"Evil does not exist": Khi công lý thuộc về thiên nhiên - Tạp chí Đẹp

“Evil does not exist”: Khi công lý thuộc về thiên nhiên

Review

Một sáng mùa đông âm u, những tán lá kim ken đặc in trên nền trời ảm đạm. Bộ phim mới nhất của đạo diễn Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi đã bắt đầu với một cảnh phim dài như thế. Máy quay hắt từ dưới lên, trong khi vẫn lăn đều về phía trước. Cú máy tĩnh tại ấy như gợi ý về một miền đất vĩnh cửu, muôn đời đã vậy và vẫn vậy. Và đó là cách giới thiệu không thể đẹp hơn cho ngôi làng tưởng tượng Mizubiki, nơi những cư dân đã bình yên sống bao lâu, cho đến một ngày những nhà phát triển bất động sản tới với tham vọng xây dựng một khu cắm trại cao cấp.

Hương vị bát mì udon

Điều gì sẽ xảy ra khi thiên nhiên biến đổi? Người Mỹ khi làm phim về đề tài ấy thường tưởng tượng ra những đại thảm họa, những tình huống đòi hỏi con người phải sống sót và chiến đấu. Nhưng người Nhật thì khác. Họ luôn có cách kể một câu chuyện lớn bằng những câu chuyện nhỏ nhất, tầm thường nhất, ví dụ như câu chuyện về hương vị một bát mì udon.

Việc xây dựng một khu cắm trại sẽ giúp ngôi làng này phát triển du lịch. Cửa hàng bán udon sẽ có nhiều khách hơn. Chủ tiệm sẽ giàu có hơn. Như vậy chưa đủ hay sao? Vậy mà họ lại phàn nàn việc khu cắm trại với hệ thống lọc nước thải sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tinh nguyên từ trên núi chảy xuống, khiến bát udon không còn ngon như trước nữa, như thể đó là chuyện quan trọng lắm vậy. Không cần tỏ ra nguy hiểm hay đao to búa lớn, Hamaguchi kể về môi trường – cái chủ đề thường bị nâng tầm quan điểm – theo cách không thể đơn thuần hơn, nhưng chính vì thế, mà không thể tự nhiên hơn.

Tuổi thơ không tạp nhiễm

Nhân vật chính của bộ phim là Takumi, một ông bố đơn thân có một cô con gái nhỏ. Hai cha con vốn có một cuộc sống rất êm đềm. Người cha bổ củi, múc nước. Ngày ngày cả hai dạo bộ trong rừng, cha dạy cho con về những loài thú hoang, về tập tính của hươu nai, về tên các loài thực vật. Hình ảnh cha cõng con đi qua những con đường tuyết phủ, ánh nắng vàng miên man, những khung hình thiên nhiên tĩnh lặng: một vũng nước nhỏ giữa tuyết mênh mông, soi bóng những ngọn cây, một con hươu đứng khuất sau tàng cây, những vết chân trên tuyết. Mọi thứ tuyệt đẹp tựa như những bài thơ haiku nối tiếp nhau.

Một trong những cảnh thật đẹp ở đầu phim là khi người cha đi đón con ở lớp học và thấy lũ trẻ đang chơi trò “Một, hai, ba” – lý do khiến cho mỗi đứa đều đang đứng im ở những tư thế quái đản. Sau đó là một cú máy với điểm nhìn từ ô tô của người cha. Chiếc ô tô rời đi, ngày một xa khỏi sân chơi, sân chơi nhỏ dần rồi biến mất, những đứa trẻ cũng mất hút ở khúc cua. Tất cả như điềm báo về đoạn sau của phim, khi vẻ đẹp không tạp nhiễm của miền đất này có nguy cơ biến mất và xa khỏi tầm với.

Ai là quỷ dữ?

Tựa đề của bộ phim nghĩa là “quỷ dữ không tồn tại”.

Trạng thái tĩnh ấy của bộ phim bị phá vỡ vào khoảng giữa, khi một cuộc họp kéo dài 20 phút diễn ra giữa những người đại diện của công ty trúng thầu dự án và cư dân làng Mizubiki. Cuộc họp, vốn chỉ được nhà đầu tư coi như một thủ tục trước khi tiến hành xây dựng, cuối cùng lại trở nên căng thẳng khi những cư dân chất vấn những kẽ hở trong dự án có thể ảnh hưởng tới nguồn nước trong làng.

Thời khắc ấy, người ta rất có thể đã xếp hai đại diện của công ty xây dựng là “người xấu”. Họ đến đây để phá hoại tự nhiên, nhân danh phát triển kinh tế. Nhưng sau đó, bộ phim dịch góc nhìn, theo chân hai nhân viên ấy trên chuyến xe. Và họ tâm sự với nhau về lý do họ tới với công việc này, sự vô nghĩa và vô vọng của nó. Sau rốt, họ cũng chỉ là những người đang mưu sinh mà thôi. Họ cũng không phải quỷ dữ. Thế còn người chủ của dự án thì sao? Anh ta có phải quỷ dữ không? Có lẽ cũng không. Với anh ta, đây chỉ là một bài toán kinh tế: làm thế nào để tối ưu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Chẳng phải anh ta sẽ mang đến đời sống kinh tế dư dả hơn cho cư dân trong làng ư? Đó là một thỏa thuận win-win. Không ai thực sự là kẻ xấu cả. Nhưng thế giới vẫn cứ tan rã.

Triết học của tự nhiên

Tác phẩm của Ryusuke Hamaguchi chậm rãi âm ỉ như một ngọn lửa trên tuyết. Bộ phim như một con đường băng xuyên rừng, mới đầu dường như rất quang quẻ, ta tưởng như có thể đoán biết được nó, nhưng đến những phút cuối, con đường ấy đã đi vào những rậm rạp không ngờ. Cô con gái của Takumi biến mất không tung tích.

Mặt trời dần xuống núi, thời gian như giãn ra vô biên trong phần lớn bộ phim bỗng nhiên thu ngắn lại. Và trong một phân cảnh khép lại bộ phim, Hamaguchi dắt ta vào một cõi chạng vạng của sự sống/cái chết, giấc mơ/hiện thực, khi cô con gái đối mặt với một con hươu rừng bị thương. Con hươu mà trong những khung cảnh trước chỉ xuất hiện ở khoảng cách xa xăm, giờ đã tiến lại gần trong gang tấc, làm cuộc báo thù thầm lặng với con người. Và người phải hứng chịu cơn giận của hươu, lại không phải một tay thợ săn, một người lớn đã tạp nhiễm, mà là một đứa bé con.

Con hươu có phải ác quỷ không? Chắc chắn là không. Tự nhiên không có tà tính. Nó chỉ không phân biệt người này hay người khác. Con người làm sao có thể nghĩ rằng mình khôn ngoan vượt tự nhiên, khi mà ta chỉ nghĩ được tới những công lý trong phạm vi hẹp, rằng người tốt được đền đáp, người xấu phải đền tội; còn công lý của tự nhiên là một khái niệm rộng lớn hơn nhiều, mơ hồ hơn nhiều, và thường không thể định nghĩa. Tự nhiên cũng không quan tâm tới con người, dù con người có phải chịu đựng những gì, thì tự nhiên vẫn sẽ điềm nhiên, như Basho từng viết:
Khu rừng đen
Cho dù muốn hay không
Sáng dậy tuyết vẫn trắng.

Đạo diễn: Ryusuke Hamaguchi
Đề cử “Sư tử Vàng” tại LHP Venice 2023
“Giải thưởng lớn của Ban giám khảo” từ Liên đoàn Phê bình phim Quốc tế
“Phim hay nhất” tại LHP BFI London 2023

Tác giả: Hiền Trang

12/07/2024, 10:00