Găm xăng trục lợi - Tạp chí Đẹp

Găm xăng trục lợi

Tin Tức

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra bồn chứa của một cây xăng ngưng bán ở TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), kết quả: bồn cạn đáy – Ảnh: TÔ PHƯƠNG

Tại nhiều cây xăng đóng cửa treo bảng “hết xăng”, khi các đơn vị quản lý thị trường địa phương đến kiểm tra đều xác nhận “hết thật”.

“Đá” qua lại cho nhau

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến sáng 27-8, các cây xăng Minh Tân 1, Minh Tân 2, Phú Mỹ trên tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi, TP.HCM) tiếp tục tình trạng treo bảng “hết xăng” để ngưng bán hàng. Trước đó, liên tiếp từ ngày 23-8 tình trạng các cây xăng này ngưng bán xăng hoặc bán nhỏ giọt khiến người dân quanh khu vực hoang mang. Đặc biệt đối với những tiểu thương tại chợ Phú Hòa Đông, hàng loạt cây xăng khu vực này ngưng bán dẫn đến việc kinh doanh, buôn bán bị xáo trộn.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… lấy lý do “hết xăng” để né bán. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, ngày 23-8 Đội quản lý thị trường Củ Chi đã phối hợp với Công an xã Phú Hòa Đông kiểm tra cây xăng Minh Tân 1 và cây xăng Phú Mỹ. Kết quả, hai cây xăng trên vẫn mở bán nhưng chỉ bán dầu mà không bán xăng. Kiểm tra bồn chứa xăng cho thấy lượng xăng tồn còn chưa đầy 150 lít, bóp cò các vòi bơm xăng không ra xăng. Hai cửa hàng xăng dầu này đều thừa nhận tình trạng hết xăng xảy ra từ sáng 23-8. Đại diện hai cửa hàng xăng dầu này cho biết ngay khi hết xăng, họ liên tục liên lạc với đơn vị cung ứng hàng là Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH MTV (Thalexim) để đặt hàng. Tuy nhiên phía Thalexim chỉ cung cấp nhỏ giọt (trung bình 3-4 ngày mới cung cấp 2.000-3.000 lít xăng).

Bà Kim Anh, đại diện DNTN Minh Tân, cho biết đơn vị đặt hàng 4.000 lít xăng cho cây xăng Minh Tân 1 từ ngày 20-8 nhưng đến 10g ngày 23-8 Thalexim mới chấp nhận đơn hàng và chỉ duyệt 2.000 lít. Bà Kim Anh cho biết thêm khi không còn xăng để bán, người dân phản ứng rất dữ dội, nói cây xăng găm hàng. “Thực tế chúng tôi không có hàng để bán dù liên tục liên lạc với Công ty Thanh Lễ. Chúng tôi cam kết khi có hàng về sẽ bán ngay và tuyệt đối không găm hàng, giảm số lượng bán ra chờ giá tăng để hưởng lợi” – bà Kim Anh bày tỏ.

Trong khi đó chiều 27-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Minh Quang, tổng giám đốc Thalexim, cho biết đơn vị đã nhận được thông tin các cây xăng ngưng bán xăng và tiến hành kiểm tra xác minh. Cụ thể, tại cây xăng Minh Tân 1, tính đến ngày 27-8 công ty đã cung cấp cho cây xăng này 23.000 lít xăng trong tháng 8. Như vậy, theo ông Quang, hiện đơn vị vẫn cung cấp đầy đủ lượng xăng theo định mức cho cây xăng này (khoảng 25.000 lít/tháng). “Việc cây xăng yêu cầu cung cấp cao hơn, chúng tôi không thể cung ứng” – ông Quang nói.

Mua khống, găm hàng

Các chuyên gia xăng dầu phân tích trong bối cảnh hiện nay các công ty kinh doanh xăng dầu đã giở chiêu mua khống để găm hàng chờ tăng giá. Đây là một trong những nguyên nhân cứ trước ngày xăng tăng giá thì người dân không thể mua xăng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cứ mỗi lần xăng dầu rục rịch tăng giá, ông H. – chủ của một hệ thống gồm 5-6 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM và Bình Dương – lại gom hàng chục tỉ đồng đóng cho đầu mối xăng dầu để mua 2-3 triệu lít xăng, tuy nhiên chỉ giao tiền và bên cung cấp xuất hóa đơn nhưng không có hàng. Đến ngày giá xăng lên, ông H. nhận hàng đã mua với giá gốc và bán với mức giá tăng mới. Cứ như thế mỗi chuyến xăng tăng giá, ông H. lại kiếm được 2-3 tỉ đồng. Ông H. còn cho biết hiện nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều sử dụng chiêu này để kiếm lợi nhuận. Để được mua khống xăng dầu như trên, các chủ xăng dầu và đại lý có ăn chia từ đầu mối tới cây xăng và mỗi doanh nghiệp mỗi lần đặt hàng chỉ tối đa 2,5-3 triệu lít xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng dạng mua khống đang xuất hiện như hiện nay là một hình thức thao túng bởi độc quyền rất nguy hiểm, nó không chỉ làm người dân bị thiệt mà còn làm loạn xã hội.

Cũng theo ông Phong, việc các cây xăng nghỉ bán trước giờ tăng giá có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chuyện tăng giá đang được mặc định cho ngành xăng dầu và thông tin này được phổ biến cho toàn ngành xăng dầu một cách cố ý hoặc vô tình. Thứ hai là mặt chế tài quá lỏng, không quy định những vi phạm của ngành độc quyền kinh doanh. Ví dụ nếu có quy định bổ sung là nếu còn xăng mà găm lại sẽ rút giấy phép thì khác ngay. “Giải pháp thứ nhất là để đảm bảo việc giá xăng lên xuống theo quy luật thị trường chứ không phải lên một chiều. Hiện tượng vừa rồi một phần nguyên nhân là do tính chất lên một chiều khiến các đại lý kỳ vọng và mua khống vì tin chắc sẽ thắng. Còn nếu để theo giá thế giới thì các doanh nghiệp xăng dầu không dám mạo hiểm như thế” – ông Phong nói.

Theo Tuổi Trẻ

Thực hiện: depweb

28/08/2012, 19:30