Nhắc một bài là nhắc tất cả, bởi bài nào cũng đều được bi kịch hóa một cách hoàn hảo. Có lẽ hoàn hảo quá. Người đang buồn thì có. Người đang buồn cần chia sẻ thì có. Người đang buồn cần chia sẻ với mọi người qua mặt báo thì cũng có. Người đang buồn cần chia sẻ với mọi người qua mặt báo và có khả năng viết văn (những bài đó hay bắt đầu với các câu như: “Tôi vốn là chàng trai con nhà nghèo”), có thời gian viết bài dài, có câu chuyện mới lạ để kể (tức khác với tuần qua) thì… cũng có thể có.
Nhưng đủ người, đủ câu chuyện để hàng tuần có mấy bài tâm sự mới, hùng biện, văn chương, dài dòng, bi kịch, và hoàn hảo? Tôi nghi ngờ lắm. Những tác giả giấu mặt này có phải chọn giấu mặt vì không muốn “chồng” phát hiện mình vừa kể chuyện nhà cho cả thế giới nghe hay vì không muốn độc giả phát hiện mình chưa hề có chồng và nhận mấy trăm nghìn đồng từ mỗi bài viết?
Cách đây khoảng nửa năm, tôi bắt đầu hình dung hai chú béo nghiện gà rán. Tôi không lý giải vì sao tôi hình dung họ phải là hai chú, vì sao họ phải nghiện gà rán – nhưng tôi bắt đầu hình dung gương mặt của hai chú đó, bắt đầu tin một cách luyên thuyên rằng họ đã viết gần 80% số các bài tâm sự đăng trên các trang tin tức lớn.
Tôi thuộc loại người dễ bấm nút “play”, khó bấm nút “stop”. Không lâu sau, tôi bị ám ảnh nặng. Tôi không thể đọc bài tâm sự mà không nghĩ về hai chú đó. Có lẽ phần tiềm thức của bộ não tôi nhận ra rằng có hai giọng văn chính trong phần lớn các bài tâm sự đăng trên trang tin tức, muốn tìm cách lý giải cho chuyện đó (nếu có hai giọng văn chính thì phải có hai người viết chính). Có lẽ tôi có khả năng ngoại cảm tiềm ẩn? Tôi không cần biết. Dù do nguyên nhân nào đi nữa, đọc bài tâm sự nào, tôi cũng hình dung hai chú béo đó ngồi trong phòng khép kín, bàn ý tưởng với nhau.
“Mày ơi, nghe câu này xem có được chưa: Mỗi ngày với tôi khi màn đêm buông xuống lại trở thành một địa ngục nơi trần gian này.”
“Kinh quá, kinh quá. Nào, tao tặng lại mày câu này luôn: Tôi gọi điện thoại cho anh, anh nghe máy và nói rằng đang đi cùng với bạn, còn khi gọi cho mẹ thì mẹ nói mẹ đang bận nói chuyện với khách hàng.”
“Kinh, kinh!”
Hai chú cười rồi mỗi chú viết nốt bài của mình, thỉnh thoảng mò tay vào hộp để ở giữa bàn xem còn miếng gà rán nào để lại hay không.
Giờ tôi không đọc bài tâm sự nữa. Đọc bài tâm sự chỉ hay nếu mình tin – thậm chí hơi hơi tin – người viết là người có thật, vấn đề được nêu là vấn đề xảy ra thật. Như thế mình mới có cảm giác cuộc sống của mình không tệ bằng cuộc sống của một người thật khác (vui), cộng với cảm giác sự tồn tại của mình có giá trị với một người đang tồn tại khác (thể hiện qua “comment” tư vấn, động viên).
Chứ hai chú đó suốt ngày ngồi cười và ăn gà rán chắc sướng lắm! Sướng hơn mình. Họ có nỗi buồn đâu (ngoài huyết áp cao) khiến mình vui lên? Mà họ đâu cần ai tư vấn cho. Họ đâu cần sự giúp đỡ của một người tốt bụng. Họ chỉ cần mấy trăm nghìn mỗi bài viết để mua thêm hộp gà rán. Cho ấm bụng…