"Frida" - "Tôi là nàng thơ của chính tôi" - Tạp chí Đẹp

“Frida” – “Tôi là nàng thơ của chính tôi”

Review

Được biết đến với hàng ria mép đặc trưng, đôi lông mày rậm như không có khoảng cách, mái tóc búi cao cài những bông hoa lớn, đôi má đánh phấn hồng thật đậm, Frida Kahlo là nữ họa sĩ Mexico vĩ đại của thế kỷ 20. Bà không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, mà chính bản thân bà, cuộc đời bà cũng là một tác phẩm nghệ thuật khiến người ta không thôi cắt nghĩa, diễn giải, trở đi trở lại. “Frida” của Carla Gutierrez không phải phim tài liệu đầu tiên về Frida, và nhất định cũng không phải là phim tài liệu cuối cùng. Nhưng đây là lần đầu tiên có một bộ phim mà cuộc đời của Frida được kể bằng chính ngôn từ của bà.

Có một và chỉ một Frida

Trong số những tư liệu còn sót lại về Frida Kahlo, có một tấm hình bà mặc vest nam điển trai khi đứng cùng gia đình. Frida đã luôn như thế, một con người bất kham từ khi chỉ là cô bé con theo cha đến nhà thờ nghe thánh lễ và liên tục dồn ép vị linh mục bằng những câu hỏi báng bổ về Đức Mẹ hay Chúa Hài Đồng. Sau này, khi mất đi đứa con với danh họa Diego Rivera, bà gào khóc đòi bác sĩ trao lại cho bà xác bào thai còn chưa tựu hình ấy. Vị bác sĩ không muốn thỏa nguyện cho bà. Riviera liền bảo: “Ông không nói chuyện với một người bình thường đâu. Cô ấy sẽ làm gì đó với nó trong nghệ thuật”.

Frida, luôn quá chói sáng trong cái thế giới nghệ thuật vốn đã đầy gam màu chói lóa, luôn quá táo gan ngay cả trong cái thế giới nghệ thuật toàn những kẻ táo gan, luôn khác người trong cái giới vốn được tạo nên bởi những người thậm-khác-người. Ta đã biết điều đó từ lâu, và bộ phim của Gutierrez chỉ một lần nữa khẳng định điều đó: rằng Frida là một, là riêng, là duy nhất.

Frida, luôn quá chói sáng trong cái thế giới nghệ thuật vốn đã đầy gam màu chói lóa, luôn quá táo gan ngay cả trong cái thế giới nghệ thuật toàn những kẻ táo gan, luôn khác người trong cái giới vốn được tạo nên bởi những người thậm-khác-người.
“Tôi muốn vẽ”

18 tuổi, Frida Kahlo bị một chiếc xe bus cán qua. Tai nạn khiến bà nằm liệt giường suốt nhiều tháng trời. Thứ duy nhất cứu rỗi bà là hội họa. Frida vẽ nỗi đau thể xác của mình, và bà còn vẽ những nỗi đau thể xác đến mãi về sau. Frida viết: “Tôi giờ đây cư ngụ trong thế giới của nỗi đau, trong suốt, như đá lạnh, chẳng còn gì bí ẩn nữa”.

Những hình ảnh lặp đi lặp lại trong hội họa của Frida: những chiếc đầu lâu ôm hoa, những cơ thể bị rạch đôi và cắm trục kim loại bên trong, đinh sắt cắm lên mặt như đàn kiến, thân thể trần truồng nằm trên ga trắng bị băng huyết, cây kéo cắt đứt mạch máu, máu, những vết thương không thể chữa lành trên lưng. Và lần nào cũng vậy, mỗi khi cơ thể nhỏ nhắn cao 1 mét 60, nặng chỉ 45 kí của Frida phải trải qua thêm một cuộc phẫu thuật, một cuộc can thiệp sâu sắc vào cấu trúc, dường như thứ duy nhất khiến bà có thể tiếp tục sống tiếp, đó là vẽ.

“Tôi giờ đây cư ngụ trong thế giới của nỗi đau, trong suốt, như đá lạnh, chẳng còn gì bí ẩn nữa”.

Hình ảnh Frida những năm cuối đời đến dự triển lãm đầu tiên của mình tại Mexico bằng xe cứu thương và được đẩy vào khi đang nằm trên giường bệnh nhân, được chồng bà, Rivera, ví như hình ảnh “một nữ anh hùng”. Ông đã đúng, làm gì còn một hình ảnh nào nhiều sức mạnh hơn thế – hình ảnh một người phụ nữ đã quá đau ốm và yếu nhược đến không thể nhổm dậy, nhưng bất chấp tất cả, không thể bị khuất phục.

Một tình nhân vĩ đại

Những dòng tâm sự của Frida Kahlo được đọc bằng nguyên gốc tiếng Tây Ban Nha qua giọng nữ diễn viên Fernanda Echevarría del Rivero. Ta như nghe được chính hơi thở phập phồng của Frida, với tất cả những khao khát, yêu thương, ghê tởm, đố kỵ, tức giận, run rẩy, hối hận, hạnh phúc qua giọng đọc diễn cảm ấy.

Tác phẩm “Viva la Vida, Watermelons” của Frida Kahlo

Và một con người ngùn ngụt chừng ấy những khối cảm xúc, làm sao bà không yêu đời cho được? “Viva la vida” – muôn năm cuộc đời – những dòng bà viết trên trái dưa hấu mọng nước trong bức tranh cuối cùng của mình, được vẽ trong tình trạng đã sức cùng lực kiệt, theo thời gian đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Muôn năm cuộc đời! Nhưng cuộc đời với Frida là gì? Bà trả lời, là “làm tình, đi tắm, rồi lại làm tình”.

Nhưng cuộc đời với Frida là gì? Bà trả lời, là “làm tình, đi tắm, rồi lại làm tình”.

Frida là một tình nhân đắm đuối. Sau khi chia tay Rivera vì thói trăng hoa của ông, bà có không biết bao nhiêu tình nhân, cả nam lẫn nữ. Ai cũng được bà dành tặng những lời như thể họ là một tình yêu lớn, ai cũng được bà gửi tặng tranh chân dung của chính mình. Nhưng rồi cũng chính người phụ nữ xưng tụng niềm hoan lạc nhục thể lại quyết định tái hôn cùng Rivera, với điều kiện: “không tình dục”. Họ bên nhau hạnh phúc tới khi Frida rời dương thế – cuộc hôn nhân của “voi và chim bồ câu”, như người ta thường so sánh. Đến đây thì Frida không chỉ là một tình nhân đắm đuối, bà còn là một tình nhân vĩ đại của cuộc đời này.

Frida không chỉ là một tình nhân đắm đuối, bà còn là một tình nhân vĩ đại của cuộc đời này.
Làm phụ nữ trong thế giới của đàn ông

Ngay từ khi đứa trẻ Frida hỏi vị linh mục rằng: “Đức Mẹ đồng trinh có thực là một trinh nữ không?” rồi bị đuổi khỏi nhà thờ, ta đã biết bà sẽ không yên phận trong thế giới mà mọi ý niệm đều do đàn ông sắp đặt. Bà đã sống rất lâu trong cái bóng của Diego Rivera, không coi hội họa là một sự nghiệp nghiêm túc. Cho đến khi chia tay Rivera, đến Paris theo lời mời của nhà sáng lập trường phái siêu thực André Breton và nhận ra thế giới nghệ thuật châu Âu giả lả vốn chỉ thuộc về đám đàn ông, thì bà quyết không nhượng bộ.

Frida sẽ không yên phận trong thế giới mà mọi ý niệm đều do đàn ông sắp đặt

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Frida là “Nai bị thương”, vẽ một con nai với gương mặt của Frida, và trên thân mình nó là cả chục mũi tên đâm xuyên thủng. Điều đặc biệt là con nai Frida có sừng, nghĩa là, nó là một con nai đực. Sự nhập nhằng giới tính ở Frida mãi là một sự khiêu khích với thế giới đàn ông.

“Tôi là nàng thơ của chính tôi, tôi là chủ đề tôi thấu hiểu nhất. Chủ đề mà tôi còn muốn thấu hiểu hơn nữa”

Nhưng có cần gọi Frida là một nhà nữ quyền không? Chắc chắn là không. Bà cũng chẳng cần được gọi như thế. “Tôi là nàng thơ của chính tôi, tôi là chủ đề tôi thấu hiểu nhất. Chủ đề mà tôi còn muốn thấu hiểu hơn nữa”, Frida bảo. Frida cần gì được dán nhãn cho bất cứ danh hiệu nào, dù là “nhà siêu thực”, “nhà nữ quyền”, hay nhà gì cũng vậy. Bà là Frida Kahlo, như thế chưa đủ ư?

“Frida”

Thể loại: Phim tài liệu
Đạo diễn: Carla Gutierrez
Giải thưởng “Biên tập phim Tài liệu Hoa Kỳ Jonathan Oppenheim” tại LHP Sundance 2024

Tác giả: Hiền Trang

16/08/2024, 07:00