EVN không tính đến thảm họa - Tạp chí Đẹp

EVN không tính đến thảm họa

Tin Tức

Sáng 28-9, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng các nhà khoa học, các đơn vị liên quan đã tổ chức buổi họp báo giải thích các vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2.

Tiến sĩ Lê Huy Minh (Viện Vật lý địa cầu): “Có thể nói kết luận “không có động đất kích thích” ở thủy điện Sông Tranh 2 là không có cơ sở nào cả, họ chỉ tham khảo kinh nghiệm thế giới. Việc trích dẫn kinh nghiệm thế giới để áp dụng vào trường hợp Sông Tranh 2 là sai vì điều kiện địa chất khác nhau” – Ảnh: T.V. 

Mở đầu cuộc họp báo, phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước Nguyễn Văn Liên đọc thông cáo báo chí, khẳng định kết quả xử lý chống thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2 giảm 99,9% (từ 26,6 lít/giây còn 0,02 lít/giây). Đánh giá về an toàn đập, ông Liên cho rằng hồ sơ thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2 tuân thủ các quy định hiện hành. Riêng về kháng chấn, ở giai đoạn lập dự án, Viện Vật lý địa cầu có nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của động đất, kết luận động đất cực đại là cấp 7 (MSK-64), gia tốc nền cực đại là amax -150cm/s2.

* Tuổi Trẻ: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 thực hiện khẳng định “khi tích nước đập không gây động đất kích thích, không rủi ro cho môi trường” nhưng thực tế ngược lại. Phải giải thích chuyện này thế nào?

– Ông Nguyễn Tài Sơn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1): Ở nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về động đất kích thích, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi có đưa ý kiến của tiến sĩ Lê Trần Chấn trích dẫn từ kinh nghiệm quốc tế. Trong một cuộc họp, anh Chấn có nói các ý kiến đó không phải là của anh Chấn. Tôi cũng nói lại các khuyến cáo này là của UNESCO về vấn đề đánh giá tác động của động đất kích thích do các hồ chứa. Khi tích nước, tại Sông Tranh 2 xảy ra một số trận động đất kích thích, chúng tôi cảm thấy vấn đề này cần nghiên cứu thêm. Về nguyên lý thì động đất kích thích không thể vượt qua động đất cực đại mà chúng ta dùng trong thiết kế.

* Tuổi Trẻ: Từ cơ sở nào mà trước đây các ông lại khẳng định “không gây động đất kích thích” khi tích nước?

– Bây giờ chúng tôi thừa nhận sai sót khi kết luận như vậy. Cái này là trình độ đấy! Chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa có thì phải mượn của thế giới về dùng. Anh Chấn nêu các tiêu chí, chúng tôi trích dẫn lại, nhưng do cách viết gây hiểu nhầm là lấy lại của anh Chấn nhưng thực tế không phải.

* Tuổi Trẻ: Tại sao các báo cáo tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 và A Vương đều có một số điểm na ná nhau? Hầu hết rất ngắn, đây có phải là quá sơ sài và có hay không việc copy khi lập báo cáo?

– Các tiêu chí đánh giá thì giống nhau, cũng như tiêu chuẩn thiết kế vậy. Chúng tôi lấy các tiêu chí từ UNESCO. Chúng ta chưa có kinh nghiệm, phải áp dụng các tiêu chí quốc tế nên các công trình cũng có hàng loạt tiêu chí giống nhau. Không thể nói chúng tôi khảo sát sơ sài mà do trình độ, trí tuệ lúc đấy. Chẳng hạn ngày xưa khảo sát không có đứt gãy, nay thì có, thế nhưng ảnh hưởng của đứt gãy như thế nào thì thuộc về việc nhận định và đánh giá. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về cái này.

* Tuổi Trẻ: Viện Vật lý địa cầu có tư vấn cho đơn vị thiết kế về động đất kích thích ở Sông Tranh 2? Việc đơn vị tư vấn thiết kế nói “không có động đất kích thích” ở Sông Tranh 2 là trích dẫn từ Viện Vật lý địa cầu, có đúng như vậy không?

– Tiến sĩ Lê Huy Minh (Viện Vật lý địa cầu): Động đất kích thích ở VN chưa được chú ý nghiên cứu một cách bài bản, trừ hai thủy điện Hòa Bình và Sơn La có dung tích hồ chứa nước lớn nên được đặt vấn đề nghiên cứu ngay từ ban đầu. Tại hai thủy điện này, trước khi tích nước hồ, Viện Vật lý địa cầu đã đặt máy và theo dõi động đất kích thích cho đến khi hết động đất. Chúng tôi chưa có một tư vấn nào về động đất kích thích cho đơn vị tư vấn mà chỉ đề cập đến động đất thông thường.

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sông Tranh 2, chúng tôi không có trách nhiệm gì cả. Chúng tôi không được hỏi về những cái đấy. Có thể nói kết luận “không có động đất kích thích” là không có cơ sở nào cả, họ chỉ tham khảo các kinh nghiệm trên thế giới. Cần nói lại với báo chí rằng viện chỉ nghiên cứu tư vấn về động đất cực đại. Việc trích dẫn kinh nghiệm của UNESCO áp dụng trong trường hợp Sông Tranh 2 là sai vì điều kiện địa chất ở mỗi nước có khác nhau.

Ông Nguyễn Tài Sơn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1): “Bây giờ chúng tôi thừa nhận sai sót khi kết luận hồ thủy điện Sông Tranh 2 không gây động đất kích thích khi tích nước. Chúng ta chưa có kinh nghiệm. Chưa có thì phải mượn thế giới về dùng” -Ảnh: T.VŨ

* Phụ Nữ TP.HCM: Sau khi động đất xảy ra làm nhà dân rung nứt, chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù không? EVN có kịch bản ứng phó thảm họa khi vỡ đập cho vùng hạ du chưa?

– Ông Trần Văn Được (phó tổng giám đốc EVN): Theo các chuyên gia thì đập vẫn chịu được động đất cấp 9. Vì vậy việc sơ tán dân vùng hạ du chúng tôi không đề cập. Chúng tôi nghĩ không bao giờ xảy ra chuyện này hết. Còn việc đền bù, hỗ trợ chúng tôi sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương để làm điều đó.

* Tuổi Trẻ: Có phải vì lợi ích kinh tế mà không thiết kế cửa xả đáy cho thủy điện Sông Tranh 2 không?

– Ông Nguyễn Tài Sơn: Cửa xả đáy phải đặt ở dưới sâu, mà dưới sâu thì rất nguy hiểm cho đập vì áp lực nước lớn nên dễ bị phá hủy. Do đó nếu có cửa xả đáy thì phải đặt trên mực nước chết, nếu đặt dưới thì bùn đất bồi lấp. Hơn nữa, nếu có cửa xả đáy thì dung tích của thủy điện Sông Tranh 2 chỉ còn lại 250 triệu m3 nước. Còn như hiện tại chúng ta được 450 triệu m3 nước.

* Ông Trần Xuân Vinh (phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam):

Chưa hoàn thành hết trách nhiệm với dân

Lần này họp báo rất nhiều thông tin mà người dân quan tâm, tuy nhiên đây là các đơn vị quản lý ngành. Cần phải có chuyên gia nước ngoài và những người phản biện độc lập vào cuộc. Có vậy người dân mới tin tưởng và yên tâm. Nói không cần phương án ứng phó thảm họa là chưa hoàn thành hết trách nhiệm với dân. Tôi biết chính quyền tỉnh cũng đang tự làm cho mình phương án di dân ở vùng hạ du khi có thảm họa.

* Ông Đào Bội Thuyên (chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức):

Tôi không đồng tình!

Là người dự suốt cuộc họp báo, nghe ông Trần Văn Được – phó tổng giám đốc EVN – nói việc thủy điện đã an toàn nên không cần phương án sơ tán dân cho vùng hạ du thì tôi không đồng tình. Dù an toàn cỡ nào cũng phải có phương án ứng phó. Thiên tai làm sao biết được. Tôi sẽ chính thức đề nghị chính quyền tỉnh phải gấp rút xây dựng phương án cho việc này.

* Ông Lê Trí Tập (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):

Trả lời thế dân nghe sao được

Dù không được mời tham dự nhưng tôi theo dõi rất sát những diễn biến của thủy điện Sông Tranh 2, tôi cũng đã xem VTV đưa tin về cuộc họp báo. Mấy vị trả lời thế dân nghe sao được. Nói như vậy thì dân đã không tin lại càng không tin nữa. Bên tư vấn cho rằng vào thời điểm khảo sát để xây dựng thủy điện (năm 2005) nhân lực và trình độ còn yếu nên phải tham khảo tài liệu của tác giả Lê Trần Chấn, mà tác giả Lê Trần Chấn lại đi tham khảo ở nước ngoài. Vậy thì chết rồi. Nếu yếu thì phải thuê tư vấn, khảo sát nước ngoài. Bây giờ công trình làm xong rồi, rút kinh nghiệm thì làm gì nữa?

Cho dù bây giờ Chính phủ chỉ đạo chưa cho tích nước nhưng trên thực tế hồ Sông Tranh 2 vẫn bị tích nước cho đến cao trình 161 (cửa xả tràn) mới không tự tích nữa. Với cột nước đó, hiển nhiên trong lòng hồ đã chứa đến 468 triệu m3 nước và EVN vẫn vô tư phát điện…

Nếu điều gì không hay xảy ra với đập Sông Tranh 2, tôi e rằng sẽ vô phương cứu chữa. Còn nói chuyện vì sao Sông Tranh 2 không thiết kế cửa xả đáy, tôi cho rằng chẳng qua vì lợi ích của EVN nên họ không đưa hạng mục này vào.

Nguyên tắc một dự án thủy điện nào cũng phải có cửa xả đáy bởi nó đảm nhiệm hai nhiệm vụ: cấp nước để nuôi dưỡng dòng sông bên dưới chân đập không bị chết khô sau khi ngăn đập, cái quan trọng hơn cả trong trường hợp sự cố thì người ta vẫn tháo được nước trong lòng hồ ra để xử lý. Đằng này do không có cửa xả, việc khắc phục xử lý chống thấm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Tuổi trẻ

 

Thực hiện: depweb

29/09/2012, 08:30