Ga xép rưng rưng

1. Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ một đường link khá thú vị, “Bạn mất bao lâu để đọc những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới?”. Theo đó, nếu tạm tính với tốc độ đọc 300 từ/phút, thì “Lolita” mất hơn 6 tiếng để đọc, tương tự, “Tội ác và trừng phạt” mất 12 tiếng, “Anna Karenina” mất khoảng 20 tiếng, và trọn bộ “Harry Potter” mất khoảng 60 tiếng…

Tôi không có ý so sánh với các tác phẩm văn chương nổi tiếng thế giới, nhưng nếu mượn tạm tốc độ đọc nói trên thì những bài tạp bút của Việt Linh trong chuyên mục “5 phút với ga xép” trên tạp chí Đẹp (có dung lượng từ 1.000 đến 1.200 từ) chỉ lấy mất của độc giả chưa đầy 5 phút, như tên gọi chuyên mục mà chị và biên tập viên của Đẹp đã đặt tên. Giữa thời buổi bận rộn và dễ bị phân tán thời gian bởi trăm thứ đọc trên mạng, Việt Linh ngay từ đầu đã xác định không làm mất thời gian của độc giả.

Tạp bút “Năm phút với ga xép” đã ra mắt ở Sài Gòn ngày 6/12 và ra mắt ở Hà Nội ngày 10/12. Cuốn sách được tập hợp các bài viết in ở chuyên mục cùng tên trên Tạp chí Đẹp của đạo diễn Việt Linh.

“5 phút với ga xép”, chuyên mục khiêm nhường ấy, đã sống được đến năm thứ 3 và ngày càng được bạn đọc yêu thích. Nằm lọt thỏm giữa cuốn tạp chí dày cộp dành cho người phụ nữ thành đạt ở các đô thị lớn, những câu chuyện nhỏ của Việt Linh, cứ nhẩn nha đến tháng lại lên, đôi lúc có vẻ lạc lõng, mà như chị nói vui, “Ga xép” của chị, như món kho quẹt trong nhà hàng 5 sao. Để rồi bạn đọc (mà đa phần là phụ nữ), sau khi mãn nhãn với những bộ thời trang, những chuyên đề thời thượng, những câu chuyện (đôi khi) phù phiếm của giới showbiz… lại tìm đến “ga xép” của chị để lắng nghe những câu chuyện đời, được chắt lọc bởi một người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố, mà vẫn rưng rưng rung cảm với tha nhân, với cuộc đời; mà vẫn gần gũi, đồng cảm với những người phụ nữ thế hệ con, cháu của chị. 5 phút với cái ga xép đó, vì vậy, đôi khi để lại dư âm thật lâu, thật dài.

2.
Tôi nhớ những bộ phim vào những năm 1980, 1990 của Việt Linh, “Phiên tòa cần chánh án”, “Nơi bình yên chim hót”, “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ” hay “Chung cư”… đều là các câu chuyện thời cuộc, nặng dấu ấn thế sự, nhưng cũng đầy rung cảm bởi cuộc đời của các nhân vật, dù bình thường hay dị biệt, qua con mắt điện ảnh của chị đều để lại cho người xem một chút ngậm ngùi khi rời khỏi rạp chiếu. Bởi phim Việt Linh luôn nặng chữ tình!

Toàn cảnh buổi ra mắt sách tại Hà Nội

Sau một trận bạo bệnh và gượng dậy, Việt Linh biết mình khó theo đuổi nghiệp điện ảnh quá vất vả nhọc nhằn, nó có thể quật ngã chị bất cứ lúc nào. Nhưng tinh thần nghệ sĩ – công dân và niềm đam mê chữ nghĩa của chị thì không có cơn bạo bệnh nào quật nổi. Đấy là lúc Việt Linh ngồi vào bàn viết, nơi mà như chị nói, có dịp lôi ra biết bao cảm xúc dồn nén từ cái rương lớn của cuộc đời.

Việt Linh là một người yêu chữ, tôi đã có dịp chứng kiến chị vật vã với những con chữ để biên tập cho những cuốn sách nằm trong “Tủ sách điện ảnh”. Với hai cuốn sách riêng đã xuất bản (“Chuyện mình, chuyện người”, “Chuyện và truyện”), tình yêu “chữ” của chị đã quá rõ ràng, nó như bầu bạn, như bầu trời, như vũ khí, như dược liệu… mà chị từng trả lời phỏng vấn.

Nhưng có lẽ đến tập sách thứ 3 – “Năm phút với ga xép”, tôi thấy đây mới là cuốn sách đậm màu Việt Linh nhất. Với một tinh thần xuyên suốt và hướng tới đối tượng độc giả chung mà chị gửi gắm, Việt Linh dùng con mắt và cái đầu tỉnh táo của một công dân nhiều trải nghiệm, nhiều quan sát nhưng lại chuyển tải với trái tim của một người phụ nữ từng trải, nên bất cứ câu chuyện nào, dù nặng nề đến đâu cũng trở nên nhẹ tênh (mà không nhẹ hều) dưới những con chữ của chị.

Đạo diễn Việt Linh nhận hoa chúc mừng của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng là nhân vật trong một tạp bút “Năm phút với ga xép” 

Một thời báo chí Việt nở rộ thể loại tạp văn tạp bút, nhưng cái dở của tạp bút trên báo ta thường là lan man dông dài, phần lớn là vô thưởng vô phạt hoặc đôi lúc đọc hết mà không biết tác giả nói gì. Việt Linh thì khác, trong một bài viết ngắn, chị kể đến 3, 4, thậm chí 5 câu chuyện – đôi khi chỉ trên dưới trăm từ, mà kể được cả một câu chuyện xúc động, một tình huống oái oăm và đọc hết mới biết chúng được kết nối với nhau một cách tài tình. Bởi những mẩu chuyện đó không đứng độc lập bâng qươ mà gắn kết với nhau trong một chủ đề thống nhất.

Đạo diễn Việt Linh chụp hình chung với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Le Group – Đại diện Tạp chí Đẹp

Ở những bài viết nặng về thế sự, cái nhìn của Việt Linh cũng luôn nhẹ nhàng nhưng gây bất ngờ, khoan dung mà không thỏa hiệp. Đôi lúc chị kết nối 2 câu chuyện tưởng như rất xa nhau mà lại rất gần, không liên quan mà rất đồng điệu, như những ổ khóa tình yêu trên cây cầu Paris với đám lục bình trôi trên sông miền Tây, những hình ảnh vốn gắn liền với sự lãng mạn, trở thành những “gánh nặng” hay “những viễn cảnh tai nạn đáng sợ” (“Sức nặng của lông hồng”). Như câu chuyện của một ông nhà văn có ý tốt, muốn “sắp xếp cuộc đời” cho 2 người phụ nữ Tây Nguyên mà ông từng quay phim chung, nhưng cuối cùng lại vô tình “làm hại” họ. Câu kết của Việt Linh trong bài “Yêu đâu có dễ” như một cú “twist” đầy bất ngờ và khiến ta bàng hoàng về cái tưởng lòng tốt chưa chắc đã tốt như ta từng nghĩ, “rằng hóa ra với tình yêu chân thành và mưu tính mang tới cho tha nhân những điều tốt đẹp, đôi khi, rất có thể ta đang phá nát cuộc đời họ.”

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (thứ hai từ trái sang) cũng đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh trong buổi cuốn sách được ra mắt ở Hà Nội

Chỉ 5 phút dừng lại ở “ga xép” của Việt Linh, tôi tin rằng khi chuyến tàu cuộc đời tiếp tục lăn bánh, những dư âm đầy lưu luyến của nó không dễ rời bỏ ta, để rồi lại mong ngóng đến ga xép kế tiếp!

Bài: Lê Hồng Lâm

logo


From the same category