Bức xúc
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, chị S.Nguyễn, một chủ cửa hàng cho hay, khi tạo quảng cáo trên Facebook, chị chọn Việt Nam, song rất ngạc nhiên là vùng khoanh vị trí không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tò mò, chị chọn thử Trung Quốc thì thấy rất rõ hai quần đảo này được Facebook khoanh vùng vào lãnh thổ nước này.
“Tôi thực sự sốc vì bản đồ của Facebook nên đã tạm tời dừng tạo quảng cáo trên mạng xã hội này, dù biết, việc này sẽ khiến quá trình đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng gặp khó khăn,” chị S.Nguyễn nói.
Một số chủ cửa hàng khác cũng có hành động tương tự với chị S.Nguyễn và cho rằng dù có bị thiệt hại trong kinh doanh còn hơn việc “ủng hộ” cho sự sai trái của Facebook trong việc xác định ranh giới địa lý nói trên.
Trong khi đó, có ý kiến bày tỏ băn khoăn không hiểu sao Facebook lại có thể xác định vị trí của hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Bởi lẽ nếu xét về góc độ kinh doanh, cư dân trên hai quần đảo này cũng không thuộc đối tượng khách hàng mà nhiều chủ cửa hàng mong đợi…
Vào năm 2016, một ông lớn công nghệ khác là Google cũng đã có sự nhầm lẫn tương tự. Tuy nhiên, sau đó, Google đã sửa lại bản đồ khi gặp phải sự phản ứng của cộng đồng cũng như giới khoa học.
Trách nhiệm trước lịch sử
Hiện, chưa thấy Facebook phản ứng về vấn đề này và theo quan sát của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus vào đầu giờ chiều ngày 1/7, hiện trạng bản đồ trên vẫn giữ nguyên.
Hẳn nhiên, là người Việt, từ lúc lọt lòng, ai cũng hiểu Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy, Việt Nam có chủ quyền tại hai quần đảo này. Thậm chí, Việt Nam còn có khoảng 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy quốc gia này không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha.
Ở một góc độ khác, vào đầu năm 2018, nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, có khoảng 70% dân số ở Việt Nam sử dụng Internet và 53 triệu người sử dụng mạng xã hội, mạng Facebook… Trong khi đó, số liệu của Facebook vào giữa năm 2017 chỉ ra rằng, Việt Nam là thị trường “đông dân” thứ 7 của hãng trên thế giới.
Nhấn mạnh Việt Nam là thị trường quan trọng của Facebook, nhưng có lẽ mạng xã hội này chưa thực sự coi trọng thị trường này. Bằng chứng cho thấy, đơn vị này chưa thực sự quyết liệt trong việc hợp tác với nhà chức trách Việt Nam mạnh tay xử lý tài khoản giả mạo, có hoạt động gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực…
Và, với việc bản đồ của Facebook “gộp” Hoàng Sa, Trường Sa vào Trung Quốc đang gây phản ứng mạnh mẽ với người dùng, một lần nữa hãng cho thấy sự quan tâm hay thờ ơ với thị trường này.
Nhưng, bỏ qua những yếu tố kinh doanh, thì có lẽ Facebook cần phải nghiêm túc và thể hiện trách nhiệm hơn với lịch sử vốn là thứ không thể thay đổi cũng như luật pháp quốc tế…