“Ét o ét”: Cấp cứu làn môi cháy nắng

Bạn tẩy tế bào chết, thoa son dưỡng và đắp mặt nạ môi hàng đêm. Nhưng chỉ một giờ vui chơi, bay nhảy dưới cái nắng hè mà không có biện pháp bảo vệ sẽ biến mọi nỗ lực chăm môi trở nên vô nghĩa.

Thỏa sức đắm mình ở một bãi biển nhiệt đới với nắng gió và cát vàng trong những ngày hè đôi khi sẽ khiến bạn lơ là nhiệm vụ bảo vệ cơ thể và làn da. Không chỉ da mặt, da cơ thể mà cả làn môi của bạn cũng dễ dàng trở thành là đối tượng bị tàn phá bởi ánh nắng mặt trời. Để những chuyến du lịch đáng nhớ không trở thành cơn ác mộng với đôi môi cháy nắng, hãy nằm lòng những điều dưới đây.

Dấu hiệu môi bị cháy nắng

Cũng giống như bất kỳ vùng da nào khác trên cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, môi cũng có thể bị cháy nắng nếu không được bảo vệ kỹ càng. Môi có lớp da mỏng manh và có rất ít hắc sắc tố – thứ giúp bảo vệ da khỏi tia UV, do đó, nó rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Sau một ngày rong ruổi ngoài trời, làn môi bạn có thể sẽ bắt đầu “biểu tình” với những dấu hiệu như nóng ran, khô và nứt nẻ, xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti và kèm theo cảm giác đau đớn.

Theo bác sỹ da liễu Nazanin Saedi của Hội đồng Y tế New York (Hoa Kỳ), đây là những triệu chứng môi bị cháy nắng cấp độ một và thường sẽ xuất hiện trong khoảng hai đến năm giờ sau khi môi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn bao gồm môi bong tróc, sưng tấy, xuất hiện mụn nước lớn và đau rát dữ dội, đó có thể là dấu hiệu của bỏng cấp độ hai.

Không chỉ gây đau đớn và khiến cho việc nói cười, ăn uống trở nên khó khăn, cháy nắng ở môi về lâu dài cũng có khả năng dẫn đến việc ung thư da. Thêm vào đó, vùng da môi của chúng ta còn có một mạng lưới mạch máu dày đặc nên ung thư da môi có khả năng di căn đến các vùng khác trên cơ thể.

Ứng phó khi môi bị cháy nắng

Chườm lạnh

Ngay khi cảm nhận được những khác biệt cho thấy môi bị bỏng nắng, bạn hãy dùng một miếng gạc ướp trong nước đá đặt nhẹ lên vùng da bị tổn thương. Đây là cách thức nhanh nhất để hạ nhiệt cho da môi và giảm nhẹ tình trạng sưng tấy. Bên cạnh đó, khi bị cháy nắng, chúng ta có xu hướng bị mất nước, vì vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước để làm mát cơ thể từ bên trong.

Dưỡng ẩm

Dưỡng ẩm, đặc biệt là vào ban đêm khi da đang trong quá trình phục hồi. Thoa mật ong hoặc gel lô hội lên môi để vừa giúp giảm kích ứng vừa cấp ẩm và chống viêm hiệu quả.

Khi môi bị tổn thương, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa dầu khoáng như Vaseline, bởi chúng sẽ khiến da bị bí tắc, từ đó kéo dài thời gian bỏng cũng như các triệu chứng đau rát.

Gặp bác sỹ da liễu

Các triệu chứng bỏng môi cấp độ một sẽ thuyên giảm và biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Nhưng trong trường hợp bỏng cấp độ hai và các vết phồng rộp ở môi mãi không lành, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để được kê toa với các loại thuốc chống viêm và đặc trị bỏng da.

3 cách bảo vệ môi khỏi cháy nắng

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

“Phòng cháy hơn chữa cháy” sẽ là lời khuyên hiệu nghiệm dành cho trường hợp này. Thỏa sức tận hưởng kỳ nghỉ hè bất tận nhưng bạn cũng đừng quên trang bị cho mình khẩu trang, nón mũ để bảo vệ da mặt và da môi khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt.

Thoa son chống nắng

Một thỏi son dưỡng có chỉ số SPF 30+ là cần thiết trong mọi mùa, đặc biệt vào những ngày chỉ số tia UV cao ngất ngưỡng. Hãy dùng son chống nắng cho môi ít nhất 15 phút trước khi bạn ra ngoài và thoa lại sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc ăn uống.

Đừng thoa son bóng quá thường xuyên

Hạn chế sử dụng son bóng không màu, trừ khi chúng có lớp SPF hống nắng bên dưới. Bởi lẽ, kết cấu son trong suốt có xu hướng làm tăng sự thâm nhập của tia UV thay vì ngăn cản chúng.


From the same category