Gặp gỡ nhà sáng lập Học viện Nghi thức và Phong thái Việt Nam (PAVI) – Khi văn hóa là chìa khóa của thành công

Tại sự kiện “Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài” lần thứ nhất, diễn ra tại Paris – thủ đô của văn hóa và lịch sử châu Âu, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với Nhà sáng lập Học viện Nghi thức và Phong thái Việt Nam – PAVI, Thạc sĩ Lê An Na, một trong những chuyên gia hàng đầu về văn hóa, nghi thức tại Việt Nam, và cũng là khách mời của sự kiện. Với nền tảng học vấn vững chắc cùng kinh nghiệm sống, học tập, và làm việc tại nhiều quốc gia, Thạc sĩ Lê An Na hiện đang hoàn thành luận án Tiến sĩ về Văn hóa và Giao tiếp Liên văn hóa, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Hình ảnh Quốc tế (AICI) tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này đã mang lại nhiềugóc nhìn sâu sắc về vai trò của văn hóa trong kinh doanh và sự kết nối giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Th.sĩ Lê An Na bên lề sự kiện

Chào Thạc sĩ Lê An Na, cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn. Trước hết, chị có thể chia sẻ đôi nét về mối lương duyên của mình và lĩnh vực nghiên cứu văn hóa không?

Chào tạp chí Đẹp,. Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng có cơ hội học tập và làm việc ở nhiều quốc gia như Liên Bang Nga, Anh, Singapore, cũng như những trải nghiệm ở nhiều đất nước khác nhau trên thế giới. Điều này đã cho tôi một cái nhìn đa chiều về văn hóa, từ cách giao tiếp hàng ngày đến cách thức, nghi thức kinh doanh cũng như trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, xã hội, ở các nền văn hóa khác nhau.

Chính những trải nghiệm đa dạng ấy đã giúp tôi hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc nắm bắt và tôn trọng văn hóa trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó cũng là lý do tôi quyết định theo đuổi đam mê nghiên cứu văn hóa Hiện tôi cũng đang hoàn thành luận án Tiến sĩ về “Văn hóa và Giao tiếp Liên văn hóa”.

Hình ảnh Th.s Lê An Na tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, nơi diễn ra sự kiện “Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài”.

Sự nghiệp của chị đã phát triển như thế nào từ những trải nghiệm đó, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và nghi thức, phong thái?

Khi trở về Việt Nam, trở thành một giảng viên Đại học và một nhà nghiên cứu, tôi nhận thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức về văn hóa và nghi thức, không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong mọi mặt của đời sống, xã hội, trong đó có kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi sự giao thoa giữa các nền văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Tôi thành lập PAVI Academy với mục tiêu lan tỏa những giá trị này thông qua việc hình thành các khóa học về nghi thức và phong thái, dựa trên nền tảng văn hóa, giúp người Việt hiểu và ứng dụng nghi thức một cách đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, từ giao tiếp xã hội đến môi trường kinh doanh quốc tế.

Chị có thể chia sẻ thêm về tầm quan trọng của nghi thức và phong thái, dựa trên nền tảng văn hóa vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?

Chắc chắn rồi. Văn hóa không chỉ là nền tảng của bản sắc của đặc trưng của mỗi dân tộc mà còn là một trong những yếu tố mang tính quyết định, gắn kết và củng cố niềm tin giữa con người, đối tác, giữa các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ trong kinh doanh. Hiểu rõ văn hóa của đối tác giúp chúng ta xây dựng niềm tin, tạo sự tôn trọng lẫn nhau và tránh được những hiểu lầm không đáng có. Mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp đều có một “văn hóa” riêng, từ cách thức đàm phán, giao tiếp đến những chi tiết nhỏ như cách chào hỏi, cách ăn uống và trang phục,…

Trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu, sự nhạy bén về văn hóa giúp chúng ta thích nghi và tạo dựng mối quan hệ bền vững với đối tác quốc tế. Ví dụ, trong văn hóa kinh doanh của châu Âu, sự chính xác và tôn trọng thời gian rất được đề cao. Họ đánh giá cao sự chuyên nghiệp và sự cam kết trong công việc. Ngược lại, tại Việt Nam, yếu tố quan hệ cá nhân và sự linh hoạt lại đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta thấu hiểu, biết cách kết hợp hài hòa giữa các yếu tố này, chắc chắn sẽ tạo nên sự đồng thuận và hiệu quả trong công việc.

“Tôi luôn đặt văn hóa là nền tảng của mọi khóa học về nghi thức và phong thái. Dựa trên đó, tôi luôn có niềm tin rằng, nghi thức và phong thái tự tin có khả năng thay đổi chất lượng cuộc sống của mỗi con người trong chúng ta.” – Thạc sĩ Lê An Na

Vậy PAVI Academy đã áp dụng những nguyên tắc văn hóa này như thế nào trong các khóa học của mình?

Tại PAVI Academy, chúng tôi luôn đặt văn hóa là nền tảng của mọi khóa học về nghi thức và phong thái. Chúng tôi không chỉ dạy về các kỹ năng mềm mà còn giúp học viên hiểu rõ nguồn gốc văn hóa của những nghi thức đó. Chẳng hạn, chúng tôi giải thích vì sao trong văn hóa châu Âu, việc bắt tay cần phải chắc chắn và nhìn thẳng vào mắt đối phương, bởi đó là biểu hiện của sự tự tin và tôn trọng. Trong khi đó, trong văn hóa châu Á, sự khiêm nhường và tôn trọng người lớn tuổi lại được nhấn mạnh hơn.

Chúng tôi hướng đến việc trang bị cho học viên không chỉ những kỹ năng cơ bản mà còn sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, giúp họ tự tin và linh hoạt khi giao tiếp trong môi trường quốc tế, nhưng vẫn thấu hiểu và gìn giữ bản sắc của riêng mình.

Sự kiện “Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài” tại Paris lần này có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân chị và PAVI Academy?

Sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta thấu hiểu lẫn nhau, học hỏi, trao đổi về văn hóa kinh doanh giữa Việt Nam, Pháp cũng như châu Âu. Paris là một biểu tượng của sự thanh lịch, tinh tế và đa dạng văn hóa nên việc tổ chức sự kiện này tại Paris là một cách thể hiện sự tôn trọng và kết nối giữa hai nền văn hóa Việt Nam-Pháp, cũng như doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu.

Đối với cá nhân tôi, đây cũng là cơ hội để mở rộng tầm nhìn, học hỏi và cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường kinh doanh châu Âu, văn hóa kinh doanh châu Âu và Pháp, cách các giá trị văn hóa của mỗi bên lan tỏa trong môi trường kinh doanh luôn biến động, sự thích ứng của của các bên để thúc đẩy hoạt động kinh doanh giữa châu Âu, Pháp và Việt Nam. Tôi tin rằng, sự giao lưu văn hóa này sẽ tạo ra những góc nhìn mới mẻ và đóng góp tích cực vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh quốc tế hòa hợp và hiệu quả hơn.

Hình ảnh đời thường Th.s Lê An Na, tại thủ đô Paris – Pháp trong những ngày diễn ra sự kiện.

Chị nhận định như thế nào về những điểm tương đồng và khác biệt giữa văn hóa kinh doanh của Việt Nam và châu Âu?

Đây là một câu hỏi rất hay và tạo ra một phạm vi trao đổi rộng. Nó cũng là một phần quan trọng trong các nghiên cứu của tôi. Có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn một chút để diễn đạt một cách trọng vẹn, tuy nhiên, như tôi chia sẻ bên trên, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong cuộc sống và công việc hàng ngày, đó chính là cách tiếp cận vấn đề và cách thức giao tiếp. Văn hóa châu Âu thường rất trực tiếp, rõ ràng và đi vào trọng tâm. Họ đánh giá cao sự chuyên nghiệp, đúng giờ và tuân thủ quy trình. Trong khi đó, người Việt Nam thường coi trọng mối quan hệ cá nhân, sự linh hoạt và khả năng thích ứng. Chúng ta thường dành thời gian để xây dựng mối quan hệ trước khi đi vào các cuộc thảo luận kinh doanh, như ông cha ta vẫn nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” là vậy.

Tuy nhiên, điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa này chính là sự coi trọng giá trị con người và tôn trọng lẫn nhau. Dù tiếp cận theo cách nào, mục tiêu cuối cùng vẫn là xây dựng một mối quan hệ bền vững và cùng phát triển.

Có thể nhận thấy chị dành toàn bộ đam mê và trí lực cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nghi thức. Liệu chị có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch trong tương lai của mình không?

Tôi luôn tin rằng thấu hiểu văn hóa và nghi thức lẫn nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một cộng đồng kinh doanh vững mạnh và phát triển. Trong tương lai, tôi muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, đó là nền tảng vững chắc để tạo dựng phong thái và nghi thức, cả trong kinh doanh và cuộc sống.

PAVI Academy sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu, không chỉ dành cho các doanh nghiệp, các tổ chức và tập đoàn đa quốc gia, mà còn cho cả các cá nhân, giúp họ hiểu rõ hơn về văn hóa, tầm quan trọng và các tác động của văn hóa trong kinh doanh quốc tế, cách ứng dụng, ứng xử một cách hiệu quả trong môi trường làm việc.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Hình ảnh Quốc tế (AICI) tại Việt Nam, tôi mong muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành tư vấn hình ảnh và văn hóa tại Việt Nam, tạo ra một cộng đồng chuyên gia chất lượng, có khả năng giúp các cá nhân và doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Thạc sĩ Lê An Na!


From the same category