Kích cầu BĐS: Ai dám mua nhà?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nguồn vốn hiện nay trong hệ thống ngân hàng vẫn còn dư. Tới đây, để kích cầu thị trường, ngân hàng sẽ có gói tín dụng riêng dành cho người mua nhà.
Theo đại diện này, đây là chủ trương của NHNN để tháo gỡ cho thị trường BĐS vốn đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối cung cầu, hàng tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối kết hợp với các bộ Xây dựng, Công thương, Bộ Tài chính… tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để vực dậy thị trường, trong đó có nhóm giải pháp hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp…
Trên thực tế, đây cũng là 1 phần trong những đề xuất từ Bộ Xây dựng, từ các hiệp hội BĐS và các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS.
Về khả năng nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng vẫn còn dư thừa được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cho vay thấp trong khi huy động cao và quyết định của NHNN cho phép các ngân hàng gia hạn tất toán vàng tới 30/6/2013.
TTCK đã phản ánh khá tích cực và đã bớt sự ảm đạm hơn so với các phiên trước đó. Trong số 60 cổ phiếu của DN được xếp trong lĩnh vực BĐS và xây dựng hôm 29/10 chỉ còn 16 mã giảm giá. Đại đa số các cổ phiếu khác giữ được giá tham chiếu, thậm chí đã có 19 mã tăng giá mạnh (trong đó có 9 mã tăng hết biên độ cho phép).
Thông tin bơm tín dụng cũng khiến nhiều người có mức thu nhập bày tỏ sự vui mừng vì rất có thể sẽ tiếp cận được với dòng tiền ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, với rất nhiều người có thu nhập trung bình thấp, thông tin này có lẽ không mấy tốt lành mà “tiến trình” buộc phải giảm giá của các DN BĐS có lẽ sẽ không đi theo như mong muốn của họ.
Việc “bán phá giá” theo cách gọi của một số doanh nghiệp hay hạ giá bán nhà mạnh mẽ như chủ trương nhất quán của Chính phủ để người có thu nhập thấp có thể mua được nhà lại dần xa vời.
Cứu trợ ‘nhà giàu’?
Những tính toán bơm tiền kích cầu và những đề xuất của các bên liên quan nói trên có thể nói là khá quyết liệt và cụ thể nhằm giải cứu thị trường BĐS, giải quyết vấn đề nợ xấu, cứu các ngân hàng và qua đó cứu nền kinh tế đang chưa thoát khỏi bí bách. Dường như, các cơ quan chức năng đã nhìn thấy nút thắt quan trọng nhất và quyết tâm giải quyết.
Mục đích có lẽ là khá rõ ràng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, làm như vậy không giải quyết được gốc rễ vấn đề và dường như đang cứu giúp đối tượng giàu hơn là hướng tới đối tượng người nghèo – chiếm đa số trong xã hội.
Các doanh nghiệp BĐS trong nhiều năm qua đã có thời gian hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) có khi lên tới trên 10.000 đồng và nhiều khi có những khoản lãi đột biến khi mở bán dự án, chuyển nhượng dự án…
Các doanh nghiệp BĐS giờ đây gặp nhiều khó khăn, thua lỗ cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, trên thị trường cũng không phải toàn bộ các doanh nghiệp đều thua lỗ. Quý III/2012, một số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn cũng đã công bố lợi nhuận khá ấn tượng trong thời buổi khó khăn.
Điều quan trọng nhất, theo đánh giá của 1 số chuyên gia, giá BĐS vẫn ở trong tình trạng bong bóng, quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Sau 1 thời gian tăng nóng kéo dài, BĐS vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Giá cần tự điều chỉnh giảm mạnh nữa về vùng giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, 1 vấn đề khá quan trọng mà các cơ quan chức năng đang hướng tới giải quyết nợ xấu thì nợ xấu lại nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước, chứ không phải ở các doanh nghiệp tư nhân, đại chúng.
Việc bơm tín dụng ra cho người dân vay để mua nhà về cơ bản là tốt nhưng về ở 1 góc độ nào đó người dân sẽ phải chấp nhận mua BĐS ở mức giá cao hay nói cách khác là dùng những khoản tiền vay ngân hàng đó để cứu các doanh nghiệp BĐS. Với tình hình kinh tế như hiện nay, người dân vay rồi lấy gì mà trả.
Chính sách đưa ra cứu BĐS trong thời điểm hiện tại, chính vì vậy, có lẽ chỉ mang lại lợi ích mang tính chất tình thế, ngắn hạn hơn là dài hạn. Hỗ trợ mua nhà với giá cao ngất ngưởng chưa hẳn đã thành công. Và một khi thị trường còn vận hành theo cách này thì còn luẩn quẩn.
Vấn đề quan trọng nhất là giá. Cung chưa với tới cầu thì chưa thể có 1 thị trường BĐS ổn định. Bên cạnh đó, cấu trúc sản phẩm của các doanh nghiệp BĐS có lẽ cũng chưa phù hợp. Nhìn tổng thể có thể thấy đời sống người dân chưa thực sự cao, nhà nhìn đâu cũng thấy lụp xụp thì các doanh nghiệp BĐS lại tung ra quá nhiều sản phẩm cao cấp, như biệt thự, liền kề, căn hộ cao cấp… . Trước đây, có tình trạng đầu cơ, thì còn có người chấp nhận mua giá cao, còn nay tình hình đã khác. Tình trạng bỏ hoang do vậy rất nhiều.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, 1 chuyên gia trong lĩnh vực, giá chung cư có thể đưa được xuống 10 triệu đồng/m2 nếu nếu doanh nghiệp biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến… Mức giá này có lẽ là phù hợp với số đông người dân hơn, so với mức giá phổ biến trên 20 triệu hiện tại.
Vấn đề thuận mua vừa bán là quan trọng nhất trong 1 nền kinh tế thị trường. Việc thua lỗ, hay thậm chí phá sản của một bộ phận doanh nghiệp có lẽ chưa hẳn đã là vấn đề nghiêm trọng nhất.