Game Of Thrones – “Tam quốc chí” của phương Tây

 

Từ khi ra mắt, “GoT” đã mau chóng trở thành một hiện tượng của làng mini-series. Trong khi TV series gồm nhiều tập mà mỗi tập là một câu chuyện nhỏ (ví dụ như “Friends”), khiến khán giả không nhất thiết phải theo dõi từ đầu đến cuối, thậm chí có thể nhảy cóc từ tập này sang tập khác, mùa này sang mùa khác; thì mini-series là một câu chuyện dài hoàn chỉnh, đòi hỏi người xem phải dành cho nó thời gian, và cả sự kiên nhẫn. Khán giả có thể dễ dàng bỏ ra một tiếng để xem một tập “Two And A Half Men” hay hai tiếng để xem “Love Actually”. Nhưng buộc họ phải nôn nao mong ngóng từ tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, chỉ vì một mini-series là một nan đề thực sự. Lừng lẫy cỡ “Band of Brothers” cũng chỉ dài 10 tập; nếu tính nốt phần hai không chính thức “The Pacific” thì cũng chỉ được hai mùa.

Không ít mini-series, dù xuất sắc, đã chết yểu vì lý do tài chính. Có thể kể ra “Rome”, chấm dứt sau hai mùa lên sóng, hay “Deadwood”, dừng lại ở mùa thứ ba. Bởi thế nên khi “GoT”, chuyển thể tiểu thuyết kỳ ảo – trường thiên “A Song of Ice and Fire” của George R. R. Martin, phát sóng và dự kiến kéo dài tám mùa, series này đã gây chấn động bởi tham vọng của mình, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà sản xuất có xu hướng rút gọn mini-series để giảm thiểu rủi ro và “vừa miếng” với người xem vốn đang ngày càng ít thời gian nhưng nhiều lựa chọn giải trí hơn.

Đến nay, khi đã được một phần ba (28 tập) chặng đường dự kiến, thành công của “GoT” đã cho thấy quyết định mạo hiểm của HBO là đúng đắn. “GoT” không chỉ thu được thành công rực rỡ về nghệ thuật và thương mại, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng. Không phải ngẫu nhiên mà Putin, vị tổng thống nổi tiếng với những hình ảnh cởi trần cưỡi ngựa lại được một số báo mạng đặt cho cái biệt danh hài hước là “Khal Drogo của nước Nga”.

Rốt cuộc, điều gì đã làm nên thành công của bộ phim? Điều gì đã làm cho mỗi tối Chủ nhật hàng tuần, hàng triệu khán giả lại háo hức chờ đợi gần 60 phút đầy âm mưu, chính trị, bạo lực, dục vọng, và muôn hình muôn vẻ của nhân tính? Câu trả lời vẫn hết sức kinh điển: một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn. Nói một cách dễ hình dung, “GoT” giống như một “Tam quốc diễn nghĩa” của phương Tây, một trường thiên về những minh tranh ám đấu chốn cung đình. Nếu Trung nguyên thời ấy chia ba thiên hạ thì Westeros cũng có bảy tiểu quốc luôn chực chờ thôn tính lẫn nhau, và dòm ngó ngai vàng (thực ra là Ngai Sắt) của Đế đô. Giống như nhà Hán năm xưa luôn bị rợ Hồ uy hiếp, Westeros cũng có một trường thành để ngăn ngừa sự xâm lăng của các dị tộc phương Bắc.

Ở “GoT”, có rất nhiều tuyến truyện song hành với nhau, với trung tâm của cuộc đấu là Đế đô, từ đó tỏa đi bốn phương – nhà Stark, nhà Lannister, nhà Baratheon, nhà Targaryen… Về danh nghĩa là một thế giới hư cấu, nhưng “GoT” thực ra đã lấy nguồn cảm hứng từ lịch sử Châu Âu, khiến người xem vừa bị thu hút vì tính độc sáng đầy lạ lẫm của thế giới này, vừa thấy gần gũi vì bóng dáng lịch sử thấp thoáng sau câu chuyện. Sự kình địch giữa nhà Stark và Lannister vừa giống mối thù Saxon – Norman, vừa gợi liên tưởng đến cuộc chiến Hoa hồng giữa hai gia tộc Lancaster và York. Nếu nhà Greyjoy khá giống hải tặc Viking thì người Dothraki lại có nét gần gũi với dân du mục Mông Cổ… Tùy vào sở kiến của mỗi người, khán giả có thể nhận ra, và thích thú với những sự tương đồng sẽ trải dài như thế suốt bộ phim.

Một trong những thủ pháp sở trường của “GoT” để câu dẫn khán giả chính là đồng hiện. Cùng lúc, người xem phải theo dõi nhiều câu chuyện khác nhau, diễn ra tại nhiều xứ sở khác nhau. Với thời lượng 60 phút mỗi tập phim chỉ đủ thời gian cho bốn, năm mạch truyện, và mỗi mạch chỉ có khoảng mươi phút. Điều đáng nói, là không vì thế mà dòng chảy của bộ phim trở nên rời rạc. Ngược lại, nó cho người xem ưu thế tuyệt đối của một góc nhìn toàn cảnh – không phải Tywin Lannister quyền khuynh thiên hạ hay Varys “trùm tình báo”, mà chính khán giả mới là đối tượng duy nhất biết hết và thấy hết những gì xảy ra trong thế giới của “GoT”. Cũng chính cấu trúc này càng làm khán giả nôn nóng muốn biết số phận của mỗi nhân vật – Jon Snow, Aria Stark, Jaime Lannister hay Daenerys Targaryen… bọn họ sẽ đi về đâu trong thời loạn thế này?

Nếu biểu tượng của “GoT” là chiếc vương miện, thì mỗi nhân vật dù chính hay phụ trong phim có thể được xem như một viên bảo thạch gắn trên vật biểu trưng của quyền lực ấy. Nhân vật, chính là tuyệt chiêu của “GoT” để nhiếp hồn khán giả. Mỗi cái tên đã trở thành một điển hình – Eddard Stark cũng cương trực đến ngây thơ như Quan Vũ, Cersei đích thực là một Võ Tắc Thiên, trong khi Tywin Lannister thì gian hùng không thua gì Tào Tháo…

Điển hình là vậy, nhưng nhân vật của “GoT” lại không đi vào chỗ công thức và sáo mòn. Ở “GoT”, không có nhân vật nào là đơn giản, một chiều. Cũng không có nhân vật nào là hoàn toàn xấu. Petyr Baelish xảo quyệt nhưng lại ôm ấp mối tình tuyệt vọng với Catelyn Stark. Thái giám Varys thủ đoạn lại có một quá khứ nghiệt ngã đáng thương. Cersei tàn độc với kẻ thù nhưng vẫn là một người mẹ hết mực yêu con… Ưu thế của mini-series là thời lượng, và biên kịch của bộ phim đã tận dụng triệt để thế mạnh này khi dẫn dắt khán giả đồng hành với sự phát triển tự nhiên trong tính cách và thế giới quan của từng nhân vật. Có những nhân vật, đầu tiên làm khán giả khó chịu, thậm chí chán ghét. Nhưng dần dà, ta bỗng nhận ra mình bắt đầu thông cảm và chuyển sang đồng cảm với họ, chẳng hạn như Sansa Stark, hay Jaime Lannister. Không như “Tam quốc”, một thế giới chỉ có đàn ông, phân nửa sự hấp dẫn của “GoT” đến từ những người phụ nữ. Cao quý như hoàng hậu Cersei hay hạ tiện như cô gái điếm Shae, ngây thơ như Sansa hay khôn ngoan trước tuổi như Margaery, non nớt như Arya hay lọc lõi như Phu nhân Olenna, tất cả đều sở hữu một sức quyến rũ kỳ lạ đối với người xem.

Ở Westeros, và nhất là ở Đế đô, người ta không chỉ đấu trí, đấu lực, đấu binh, mà còn đấu khẩu. Lời thoại cũng là một trong những điểm đắt giá mang lại thành công cho series. Hầu như nhân vật nào của “GoT” cũng có những câu thoại để đời. Người xem thích thú dõi theo mỗi màn đối thoại, có khi căng thẳng và định đoạt sống chết, và cũng có khi duyên dáng một cách vô thưởng vô phạt giữa các nhân vật. Khó ai ngờ một hoàng hậu như Cersei có thể khuyên một tiểu thư như Sansa rằng “Đàn bà không chỉ có nước mắt làm vũ khí, vũ khí lợi hại nhất nằm giữa hai chân cô”.

Và cuối cùng, không thể không nhắc tới tính quy mô của series này. “GoT” là ví dụ tiêu biểu cho sự xích lại gần nhau của truyền hình và điện ảnh. Với 60 triệu USD cho mùa đầu tiên và 70 cho mùa thứ hai, bộ phim có tầm cỡ chẳng thua gì những phim bom tấn. Sự công phu trong thiết kế trang phục, kiến trúc và đạo cụ đã thật sự tạo nên một thế giới riêng, tuy chưa hùng vĩ bằng Middle Earth của “Lord of the Rings”, nhưng đủ hoành tráng và kỳ ảo để làm sân khấu và vũ đài xứng đáng cho truyền kỳ băng hỏa tương tranh của George R. R. Martin.

 Nham Hoa


From the same category