Food stylist: Nghề làm đẹp cho món ăn

Năm 2013, những food stylist tại Mỹ có thể kiếm thu nhập hơn 40.000 đôla/năm (khoảng 840 triệu đồng, theo khảo sát của website payscale.com). Tại Việt Nam, công việc tạo dáng cho thức ăn chưa có trường lớp quy củ, nhưng nếu có niềm đam mê sáng tạo thức ăn và tài trang trí khéo léo, bạn có thể kiếm thu nhập tốt với nghề này.

 

Nghề hái ra tiền

Nhiệm vụ của một food stylist là phối hợp ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt các nguyên liệu, hóa chất để cho ra món ăn hấp dẫn trong các buổi chụp hình quảng cáo, thu hình cho các chương trình dạy nấu ăn trên ti-vi. Áp lực lớn nhất với nghề này là tạo được món ăn nhìn thật bắt mắt và lung linh trên ảnh, phim. Theo anh Nguyễn Đăng Phương, một trong những food stylist từng góp phần vào clip quảng cáo thực phẩm, khả năng kiếm tiền của một food stylist rất cao. Thù lao của họ có thể đạt mức 3.000 đôla Mỹ/ngày, hoặc 200-500 đôla Mỹ/ảnh.

Làm sao để trở thành food stylist?

Nếu đã có kiến thức, kinh nghiệm làm bếp, bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi khi rẽ sang làm food stylist. Song nếu là một người tay ngang, bạn vẫn có cơ hội thành công nếu chịu khó mày mò. Nguyễn Đăng Phương bén duyên với nghề food stylist nhờ thích đọc sách báo về ẩm thực và có cơ hội cộng tác với chuyên mục hướng dẫn nấu ăn trên các tạp chí.

Kiến thức về đặc tính hóa học

Một food stylist chuyên nghiệp không thể đặt các món ăn có tính chất hóa học tương phản nhau trên cùng bàn ăn, ví dụ chuối với mật ong. Do đó, ngoài kiến thức nền về ẩm thực, bạn cần tham khảo các đặc tính hóa học của mỗi loại nguyên liệu (chứa chất gì, ăn nhiều sẽ ra sao, kết hợp với nguyên liệu nào thì ổn) để có cách bố trí phù hợp.

Óc thẩm mỹ

Food stylist có những yêu cầu gần giống với công việc của một nhà thiết kế thời trang. Bạn cần có óc thẩm mỹ để hình dung trước món ăn sẽ lên ảnh ra sao. Món xà-lách khai vị không thể có một màu xanh, món nhiều chất béo cần thêm rau củ, phụ kiện để tạo điểm nhấn bắt mắt. Việc chọn bát đĩa thích hợp để bài trí món ăn cũng đòi hỏi con mắt tinh tế của người làm nghề.

Nghề food stylist đòi hỏi cả năng khiếu và óc thẩm mỹ

Bộ đồ nghề

Mỗi food stylist phải có một bộ dụng cụ “trang điểm” là những vật dụng có khi chẳng liên quan đến ăn uống như chai màu hóa học, nhíp nhổ tóc, vài con dao, bông ráy tai… Những vật dụng này góp phần đắc lực trong trải nghiệm sáng tạo của bạn.

Website tham khảo về food stylist

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về nghề food stylist trên facebook.com/VietnamFoodStylist và các website foodportfolio.com, culinaryschools.com/being-a-food-stylist, food52.com/blog/2766-food-styling-101…

Theo TGVH


From the same category