Ghé thăm nhà “chị đẹp” Hồng Nhung và học cách làm gỏi bưởi cùng cơm gà

“Trái tim của căn nhà” có lẽ là cách miêu tả chính xác nhất về căn bếp của ca sĩ Hồng Nhung. Đặt ngay ở giữa nhà, căn bếp được chị thiết kế đơn giản, sử dụng tông màu trắng, kem, nâu và đen. Điều đặc biệt là hai bạn nhỏ nhà Hồng Nhung thường xuyên vào bếp cùng mẹ. Đối với chị, căn bếp không chỉ là nơi thưởng thức món ăn, mà là không gian để cả nhà trò chuyện rôm rả, mở lòng, và kết nối với nhau. Món ăn “tủ” của gia đình chính là món gỏi bưởi cùng cơm gà được chế biến đầy tinh tế, gợi nhớ đến bữa cơm Hà Nội xưa.

Lối sống duy mỹ

Căn penthouse hướng ra sông Sài Gòn – nơi ca sĩ Hồng Nhung sống cùng hai em bé Tôm, Tép trông như một bảo tàng đương đại thu nhỏ với đầy ắp tranh ảnh và những món đồ nội thất do chị sưu tầm. Bếp, phòng khách, phòng ăn và ban công kết nối liền mạch với nhau tạo không khí vừa ấm cúng, vừa khoáng đạt.

Điều ấn tượng với chúng tôi là trong nhà có rất nhiều hoa tươi. Trước khi vào bếp, người chủ nhà duyên dáng không quên cắm một lọ hoa đặt lên chiếc bàn đảo. Hồng Nhung chia sẻ chị thường nấu ăn và cắm hoa những lúc vui. Sở thích này của chị xuất phát một cách rất bản năng, giống như việc ca hát vậy. Nếu có thời gian thong thả, chị muốn học ikebana (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản).

Vừa chuẩn bị nguyên liệu, chị vừa giới thiệu với chúng tôi một sở thích khác là sưu tầm đồ bếp. Chị lấy trong tủ ra mấy chiếc đĩa bằng đá nhặt nhạnh từ cửa hàng gốm sứ ở Nhật. Chị còn cười rất tươi khoe một chiếc khay đựng thức ăn bằng thép với các ngăn bằng tre được thiết kế rất trang nhã mà chị vừa mua được trong chuyến đi Pháp gần đây.

Có thể cảm nhận rõ tính duy mỹ không chỉ có trong âm nhạc mà còn nằm trong chính con người chị. Và tính duy mỹ ấy được trau dồi, phát triển bằng tinh thần say mê học hỏi của một nghệ sĩ lớn.

Mâm cơm đa văn hóa

Chúng tôi gọi bữa tối ở nhà chị là bữa tối mang tinh thần tự do của một gia đình đa văn hóa. Mẹ và con cùng góp món. Mỗi món ăn là sự chắt chiu cái hay, cái đẹp từ những nền văn hóa khác nhau, nhưng khi đặt cạnh nhau, lại trở thành một gia đình.

Món chính cơm gà là món cả nhà cùng yêu thích. Cách nấu đặc biệt chị được một người bạn Singapore hướng dẫn: đun nước sôi với gừng, tỏi, hạt tiêu, cho gà vào, đậy nắp kín trong 40 phút; rang gạo với mỡ gà, gừng, tỏi, muối, tiêu giúp cho hạt cơm khi ăn khô bên ngoài nhưng dẻo mềm bên trong, dậy mùi thơm; sau đó dùng nước luộc gà để nấu cơm. Tuy nhiên, nhà chị không thưởng thức theo kiểu người Hoa mà vẫn làm theo cách gợi nhớ bữa cơm Hà Nội xưa, dùng cơm gà kèm với một phần lòng gà xào mướp non và một bát canh rau.

“Vì gia đình mình sống và đi du lịch khắp nơi nên mọi người đều dễ thích nghi với món ăn của mọi vùng miền. Bé Tép và mẹ rất là dễ ăn, bé Tôm thì khó ăn hơn một tí. Từ nhỏ, Tôm chỉ ăn chay, mãi đến hơn 10 tuổi mới tập ăn được một ít thịt. Nhưng Tôm lại là người rất quan tâm đến nấu nướng. Ngay từ lúc 3 tuổi, Tôm đã thích gieo hạt, trồng rau. ‘Mùa thu hoạch’ lớn nhất của em có dưa leo, mướp, ngô tím”, Hồng Nhung vui vẻ kể.

Món gỏi bưởi được chị lấy cảm hứng từ sở thích trồng cây và ăn rau của Tôm. Bưởi chọn loại vừa chín tới, trộn cùng với tôm sú, cá cơm sữa chiên giòn, tôm chấy, hành phi, đậu phộng, rau răm, ngò rí, ăn kèm với bánh phồng tôm. Độ giòn của bưởi kết hợp với những kiểu giòn khác nhau của các nguyên liệu kể trên, hòa quyện đủ vị chua, mặn, ngọt, cay tạo nên một món ăn thú vị.

Trong lúc mẹ vào bếp, Tôm, Tép và một người bạn của hai em cũng rủ nhau nướng bánh bông lan theo công thức vừa tìm được trên mạng. Món ăn của mẹ sẵn sàng cũng là lúc chiếc bánh nóng hổi, thơm phức ra lò. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên chiếc bàn ăn đặt cạnh ô cửa kính lớn phản chiếu ánh đèn lấp lánh của thành phố khiến tim tôi rung động làm sao! Có lẽ, thế giới bên ngoài có rộng lớn, hào nhoáng đến mấy cũng không bao giờ tạo nên cảm giác quyến luyến bằng thế giới bên trong cánh cửa một ngôi nhà, nơi chúng ta chia sẻ những khoảnh khắc bình thường cùng những người yêu dấu.

Một người mẹ tự hào về các con

Hồng Nhung say sưa kể về các con bằng giọng tự hào: lúc ở Pháp, Tôm từng nấu cả một bữa ăn thịnh soạn cho cả nhà; Tép vẽ tranh tuyệt đẹp; hai bạn nhỏ chơi nhạc rất giỏi nên thi thoảng còn làm “quân sư âm nhạc” hoặc là thay đổi một số hòa thanh trong nhạc của mẹ… Quan điểm của Hồng Nhung trong việc nuôi dạy con là hãy cho con không gian tự do để phát triển, song song mẹ vẫn cần kiên nhẫn quan sát và liên tục nhắc nhở, thúc đẩy các con. Hai bạn nhỏ gọi trêu mẹ là “chị Nhung”. Tôi quan sát thấy đúng như vậy thật. Việc làm mẹ đối với nữ ca sĩ cũng giống như làm một người chị lớn, làm bạn với con.

Bàn ăn là nơi dung hòa sự khác biệt của mỗi cá nhân trong gia đình. Quanh bàn ăn, cả nhà chị cập nhật với nhau chuyện trường lớp, bạn bè, thi thoảng bàn bạc về một cuốn sách đang cùng đọc. Mỗi tuần, sẽ có một đêm cả gia đình vừa ăn bắp rang, vừa xem phim cùng nhau. Riêng sáng thứ bảy còn có bữa sáng muộn, các em bé sẽ thay nhau chọn nhạc để nghe trong ngày. Âm nhạc là một đề tài rôm rả để bàn luận. Ngoài ra, ba mẹ con cũng thích nói chuyện về những chuyến đi. Vào mùa hè, bé Tép đã thực hiện được ước mơ đi đến tận Argentina để cưỡi ngựa và tìm hiểu bộ môn polo (ngồi trên lưng ngựa và đánh bóng).

Điều hạnh phúc nhất đối với Hồng Nhung ở thời điểm này là gia đình nhỏ với ba thành viên đã cùng nhau vượt qua quãng thời gian có nhiều khó khăn. Về sự nghiệp âm nhạc, chị chia sẻ: “Khi các con có thể đồng hành bên mẹ, tôi cảm thấy như có được một nguồn năng lượng mới giúp bản thân muốn sáng tạo không ngừng và bất chấp mọi thử thách. Nếu những dự án âm nhạc trong tương lai không trở thành những tác phẩm tạo ra niềm vui cho xã hội thì ít nhất cũng là thử thách giúp cho mình cảm thấy đầu óc luôn được vận động một cách tích cực”.

Khi ở nhà, Hồng Nhung – đúng như cái tên của chị – mềm như một cánh hoa, là một người phụ nữ đầy suy tư, trăn trở về cách ôm ấp, bảo vệ những điều mình rất mực yêu thương. Bởi trên hết, chị là một người mẹ không chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà còn cho hai thiên thần nhỏ.

Ảnh: Nhà Có Hai Người
Trợ lý: Ngọc Viên


From the same category