Ghen tị tốt! - Tạp chí Đẹp

Ghen tị tốt!

Sống

Các nhà khoa học Neils van de Ven, Marcel Zeelenberg và Rik Pieters chứng minh ghen tị có hai xu hướng: xấu và tốt. Ghen tị xu hướng tốt là khi chứng kiến thành quả của ai đó, bạn quyết định biến nó thành động lực để thay đổi và phấn đấu nhằm khiến bản thân đạt được nhiều thành công hơn. Ghen tị xu hướng xấu là cảm giác vừa xấu hổ, vừa bực bội khi biết cậu bạn cùng học đã trở thành người giàu có với thu nhập hàng tháng gấp nhiều lần bạn.

Thông thường, ghen tị xu hướng tốt không dễ dàng nhận ra nhưng ghen tị xu hướng xấu rất dễ bộc lộ. Vì thế, người bạn cùng học kia có thể thấy nỗi tức giận âm ỉ của bạn hay của nhiều người khác nữa. Thật ngạc nhiên, những người bị ghen tị thường chọn cách xoa dịu thái độ thiếu thiện chí bằng cách san sẻ tiền bạc hoặc hứa giúp đỡ, thể hiện cử chỉ đẹp khác…

Các nhà tâm lý học Hà Lan nói trên đã tiến hành một cuộc thử nghiệm thú vị để chứng minh những người bị ghen tị có xu hướng ứng xử xã hội tốt. Họ tập hợp một nhóm tình nguyện viên tham gia, đưa cho mỗi người 5 euro. Trong đó, một số người nhận tiền phải trả lời một bảng hỏi phức tạp, còn lại sẽ không phải làm gì cả. “Những người không làm gì cả” ngay lập tức trở thành đối tượng bị ghen tị. Sau đó, nhóm nghiên cứu yêu cầu tất cả người được nhận tiền đưa ra lời khuyên về chủ đề định sẵn cho một đối tượng đã bị khánh kiệt, mất hết tài sản. Đúng như dự đoán, những người may mắn được tiền đã dành nhiều thời gian hơn để tư vấn so với nhóm còn lại.

Nhà tâm lý học Neils van de Ven cho biết: “Nếu bị ghen ghét, theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ cư xử thân thiện, hòa đồng hơn. Bởi vì trong hoàn cảnh đó, bạn muốn nhân nhượng, “xuống nước” với những người đố kỵ với bạn”.

Tuy nhiên trên thực tế, cả những người giàu có bằng tài năng, sự vất vả lao động cũng có “cách lấy lòng” tương tự. Các nhà nghiên cứu ví họ như người đánh cá thu được mẻ cá to và rất cảm thông với người anh em nào đó không câu được cá. Vì thế, họ sẵn sàng san sẻ.

Một nhân vật nổi tiếng trong vở nhạc kịch Hello, Dolly đã nói: “Nó (đồng tiền) chẳng có tí tẹo giá trị gì trừ phi được chia sẻ và trao tặng“. Và thông thường, những người san sẻ tiền kiếm được chính là những người thu lợi nhiều nhất cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 

Bài: Trang Trang (theo Time.com)
Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

16/12/2010, 11:23