Hôm 10/7, Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN đã trả lời phỏng vấn của VietnamNet về vấn đề này.
– Nhiều ý kiến cho rằng, EVN đang chiếm phần lớn số lượng nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Vậy xin ông cho biết rõ, thị phần của EVN trong thị này như thế nào ?
– Ông Dương Quang Thành: Theo kế hoạch, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 01/7/2012 sẽ có 29/83 nhà máy điện (NMĐ) thuộc 22 công ty phát điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt là 9.035MW, chiếm 38,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Trong số này, chúng tôi có sở hữu vốn tại 18 NMĐ với tổng công suất 8.073 MW, chiếm 34,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Cụ thể, 5 NMĐ EVN sở hữu 100% vốn với công suất đặt là 3.894 MW, 8 NMĐ EVN cổ phần chi phối với công suất đặt là 2.585 MW; 5 NMĐ EVN có cổ phần không chi phối với công suất đặt là 1.594 MW.
Đối với các Nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (Sơn La, Hoà Bình, Ialy…) không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội (chống lũ, tưới tiêu…). Các NMĐ khác Bộ Công Thương sẽ cho phép tham gia TTĐ khi các điều kiện thương mại và kỹ thuật được đáp ứng.
Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN
– Trong thời gian giao dịch thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm 1 năm qua, kể từ 1/7/2011, các mức giá chào thường dao động như thế nào, thưa ông?
– Theo quy định bởi Cục Điều tiết Điện lực, các nhà máy điện được phép chào giá từ giá sàn (bằng 0đ/kWh) đến giá trần được phê duyệt.
Tuy nhiên, quá trình vận hành thí điểm vừa qua chỉ nhằm mục đích kiểm nghiệm, đánh giá mức đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn bản pháp lý và rèn kỹ năng cho các nhà máy nên không thanh toán thực, do đó, chúng tôi chưa có ghi nhận cụ thể về số liệu về giá huy động thực tế của thị trường trên cơ sở các bản chào của các nhà máy.
Nhiều người vẫn lo ngại Tập đoàn EVN còn đang nắm giữ các khâu then chốt như trung tâm điều độ hệ thống điện, nhiều nguồn lớn, công ty mua bán điện, truyền tải… nên thị trường phát điện sắp tới sẽ khó cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Cơ cấu thị trường điện hiện nay do Chính phủ quyết định, dựa trên chiến lược từng bước đưa cạnh tranh vào khâu phát điện vừa đảm bảo tính ổn định, chắc chắn trong quá trình chuyển đổi.
EVN vẫn đang nắm giữ hầu hết các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh điện (ảnh: theo Hanoipc)
Theo quy định thị trường điện hiện nay thì chúng tôi khẳng định, EVN không thể có ảnh hưởng hoặc tác động đến kết quả thị trường điện được. Cụ thể vì 3 lý do, thứ nhất, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia – A0 tuy là đơn vị trực thuộc EVN nhưng phải vận hành thị trường điện tuân thủ theo đúng các quy định của thị trường và chịu sự giám sát trực tiếp của Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Điều tiết Điện lực, đồng thời cũng phải chịu sự giám sát của các Nhà máy điện tham gia thị trường.
Thứ hai là công ty Mua bán điện hiện nay không trực tiếp tham gia thị trường mà chỉ làm nhiệm vụ thanh toán theo kết quả của thị trường nên vai trò là thụ động.
Thứ ba là các nhà máy điện của EVN là các công ty cổ phần và TNHH MTV có thị phần không chiếm đa số và hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp.
– Đến nay, việc chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được triển khai mô hình ra sao?
– Đây là công việc đang được chuẩn bị bởi Cục Điều tiết Điện lực. Hiện nay Cục Điều tiết Điện lực đang phối hợp với Tư vấn nước ngoài thực hiện dự án Thiết kế thị trường điện bán buôn (conceptual market design).
– Liên quan đến vai trò của EVN trong thị trường điện là đề án tái cơ cấu Tập đoàn. Hiện đề án đã trình Chính phủ, dự kiến bao giờ EVN mới thực hiện?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã xây dựng và trình Đề án sắp xếp, tái cấu trúc EVN đến năm 2015 từ tháng 3/2012 và đã được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trong tháng 6/2012.
Trong đó, chúng tôi đã đề ra 3 nội dung chính về tái cơ cấu Tập đoàn và đang tiến hành thực hiện. Cụ thể, đối với vấn đề ngành nghề, chúng tôi xác định tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư phát triển theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành.
Đến nay, trong lĩnh vực viễn thông công cộng, chúng tôi đã thực hiện bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông quân đội quản lý theo quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, Hội đồng thành viên EVN đã có các Nghị quyết về chủ trương chuyển nhượng cổ phần của EVN tại các lính vực này. Tập đoàn đã tiến hành xây dựng lộ trình và đang nỗ lực tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng cổ phần, kiên quyết phấn đấu đến năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.
Đối với vấn đề sở hữu, chúng tôi tiếp tục công tác cổ phần hoá, xem xét báo cáo Chính phủ cho bán tiếp cổ phần Tập đoàn đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hóa mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Nguồn vốn thu được sẽ tập trung cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
Việc thành lập các Tổng công ty phát điện vừa qua trước mắt là trực thuộc EVN, sau đó, sẽ tách khỏi EVN và tiến hành cổ phần hoá vào thời điểm thích hợp phục vụ cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh theo lộ trình của Chính phủ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động điều hành sản xuất – kinh doanh.
Theo Vietnamnet