện, nguồn giá rẻ nhiều, thì tội gì lại đi tăng giá điện?
– Thưa ông, nhưng EVN kêu phải tăng giá điện thì thiếu vốn đầu tư vì trong giai đoạn 2011-2015, EVN còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chưa kể, còn do EVN treo một khoản lỗ vài chục nghìn tỷ chưa phân bổ vào giá của các kỳ trước. Ý kiến ông thế nào về điều này?
– Ngành điện đang nợ rất nhiều, bị lỗ nhiều. Nhưng việc thiếu vốn đó thì không phải tăng mấy đồng giá điện mà bù lỗ được, không ăn thua đâu. Không bao giờ tăng giá điện mà lại bù lỗ được số vốn thiếu như vậy.
Còn nguồn vốn từ nay đến 2020, theo Quy hoạch điện 7 cần tới 48 tỷ USD. Đây không phải là vốn riêng của EVN mà là của chung ngành điện.
– Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy điện nhỏ đòi tăng giá bán cho EVN, cũng sẽ là sức ép tăng giá bán lẻ điện?
Thực tế, các nhà máy thủy điện nhỏ chỉ đòi hỏi EVN phải mua giá điện của họ bằng với giá của thủy điện lớn. Chứ, họ không hề đòi hỏi EVN mua với giá cao như mua điện của Trung Quốc, giá tới 1.300 đồng. Hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ trước đây ký hợp đồng, giá chốt chỉ có 400-500 đồng/kWh. Đến khi giá bán lẻ tăng, mình EVN hưởng mà các nhà bán buôn điện này không được điều chỉnh theo kịp thời.
Theo Vietnamnet