“Không ai nghĩ anh có thể làm nghệ thuật. Người ta nghĩ anh chỉ là một đứa trẻ được nuông chiều thì làm sao làm được?”. Ở một phân cảnh, nhân vật chính Minh Thấu trút nỗi lòng mình với cô em gái Minh Tinh. Không biết đây có phải là tâm sự của “hiện tượng nhạc kịch” Nguyễn Phi Phi Anh khi bắt đầu theo đuổi điện ảnh không?
Một “bậc thầy phong cách sống” trên mạng xã hội bỗng nhiên biến mất. Chẳng ai biết tại sao. Với sự giúp đỡ từ một agency kỳ bí đầy chất cổ tích, cô em gái Minh Tinh của anh ta được thử nghiệm những cung đường giả lập khác nhau, mỗi cung đường tạo nên một lý do cho sự biến mất của người anh. Chỉ có điều, cung đường nào cũng “khiếp”, và “khiếp” như nhau. Cung đường số một: anh ta là con bạc nợ nần. Cung đường số hai: anh ta tham gia vào hội nhóm tà đạo. Cung đường số ba: anh ta là kẻ lậm tình.
Cung đường thứ tư cũng tệ nốt. Vậy trong những thứ tệ ngang nhau, ta chọn cái tệ nào để đối phó? Điểm đáng khen của “Giải cứu anh ‘thầy’” nằm ở câu hỏi đằng sau nó.
Trong phim, Minh Thấu là một “influencer” phong cách sống. Anh ta dạy người ta thế nào là sống, thế nào là hạnh phúc, thế nào là vui. Rốt cuộc, cô em gái của anh ta lại phải chọn con đường đỡ tệ nhất để sống. Chọn hạnh phúc để theo đuổi là điều khó, nhưng chọn bất hạnh để giải quyết lại còn khó hơn.
Nguyễn Phi Phi Anh đã lập danh trong lĩnh vực nhạc kịch. Lẽ thường, khi anh làm phim, người ta sẽ kỳ vọng, chắc là phim nhạc kịch. Nhưng anh lại từ bỏ sở trường của mình. Việc phát hành phim theo hình thức “Bộ phim bí ẩn” (blind movie), giữ kín nội dung, ê-kíp, thậm chí tên phim trong những ngày đầu ra rạp, có lẽ cũng là một cách để ẩn mình, để người ta không mặc định Nguyễn Phi Phi Anh thì phải làm phim kiểu này, kiểu kia mới hợp. Đó là một lựa chọn thông minh để không khiến bản thân trở thành nơi tán xạ những kỳ vọng của khán giả.
Phim điện ảnh của Phi Anh ít nhiều vẫn có dư âm nhạc kịch. Trong phim, logic thường xuyên bị dẹp bỏ để kể thứ mà đạo diễn thích kể. Âm nhạc cũng là điểm được chăm chút, thậm chí vào những đoạn nút thắt, cao trào của phim, âm nhạc còn đáng chú ý hơn những gì diễn ra trên khung hình. Cả cách đạo diễn thả vào những nhân vật không rõ nguồn gốc cũng làm ta liên tưởng tới nhạc kịch, chẳng hạn một phân cảnh khi những thành viên của agency bí ẩn Luôn Vui Cười xuất hiện: họ mặc đồ lấp lánh ánh vàng, múa cột, ngoại hình kỳ lạ, đâu đó giống như một phiên bản trào phúng của Thần Đèn trong “Nghìn lẻ một đêm”. Somphon Koslov Ivan Nguyen Tran, nhân vật thần tiên này, có vẻ gì đó lệch chuẩn, phù hợp để dẫn dắt Minh Tinh trên một hành trình khám phá cuộc đời không giống ai.
Mô-típ bế tắc trong đời thực và thử sống những cuộc đời khác để rồi tìm ra chìa khóa cho cuộc đời hiện có, trên thế giới đã có những nhà làm phim và tiểu thuyết gia khai thác thành công. “Everything everywhere all at once” là một điển hình. Hoặc trong văn chương là “Thư viện nửa đêm” của nhà văn Matt Haig, tác phẩm bán chạy trong danh sách của thời báo New York.
Nếu xem cả hai tác phẩm này, ta sẽ thấy một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của chúng là: trí tưởng tượng của tác giả có thể bay nhảy tới đâu? Xét cho cùng, đây là những tác phẩm nói về ảo mộng của con người, mà đã là ảo mộng thì không có biên giới, thậm chí quá quắt, quái đản cũng chẳng sao. Tuy nhiên, để đáp ứng được những sự quái đản đó đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, nếu không phải nguồn lực kinh tế thì cũng là nguồn lực về không gian sáng tạo (ví dụ, với tiểu thuyết, nhà văn muốn viết gì cũng được mà không lo không đủ tiền hiện hữu hóa những hư cấu của mình). Với “Giải cứu anh ‘thầy’” của Nguyễn Phi Phi Anh, tham vọng kể câu chuyện sống nhiều cuộc đời trong bộ phim điện ảnh đầu tay có thể coi là một sự liều lĩnh. Nhưng anh vẫn lựa chọn bấm máy, đơn giản vì đây là câu chuyện mà anh thấy cần phải kể và phải kể bằng điện ảnh, và vì “bản thân tôi cũng cần làm – để còn giỏi lên, vì còn nhiều câu chuyện khác nữa tôi muốn kể bằng ngôn ngữ và công cụ của điện ảnh”, Phi Anh từng chia sẻ.
Khi “Everything everywhere all at once” ra mắt, những người không thích bộ phim thường có chung quan điểm: phim quá lộn xộn đến mức khó chịu. Tất cả mọi thứ cứ xào xáo vào nhau, từ hình ảnh, âm thanh đến tạo hình, câu chuyện, khiến bộ phim trở thành một mớ bùng nhùng. Thế nhưng, để làm một bộ phim bùng nhùng 90% thời lượng rồi vẫn thu được về một mối, để sự bùng nhùng trở thành một lựa chọn thẩm mĩ thay vì một tai nạn, là điều không dễ.
Phim của Nguyễn Phi Phi Anh cũng hướng đến một sự lộn xộn nhất định. Những câu chuyện bung ra tứ phía dẫn đến những bối cảnh rất khác nhau, những nhân vật phụ từ trên trời rơi xuống, những tình tiết có vẻ tùy hứng. Đó lại là một lựa chọn liều của đạo diễn. Mặc dù thế, sự tùy hứng có chủ đích ấy đã mang đến những niềm vui cho người xem. Giống như những vở nhạc kịch trước đây của anh, bộ phim này có gì đó vừa hồn nhiên, vừa giễu nhại, khiến người ta cười mà phải ngẫm về những thứ xấu xí lệch lạc trong xã hội hiện đại. Một màu sắc hài đen không giống với bất kỳ bộ phim nào khác của thị trường điện ảnh Việt Nam.
Việc làm phim trong bối cảnh khán giả Việt Nam đang trở nên rất khó tính (vì đã được tiếp xúc với quá nhiều những tác phẩm đỉnh cao của quốc tế) chắc chắn sẽ khiến bất cứ đạo diễn Việt nào cũng phải chuẩn bị sẵn tâm thế… bị chê. Nhưng có lẽ, cũng như những con đường được giả lập trong bộ phim này, nếu đã biết con đường nào cũng có khả năng mang lại những niềm đau, thì việc chọn cứ làm điều mà mình thích đã, phần còn lại tính sau, cũng là một lựa chọn tốt.
Thể loại: Hài đen, tâm lý, gia đình