“Fury”: Cơn cuồng nộ của chiến tranh

Dù được giới phê bình ca ngợi hết lời, dù có sự góp mặt của dàn sao sáng giá bao gồm Brad Pitt, Shia LaBeouf và Logan Lerman, “Fury” (tựa tiếng Việt: Cuồng nộ) cũng không được chào đón quá nhiệt tình khi ra rạp, chỉ mang về hơn 60 triệu USD sau khoảng 10 ngày công chiếu ở Bắc Mỹ và một số khu vực khác trên thế giới. Cũng dễ hiểu thôi, chiến tranh chưa bao giờ là thể loại phim ưa thích của công chúng cả.

“Fury” hấp dẫn và đầy lôi cuốn, điều này không phải bàn cãi. Nhưng “Fury” sẽ khiến người ta phân vân khi đứng trước quầy vé, bởi có gì đáng xem một bộ phim về 5 anh lính xe tăng trên đất Đức vào những tuần lễ cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến? Dĩ nhiên, câu trả lời chỉ có ở trong rạp. Fury là tên của một chiếc xe tăng của quân Đồng minh với 5 chiến binh đã dạn dày trận mạc, từng chinh chiến ở châu Phi và nhiều quốc gia châu Âu trước khi tiến vào sào huyệt của Đức quốc xã. Nhưng Fury có lẽ cũng là một sự ám chỉ của đạo diễn kiêm biên kịch David Ayer về cơn “cuồng nộ” của chiến tranh, nơi sự khoan dung chỉ như phép màu của Chúa và bắn hết, đốt hết, giết hết mới là tôn chỉ, là mục đích cho các bên tham chiến.


“Fury” cũng có những khoảnh khắc lay động trái tim khán giả, như cuộc tình chóng vánh của tân binh Norman Ellison với cô gái người Đức, cách mà 5 chiến binh thể hiện tình cảm trong chiếc xe tăng chật hẹp.

“Fury”
hầu như không giống các phim Hollywood lấy bối cảnh Thế chiến thứ 2 khi để nội dung xoay quanh một nhóm lính xe tăng với những cá tính khác biệt và khó trộn lẫn. Tiết tấu của phim cũng chậm rãi như việc di chuyển của thứ vũ khí này nhưng khi đã bùng nổ thì vô cùng dữ dội. David Ayer đã rất xuất sắc trong việc mô tả sự tàn bạo của chiến tranh bằng những hình ảnh chấm phá trong đoạn mở phim, khi chiếc Fury lầm lũi đi trong doanh trại của quân đồng minh. Những xác người chất đống phải dùng máy ủi xuống hố, máu thịt trộn lẫn với bùn đất, những cặp mắt vô hồn xám xịt của đám tù binh đằng sau hàng rào, cơn giận dữ đôi khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Kể từ giây phút đó, tâm lý của các nhân vật chính đã bắt đầu được xây dựng, được triển khai như một động tác dọn đường cho lựa chọn mang tính bước ngoặt ở cuối phim.

“Fury” có nhiều tình huống khiến những người mê văn chương phải nhớ, phải liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết kinh điển “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque. Đó là khung cảnh chiến trường im ắng, vắng lặng mờ trong sương sớm trộn khói súng. Là chiến tranh qua góc nhìn của một tân binh. Là một chút khoảng lặng, vừa đủ lãng mạn nhưng lại rất thực tế qua việc trao đổi những nhu cầu cơ bản nhất của con người. “Fury” cũng có những khoảnh khắc lay động trái tim khán giả, như cuộc tình chóng vánh của tân binh Norman Ellison với cô gái người Đức, cách mà 5 chiến binh thể hiện tình cảm trong chiếc xe tăng chật hẹp…

Không có quá nhiều thông điệp trong bộ phim này. Thứ mà khán giả thấy rõ nhất chính là những bài học đắt giá để tồn tại giữa cuộc chiến, nơi mỗi sai lầm dù nhỏ nhất đều phải trả giá bằng sinh mạng, nhẹ hơn cũng có thể là một bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhân đạo là tự sát. Đúng vậy. Có cần phải xả súng vào xác chết không? Có, vì biết đâu chúng lại bật dậy và găm vào người ta cả vốc kẹo đồng. Việc sống sót được sau mỗi trận đánh là nhờ có quá nhiều kẻ kém may mắn hơn. Chiến tranh là cỗ máy xay thịt khổng lồ và David Ayer là một trong không nhiều người có thể diễn giải hình ảnh này trên màn bạc một cách chân thực nhất.

Chiến tranh là cỗ máy xay thịt khổng lồ và David Ayer là một trong không nhiều người có thể diễn giải hình ảnh này trên màn bạc một cách chân thực nhất.

Trong “Fury”, David Ayer đã làm mờ hẳn khái niệm địch – ta, xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác. Những người lính đơn giản chỉ làm việc họ cần làm mà thôi. Mọi hành động dù là man rợ nhất đều tìm được sự biện minh. Tính triết lý của bộ phim có lẽ nằm ở đó. Không thể lấy bất cứ tiêu chí nào đánh giá nó và khi bước ra khỏi rạp, người xem có lẽ vẫn còn đọng lại trong đầu những câu hỏi chẳng có đáp án về chuyện đúng sai, phải trái. Một thông điệp mang tính ẩn dụ lên án sự phi nghĩa của chiến tranh, nếu David Ayer muốn như vậy.

Các màn hành động trong bộ phim này không nhiều nhưng vẫn tạo được điểm nhấn, đặc biệt là trận chiến giữa 4 chiếc xe tăng trên cánh đồng hoang vắng, có thể coi là độc đáo và ngoạn mục nhất trên màn ảnh rộng từ trước đến nay. Nếu cuộc giao tranh cuối cùng bớt cường điệu về phần hình ảnh mà chặt chẽ hơn, sát phạt hơn thì đã trở thành hoàn hảo. Nhưng bù lại, David Ayer đã có một cảnh kết phim thuộc dạng để đời với ống kính dựng đứng, kéo từ thấp lên cao, đặc tả một hình ảnh vừa thê lương vừa bi tráng, cùng với ánh mắt đầy ắp cảm xúc nhìn qua ô kính của Logan Lerman, lại vẫn gợi nhớ đến “Phía Tây không có gì lạ”…


“Fury” làm tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Tất cả đều tôn vinh diễn xuất của 5 diễn viên chính, đặc biệt là Logan Lerman, Shia La Beouf và Brad Pitt (dù anh có lặp lại bản thân trong “Inglourious Basterds”). Một bộ phim u ám, thô tháp, góc cạnh và không dành cho những người ra rạp với mục đích giải trí. Nhà phê bình James Berardinelli đã viết: “Fury rất đáng nhớ, bởi nó mô tả xuất sắc sự ghê rợn của chiến tranh mà chẳng cần đề cập đến sự suy bại của con người” (như “Platoon” – Trung đội). Không thể chính xác hơn… 

Bài: Hoàng Cương

Ảnh: CGV 

 
logo


From the same category