Gác lại vũ trụ điện ảnh, DC thoát khỏi “con quỷ ghen tị” với Marvel suốt 10 năm qua

Có nhận xét cho rằng “Shazam!” là nỗ lực của DC nhằm tái hiện lại phong cách màu mè hài hước của phim siêu anh hùng Marvel thời kì đầu. Nếu đây là sự thật, thì giống như cậu nhóc Billy trong bộ phim, “Shazam!” quả là một kẻ sinh sau đẻ muộn ngỗ ngược khi dám quay lưng lại với di sản của những người tiền bối đi trước, bao gồm 6 bộ phim u ám, và một liên minh mù mờ.

Hãy quay lại với câu chuyện về thương vụ tập đoàn Walt Disney mua lại hãng phim 20th Century Fox đã khiến người hâm mộ điện ảnh nói chung, và dòng phim siêu anh hùng nói riêng xôn xao suốt nhiều năm nay. Kẻ lạc quan bắt đầu mơ giấc mơ về những trận chiến vốn chỉ tồn tại trên các cuốn truyện tranh, nay tràn trề khả năng được đưa lên màn ảnh bởi không còn bị “ngăn sông cấm chợ” vì bản quyền nhân vật. Kẻ bi quan thì bắt đầu nghĩ đến một đế chế Disney thôn tính nền điện ảnh vốn ngày càng phai nhạt những dấu ấn cá nhân.

Nếu giả thuyết Disney tự làm bộ phim “Dumbo” để giễu nhại thương vụ nuốt chửng 20th Century Fox là thực, có thể xem câu chuyện “Shazam!” là cách Warner Bros. giải thoát “con quỷ ghen tị” bên trong mình để phát triển hướng đi độc lập của hãng.

Chẳng vậy, khi bộ phim “Dumbo” ra mắt dịp đầu tháng Tư vừa qua, trang Screenrant thấy được bóng dáng sự bành trướng của tập đoàn giải trí và truyền thông lớn nhất thế giới này phản chiếu trong cốt truyện. Chú voi biết bay Dumbo được “ông bầu” Vandevere mua lại để phục vụ cho khu vui chơi có một không hai “Dreamland” của mình trên phim, thì ngoài đời thật, công cuộc “thâu tóm” của Walt Disney đã diễn ra trong suốt nhiều thập kỉ; quy tụ về dưới trướng của đế chế này hàng loạt những cái tên như: Lucasfilm, Pixar, Marvel Entertainment với Marvel Studio là nơi đã tạo ra Vũ trụ siêu anh hùng Marvel mà chúng ta yêu mến suốt một thập kỉ, và mới đây nhất, là 20th Century Fox.

Điều trớ trêu là, “Dumbo” được sản xuất bởi Walt Disney Picture. Điều này giống như thể Disney đang làm một bộ phim kể về con đường chiếm lấy vị trí độc tôn trong nền giải trí của chính mình.

Tới chiến thắng của chàng Shazam

Không vô tình tự để lộ cái đuôi đầy tham vọng của mình như Walt Disney với “Dumbo”, nhưng qua “Shazam!”, Warner Bros. đã cho khán giả thấy họ đang muốn tái cơ cấu DCEU như thế nào.

“Shazam!” chỉ là 1 câu bé trong xác của siêu anh hùng.

Trong “Shazam!”, kẻ phản diện trứ danh Dr. Thaddeus Sivana từng là một trong những đứa trẻ được lựa chọn để kế thừa sức mạnh của Shazam. Nhưng cậu bé Theddeus đã không vượt qua được sự cám dỗ của Bảy mối tội đầu. Theddeus lớn lên, trở thành một gã đàn ông tự ti, bị mờ mắt bởi lòng ghen tị (và thực sự đã cho con quỷ Ghen tị ẩn náu trong cơ thể mình ở trận chiến cuối cùng), điên cuồng tìm cách đánh bại và cướp lấy sức mạnh của “nhà vô địch” được Shazam lựa chọn. Nhân vật này có vẻ là một kẻ phản diện ngang tài ngang sức với cậu nhóc 14 tuổi ngỗ ngược và tinh ranh hơn mức bình thường được lựa chọn để kế thừa sức mạnh của Shazam.

Không có sự huỷ diệt quy mô toàn cầu, không có siêu anh hùng được tôn vinh như một vị thần hay một kẻ phản diện với âm mưu huỷ diệt cả thế giới. Quy mô trận chiến giữa Dr. Sivana và Shazam – hai “nhà vô địch” một thiện một ác, chỉ là trận chiến của hai thiếu niên – một mãi mãi mắc kẹt trong quá khứ thất bại, một thì vừa tìm được lối thoát đến sự trưởng thành. Đơn giản, đầy tính cá nhân, và chưa dính líu gì đến chuyện “liên minh” hay những kẻ tử thù của liên minh ấy.  

Trận chiến của Shazam với Dr. Sivana trong “Shazam!” ở một mức độ nào đó cho người xem thấy nhiều hơn một cuộc đối đầu trên màn ảnh; giống như bản thân bộ phim, đặt trong tương quan với cả DCEU rộng lớn, đã đánh dấu một hướng đi mới của Warner Bros. Hướng đi ấy là tập trung phát triển mạch truyện riêng của từng nhân vật bằng một chuỗi phim của riêng họ. Đó là lí do tại sao sắp tới ta sẽ được thấy một phiên bản Joker đầy ma mị do Joaquin Phoenix thủ vai trong một bộ phim riêng của mình song song với một phiên bản Joker “tay chơi” đẫm chất ngôn tình của Jared Leto trong “Suicide Squad” (2016); sẽ thấy Harley Quinn xuất hiện trong “Birds of Prey” – một phim riêng làm về nhân vật này và “hội chị em bạn dì” thành Gotham của nàng.

Phim chưa ra mắt nhưng Joker phiên bản Joaquin Phoenix đã gây ấn tượng qua teaser trailer.

Và điều bất ngờ hơn hết là, trong bốn năm sắp tới (từ giờ tới năm 2022), chưa có bất kì thông tin mới nào được đưa ra về phần tiếp theo của “Justice League” – cái tên mà suốt sáu năm qua, Warner Bros. đã tìm mọi cách nhồi nhét, cài cắm vào các phim lẻ để dọn đường cho nó xuất hiện. Giờ là lúc để Warner Bros. tạm gác lại giấc mơ Justice League” dang dở và tập trung củng cố nền móng cho vũ trụ điện ảnh của mình. Động thái này thể hiện một thái độ bình tĩnh hơn của hãng trong cuộc chạy đua về danh tiếng với vũ trụ điện ảnh đối thủ MCU – vốn đang ở những nốt cuối của bản anh hùng ca được xây dựng một cách chặt chẽ trong suốt 10 năm qua.

Cứ như thể, chàng Shazam quyền năng (và lẻo mép) không chỉ đánh bật con quỷ Ghen tị khỏi Dr. Sivana, chàng ta còn đánh bật con quái vật cản đường ấy khỏi sự phát triển của DCEU.

Điều quyết định thần thái của một siêu anh hùng?

Gọi “Shazam!” là cái tên sẽ khiến DCEU rạng danh không hề khoa trương, khi bộ phim này mang lại cho khán giả quá nhiều bất ngờ và phấn khích so với cái mác “u tối” thường được gắn lên các bộ phim thuộc vũ trụ điện ảnh này. Tất nhiên không cần chờ đến “Shazam!”, “Wonder Woman” (2017) đã là một bộ phim mềm mại và tươi sáng hơn so với mặt bằng chung, và “Aquaman” (2018) thì rực rỡ (hay loè loẹt) đến đau mắt. Nhưng phải đến “Shazam!”, thì khán giả mới được chứng kiến ở DCEU một siêu anh hùng giản dị, không cần lên gân, không cần gồng mình mà vẫn hoàn thành được sứ mệnh đánh đuổi cái ác.

Không chủ đích nhấn chìm người xem trong tầng tầng lớp lớp những xung đột và sự vặn xoắn không – thời gian có lẽ sẽ chẳng bao giờ được giải đáp như trong “Batman v Superman: Dawn of Justice” (2016) hay tình huống quá nhiều siêu anh hùng nghiêm túc trong một bộ phim cực kì thiếu nghiêm túc như “Justice League” (2017); siêu anh hùng của “Shazam!” chỉ là một cậu nhóc 14 tuổi đi tìm mẹ. Trong lúc đi tìm người mẹ thất lạc ấy, cậu được nhận về nuôi trong một ngôi nhà chung với năm đứa trẻ mồ côi khác; và sau đó, nhận được từ một ông pháp sư già toàn bộ quyền năng mà ông ta nắm giữ.

Bố và mẹ không bị bắn chết ở cửa sau của nhà hát hay bỏ mạng trên một con tàu cứu hộ, bản thân cũng không có khả năng nói chuyện với cá, và quan trọng nhất, được bảo vệ bởi một gia đình chắp vá nhưng đầy tình thương; Billy Batson là màu sắc dị biệt trong số các siêu anh hùng của DCEU. Tạm khoan hãy nói đến chuyện xuất thân tầm thường của cậu bé (hay sự thay đổi của bộ phim so với nguyên tác), thái độ của Billy và những người anh chị em của cậu trước siêu năng lực trong tay cũng khiến bộ phim trở nên đáng yêu hơn rất nhiều trong mắt khán giả. Siêu năng lực là tổng hợp phẩm chất của các vị thần tối cao trong tay cậu thiếu niên 14 tuổi vừa giống như một trò chơi, lại vừa giống như một tiềm năng để khám phá. Dù dùng vào mục đích diễu oai đầy lố bịch hay để bảo vệ gia đình mình, chưa một lúc nào trong suốt cả bộ phim, khán giả cảm thấy siêu năng lực ấy là nỗi ám ảnh, hay một gánh nặng cuộc đời với Billy.

Là DC đang cố bắt chước phong cách của Marvel ư? Hoàn toàn không phải. Chúng ta chỉ đang chứng kiến thời điểm khi tầm nhìn của vũ trụ điện ảnh mở rộng đen tối cuối cùng cũng chịu công nhận sự thật rằng: một nội tâm đầy dằn vặt và sự cô độc không nhất thiết phải là hai phẩm chất quan trọng và duy nhất làm nên thần thái của một siêu anh hùng.

Bài: Anh Phan


From the same category