Ngon như là trái táo chín
Thơm như vườn hoa kín
Mong manh như dây tơ chìm
Nhẹ êm như là mây tím.
Bài hát quen thuộc “Tình cho không biếu không” được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời từ bản “L’amour c’est pour rien” của Adamo. Ngay từ câu đầu, tình yêu đã được ví như vị ngon của trái táo chín. Năm 2005, một trái táo được trình làng và có thể so sánh ngược: hấp dẫn và hồi hộp không kém tình yêu!
Ghi âm lại album vì bị “rò rỉ”
Internet, kho tàng khổng lồ nếu biết cách khai thác nhưng cũng là cơn ác mộng của nhiều người trong đó có giới nghệ sĩ. Hình ảnh bậy bạ, tin đồn nhảm nhưng trên hết là các album nhạc được chia sẻ miễn phí khiến doanh thu bán đĩa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều ca sĩ chấp nhận “sống chung với lũ” và tìm cách xây đê chống lũ…
Album thứ 3 của Fiona Apple lên kế hoạch phát hành vào tháng 10, nhưng các bản nhạc trong album này đã bị lọt ra ngoài và tung tẩy trên Internet từ trước đó khá lâu. Thoạt đầu, chỉ có 2 bài bị rò rỉ nhưng cuối cùng có đến 11 bài xuất hiện trên Internet. Dự định sẽ mang tên “Extraordinary machine”, đây là album đầu tiên của cô ca sĩ từng đoạt Grammy sau 6 năm vắng bóng. Vì vậy, đĩa nhạc này được theo dõi và chờ đợi nhất trong giai đoạn trước Giáng sinh, lúc các album được tung ra ồ ạt để đón kỳ nghỉ cuối năm.
Để đối phó, Fiona và hãng đĩa Epic phải “làm lại” đến 9 bài hát trong 12 bài ở album mới, thêm vào 1 sáng tác mới toanh (Parting gift) và chấp nhận 2 bài đã bị lọt ra ngoài. Tìm cách thu hút sự chú ý của fan, hãng Epic còn làm lại website của Fiona, trên đó có thể nghe bài “Parting gift” và “O’ sailor” vừa mới ghi âm lại. “O’ sailor” dự tính được phát hành thành đĩa đơn còn cửa hàng nhạc trực tuyến Tunes của hãng Apple bán cả 2 ca khúc này với giá khuyến mãi đặc biệt 1,98USD.
Mike Elizondo, chịu trách nhiệm sản xuất album, tiết lộ các bài hát mới ghi âm lại sẽ hoàn toàn khác với bản lọt ra trước đó, vốn được Fiona làm việc với nhà sản xuất Jon Brion. Mike đã nghe qua các version cũ nhưng bài được dựng mới từ đầu chí cuối mà không hề tham khảo đến bản cũ. Chưa hẳn đây là một chiêu tốt bởi các version cũ nhận được những đánh giá khá tích cực từ giới phê bình. Mặt khác, version cũ của album không được truyền bá rộng rãi trên mạng như đĩa “The grey album” (trộn lẫn nhạc của Beatles và Jay-Z). Đối với nhiều người, sự phản ứng khá lạnh nhạt của số đông công chúng với version cũ cho thấy album cần phải trau chuốt thêm.
Hãng Epic đang rất nóng lòng phát hành album mới của Fiona Apple, người bước vào làng nhạc năm 96 với album “Tidal” (bán được 2,7 triệu bản). Album thứ 2, “When the pawn” năm 1999, bán được 920.000 bản. Nhà sản xuất cũ là Jon Brion tuyên bố với kênh MTV rằng album đã được hoàn tất từ tháng 5/2003 và hãng đĩa đã hoãn lại việc phát hành. Fan hâm mộ nhao nhao phản đối trên mạng, đòi phải được nghe album mới. Đến mức, trang web tên FreeFiona.com được thành lập, tập hợp chữ ký của 21.325 fan (tính đến ngày 22/1/2005, in ra dày hơn 1 tấc) để “kiến nghị” hãng Epic phải tung ra album này.
Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi fan gửi bất cứ thứ gì liên quan đến trái táo (tức Apple), ví dụ như trái táo giả, ảnh một trái táo, miếng giấy có dán mảnh sticker hình trái táo, thậm chí bánh táo kèm theo lời yêu cầu “Free Fiona” (Giải thoát Fiona), địa chỉ người nhận là Andrew Jack, chủ tịch của Sony Music (công ty mẹ của hãng Epic)! Trên khắp nước Mỹ, chiến dịch Free Fiona này là lập các hộp thu thập chữ ký, ý kiến tại các trường đại học, các mảnh giấy ghi ý kiến sẽ được nhét vào các quả táo nhựa và gửi đến trụ sở của Sony Music.
Tình huống của Fiona Apple hiện nay tương tự với Dave Matthews Band 4 năm trước. Vài tuần sau khi phát hành album “Everyday” được sản xuất bởi Glen Ballard, Dave Matthew Band phát hiện ra một album tương tự được họ ghi âm trước đó (và đã loại bỏ) trao đổi nhộn nhịp trên mạng. Version cũ của album được thực hiện bởi nhà sản xuất từng làm việc lâu năm với nhóm là Steve Lillywhite, một số nhà phê bình và fan đã cho version cũ này hay và đúng chất hơn version của Glen Ballard. “Everyday” bán được 3,6 triệu bản, nhưng trước yêu cầu và cơ hội hiếm có, nhóm đã chỉnh sửa lại nhiều ca khúc ghi âm cùng với Steve Lillywhite, phát hành thành album mang tên “Busted stuff” vào năm 2002. Album tưởng chừng bỏ đi này bán được 1,9 triệu bản!
Cỗ máy phi thường có gì lạ thường?
Lối sống của Fiona Apple khá khác thường, không giống một ngôi sao nhạc pop. Cô không có điện thoại di động, không hề sở hữu hay lái chiếc xe hơi nào. Hai trong 6 năm vắng bóng trên kệ đĩa mới, Fiona sống trong một căn nhà mà vật trang trí duy nhất là mấy cái gối màu xanh có hình con chó, một chiếc giường đôi kiêm chức năng ghế, một cái TV gắn sẵn đầu chiếu băng video nhưng không hề nối với ăng-ten và một máy nghe nhạc xách tay.
Sau khi chia tay với đạo diễn Paul Thomas Anderson năm 2001, Fiona đến sống tại Venice, một thị trấn vùng biển ở phía tây Los Angeles, bang California.
Khác với tính cách khép kín của Fiona, những đĩa nhạc của cô gắn với các sự kiện mà ai cũng phải nghĩ đó là chiêu thức PR. Album thứ 2 của Fiona cũng từng phải hoãn nhiều tháng vì hãng đĩa cho “quá thiên về nghệ thuật, thiếu sức hấp dẫn công chúng, thiếu tính thương mại”. Cuối cùng, album này được ghi vào sách kỷ lục Guiness ở mục “tên đĩa nhạc dài nhất” nhờ cái tựa dài khủng khiếp: “When the Pawn Hits the Conflicts He Thinks Like a King What He Knows Throws the Blows When He Goes to the Fight and He’ll Win the Whole Thing ‘Fore He Enters the Ring There’s No Body to Batter When Your Mind Is Your Might So When You Go Solo, You Hold Your Own Hand and Remember That Depth Is the Greatest of Heights and if You Know Where You Stand, Then You Know Where to Land and if You Fall It Won’t Matter, ‘Cuz You’ll Know That You’re Right”, gọi tắt là “When the pawn”.
Việc album thứ 3 bị rò rỉ cùng với trang web Free Fiona gây sự chú ý của công chúng đủ mang lại sự tự tin cho Fiona và niềm hy vọng cho hãng Epic là sẽ bù đắp được 800.000 USD đã chi cho dự án này. Album được phát hành ngày 4/10/2005 và xếp hạng 7 trong top Billboard ở tuần lễ đầu tiên, vị trí cao nhất mà Fiona đạt được. Album đầu Tidal xếp hạng 15 vào tháng 8/1997 còn “When the pawn” hạng 13 vào tháng 11/1999.
Hai track nhạc của version cũ được giữ lại là bài mở đầu trùng với tên album và bài Waltz (Better Than Fine) kết lại đĩa. Ở 2 bản nhạc này, Jon Brion đã “nâng cấp” được sáng tác của Fiona chứ không nhấn chìm giọng hát Fiona trong dòng âm thanh quá trau chuốt như ở các ca khúc khác. Mike Elizondo, nhà sản xuất mới của đĩa vốn nổi danh qua việc cộng tác với các rapper như Eminem và 50 Cent cũng từng làm việc với các giọng hát nữ như Sheryl Crow, Gwen Stefani, Avril Lavigne… Qua tài chế biến của Mike, album tươi sáng, xuyên suốt và dễ tiếp cận hơn so với version cũ của Jon Brion. Hoà âm bén hơn, đồng thời vẫn khơi gợi trí tưởng tượng của người yêu nhạc sau mỗi lần nghe.
“Get him back”, “Better version of me”, “Window”… sẽ khiến người nghe phải “đầu tư” thời gian quay lại với album bởi mỗi lần nghe dường như vẫn chưa đủ, vẫn chưa phát hiện được hết về bài hát. Một đĩa nhạc đầy cá tính và khác biệt so với vô số đĩa nhạc khác đang xếp đầy trên kệ đĩa. Cả hai bản mới và cũ của album đều có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet nhưng với một album như “Extraordinary machine” xứng đáng bỏ ra một khoản tiền để mua đĩa gốc. Suy cho cùng, đây không phải là đĩa nhạc nghe một lần rồi bỏ./.