Cùng với những lời tán dương về một câu chuyện tuyệt vời của tình yêu, đề cao giá trị gia đình bên cạnh những màn rượt đuổi điên rồ của những siêu xe, “Fast and Furious 7″ còn điều gì nữa?
Đẹp Online xin góp thêm các góc nhìn, tạo nên cái nhìn đa chiều về series phim đỉnh cao này qua loạt bài viết:
1. “Fast and Furious 7”: Lời nguyện cầu dành cho Paul Walker
2. “Fast and Furious 7”: Đã mất chất người
“Fast and Furious 7” vượt lên tính thương mại thông thường
Tôi hay gọi “Fast and Furious” là phim “dính ghế” vì sự cuốn hút liên tục từ đầu đến cuối. Ngày ra mắt “Fast and Furious 7” ở Việt Nam, cũng như những lần trước, tôi… uống ít nước, để khỏi phải ra vào rạp giữa xuất chiếu! Đã sở hữu một lượng fan “khủng” trên toàn cầu, nhưng với “Furiuos 7”, tôi cũng như phần lớn khán giả đều tò mò muốn xem Paul Walker sẽ xuất hiện trong “quả bom tấn” cuối cùng của anh như thế nào, và cũng để giã biệt anh lần cuối.
Đây là phần “kinh hồn” nhất trong series về mọi mặt, độ hoành tráng, những màn hành động nghẹt thở đúng nghĩa, tàn phá không tiếc tiền, độ ngông vô bờ bến… đúng như những gì mà Vin Diesel đã cam đoan với khán giả về màn tạm biệt hoành tráng mà ê kíp làm phim muốn dành cho Paul – người anh em đã gắn bó với họ gần 15 năm trong loạt phim.
Khó có thể chấp nhận “Fast and Furious” mà thiếu Paul Walker, nhưng cũng khó mà tưởng tượng nổi hãng Universal lại dám khai tử thương hiệu tỷ đô nếu “chỉ” thiếu Paul Walker. Nhưng cách mà các nhà sản xuất xử lý ca này trong “Furious 7” mới thật đáng nể.
Bỏ thêm hàng chục triệu đô nữa để “khắc phục” thảm hoạ mất Paul Walker, khi anh đã quay được non nửa phim. Quay lại là điều không thể bởi sẽ rất tốn kém, và quan trọng hơn, bộ phim sẽ không còn ý nghĩa trọn vẹn. Quyết định quay tiếp bằng cách mời hai người anh ruột của Paul là Cody và Caleb đóng thế, và quả thật với tiến bộ của kỹ thuật số, người xem sẽ không thể nhận ra bất cứ một sự khác biệt nào, Paul vẫn là Paul.
Suốt phim mọi người đều chờ đợi một phi vụ nào đó để hiện thực hoá cái chết của Paul Walker, một “sắp đặt” nhằm giải quyết cho sự vắng mặt của Paul trong các phần phim về sau (nếu có). Nhưng liên tiếp những tình huống hiểm nghèo nhất trôi qua, Paul đều vượt qua trong đường tơ kẽ tóc. Đến trận tử chiến cuối cùng, khi Paul gọi điện trăn trối với vợ thì người xem chuẩn bị đón nhận cái chết “hợp lý” của Paul.
Nhưng rồi Paul vẫn cứ vượt qua mọi chướng ngại nguy hiểm nhất, và người lâm vào cảnh thập tử nhất sinh ở cuối phim lại là Dom. Một cú lừa khán giả ngoạn mục của các nhà làm phim. Nghĩa là cuối phim Paul vẫn không hề chết! Và sau đó “Furious 7” đã có một cái vĩ thanh bi tráng nhất trong lịch sử điện ảnh: Các nhà làm phim đã tổng hợp lại những giây phút đáng nhớ nhất của Paul trong 6 tập phim trước, qua lời tự sự của Dom thay cho lời chào vĩnh biệt của Paul dành cho khán giả. Cái chết đột ngột tháng 11/2013 của Paul đã khiến anh vĩnh viễn biến mất trên cõi đời, nhưng đối với các fan của “Fast and Furious”, anh là bất tử. Và có lẽ chỉ “Fast and Furious” mới dám xử lý một cái kết thấm đẫm tình chiến hữu, tình gia đình như vậy.
Người hâm mộ sẽ rất thông cảm cho một cái chết “sắp đặt” hợp lý dành cho Paul, nhằm cứu cả một thương hiệu hốt bạc trong tương lai. Nhưng các nhà làm phim đã không xử lý theo cách sặc mùi tiền bạc như vậy. Họ tôn vinh anh bằng những pha hành động hấp dẫn nhất, cho anh xuất hiện trọn vẹn lần cuối theo một cách không thể cảm động hơn… khiến tầm vóc của bộ phim vượt khỏi tính thương mại giải trí thông thường.
Những hụt hẫng không đáng có
Riêng với bản thân tôi thì hơi hụt hẫng một chút với phần 7 ở khía cạnh khác. Kịch bản của “Furiuos 7″ yếu hẳn so với các phần trước, sự kịch tính căng thẳng, sự khó khăn phức tạp trong mỗi tình huống không còn nữa, mà thay vào đó là sự dễ dãi muốn làm gì làm, mọi thứ bày ra chỉ cốt tạo cớ cho các pha hành động. Nhưng nỗi buồn còn lớn hơn, khi các nhà làm phim đã làm mất đi chất “người” của loạt phim “Fast and Furious”, bằng cách biến các người hùng bằng xương bằng thịt trở thành các superhero – một kiểu The Avengers (tập hợp các siêu anh hùng) biết đua xe.
Tinh thần gia đình, tình bằng hữu và sự liều mạng đến mức cực đoan – những đặc tính rất “người” đã làm nên thương hiệu cho “Fast and Furious”. Nhưng nếu biến các nhân vật trở thành các superhero (siêu anh hùng) thì quá lố thật… nó đồng nghĩa với việc làm “mất chất” và huỷ hoại tinh thần của thương hiệu “Fast and Furious” suốt 15 năm qua.
Trong “Furiuos 7″ có cả đống cảnh superhero, nhưng khó chịu nhất là đến hai lần lập lại cảnh hai chiếc xe hơi chủ định lao thẳng vào nhau với vận tốc kinh hồn, rồi từ đống sắt ấy hai kẻ tử thù chui ra đập nhau túi bụi như chưa có gì xảy ra. Chắc phải mời các nhà làm phim “Furious 7” sang Việt Nam mà xem cảnh hai xe đối đầu nhau thì cho ra hậu quả thế nào! Đồng ý phim hành động là phải… xạo, nhưng nói theo kiểu khôi hài như ở miền Nam là “xạo phải có căn” (căn cứ). Và trong suốt 6 tập phim trước, khán giả vô tư thoải mái chấp nhận những chi tiết “xạo thiếu căn” đầy rẫy trong phim, miễn làm hấp dẫn là chấp nhận liền, nhưng như “Furious 7” lần này thì nó đã trở lên quá lố!
Hãng Universal ơi, đạo diễn James Wan ơi, tài tử (kiêm nhà sản xuất) Vin Diesel ơi… “Fast and Furious” được yêu mến suốt 15 qua là nhờ tính “người” đậm đặc trong tất cả loạt phim. Xin đừng biến bất cứ ai trong loạt phim này thành các superhero nữa. Dân ghiền xine của chúng tôi đã có đủ superhero trên màn ảnh rồi, nhiều lắm… ngán lắm rồi!
Bài: Bá Vũ
Ảnh: CGV cung cấp