Esfahan đi dạo qua một nửa thế gian - Tạp chí Đẹp

Esfahan đi dạo qua một nửa thế gian

Sự Kiện

 

Giáo đường Sheikh Lotfollah, biểu tượng thần quyền Hồi giáo dòng Shia 

Một nửa thế giới

Nếu chỉ thiên về hiếu kỳ, điểm đầu tiên phải đến là hai ngọn tháp rung Manar Jomba. Hai ngọn tháp vươn cao mười bảy mét trên một khu lăng mộ. Hàng ngày, cứ mỗi tiếng một lần, người canh lăng lại trèo lên đẩy mạnh vào tường tháp từ bên trong, thế là ngọn tháp đung đưa. Nói là đung đưa nghe có vẻ du dương, chứ có lúc nó rung bần bật. Chao nghiêng. Rung mà không đổ không sập. Lại nữa, khi ngọn tháp bên này rung, thì ngọn tháp bên kia, cách mười mét cũng rung theo, cùng một tần số. Hai ngọn tháp cứ thế mà rung, và chấn động có thể cảm nhận được trong toàn bộ quần thể lăng. Ở tiệm cà phê ngay góc sân lăng, ông chủ quán sẽ mở cho khách xem đoạn phim ghi lại những lần hai ngọn tháp rung mạnh. Có những cách lý giải khác nhau. Có thể là trong lõi từng viên gạch xây tháp chứa một hợp chất có khả năng tiêu hủy theo thời gian và làm cho gạch đàn hồi được. Có thể là khoảng cách giữa hai ngọn tháp được sử dụng gỗ tấm có độ co giãn lớn.

Tham quan quảng trường bằng xe ngựa 

Hai ngọn tháp được xây thêm trên lăng vào thế kỷ XVII, còn lăng được xây trước đó ba thế kỷ, vào năm 1316. Nằm trong ngôi mộ cẩm thạch là một vị giáo sĩ dòng tu khổ hạnh, dòng tu này khi làm lễ thường nhảy múa quay cuồng, chắc cũng phần nào giống như lên đồng hay shaman giáo. Đùa, có khi ông giáo sĩ đảo đồng làm cho ngọn tháp lắc lư.

Đi dạo qua một nửa thế giới, du khách có thể bắt đầu bằng cách đi dọc theo bờ sông Zayandeh. Năm trước nghe nói khô hạn, lòng sông gần như cạn nước, nhưng năm nay sông lại đầy ăm ắp. Một trong những kỳ quan của Esfahan là những chiếc cầu cổ bắc qua sông này. Bốn chiếc cầu cổ được xây trong khoảng từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII, chiếc thứ năm cổ nhất, xây từ thế kỷ XII. Dài nhất là cầu Si-o-Seh, 298 mét, rồi cầu Chubi 150 mét, cho đến chiếc cầu hai tầng Khaju, đẹp nhất, dài 110 mét. Cầu đều theo kiến trúc mái vòm kiểu Hồi giáo. Hai bên thành cầu là những vòm cửa có mái che trổ ra đều đặn, người đi dạo có thể vào ngồi trong những khoang ấy, dưới mái vòm mà ngắm sông ngắm trời nước và thành phố. Cầu Si-o-Seh có 33 vòm cửa, cầu Chubi có 21 vòm. Cây cầu hai tầng mang tên Khaju có nghĩa là giàu sang, vì xây trong khu nhà giàu thời ấy. Hoàng đế Shah Abbas đệ nhị khi xây cầu năm 1650 đã cho dựng trên tầng hai, chính giữa cầu, một cái lầu ngắm cảnh. Vẫn còn ở đó những bức tranh tường và gốm sứ ốp tường trang trí cùng chỗ ngồi bằng đá của nhà vua.

Chiếc cầu cổ Si-e Seh 

Chiều tối, dân Esfahan và du khách tản bộ hai bên bờ sông, đi dạo qua những chiếc cầu, và ngồi ở tầng dưới cầu Khaju, ngay chỗ dòng nước chảy ào ào qua chân cầu, được sử dụng như đập nước. Cầu cổ không chỉ để ngắm như công trình kiến trúc độc đáo, mà vẫn còn được dùng để giữ nước sinh hoạt, tham gia vào đời sống thành phố hôm nay.

Một thành phố giàu có về di sản không thể không kể đến các giáo đường, đền đài, cung điện. Thăm viếng cho kỹ thì nhiều ngày đi vẫn không hết. Nhưng trong một chuyến đi bộ, người ta có thể chọn giáo đường lớn nhất và cổ nhất là Jameh. Nếu chỉ giới thiệu đây là di sản văn hóa thế giới của UNESCO thì có phần giảm nhẹ giá trị của nó vào cái thời nhan nhản di sản UNESCO bừng bừng hội chứng UNESCO. Tầm vóc của Jameh còn vĩ đại hơn thế. Trên một diện tích 20.000 mét vuông, Jameh là đền thờ Hồi giáo lớn nhất toàn xứ Ba Tư. Anh bạn Amir người Esfahan nhấn mạnh đây là ngôi đền lịch sử lớn nhất, còn ngôi đền hiện đại lớn nhất phải là khu đền thờ lăng mộ Khomeini ở thủ đô Tehran.

Jameh là một quần thể tổng hòa của những đền thờ xây dựng qua nhiều thời kỳ và nhiều trường phái kiến trúc. Đền xây trên nền móng một ngôi đền Hỏa giáo từ hơn hai nghìn năm trước. Ngôi đền Hồi giáo đầu tiên do người Seljuk từ Thổ Nhĩ Kỳ đến xây vào thế kỷ XI. Được một thế kỷ thì đền bị cháy, phải xây dựng lại vào năm 1121. Trên những cổng vào cao vút, phần trang trí có chỗ theo kiểu hình học đặc trưng trường phái Seljuk, có chỗ hoa lá rườm rà kiểu Hồi giáo điển hình, lại có sảnh cầu nguyện mùa đông tuyền một màu trắng xây dưới thời hoàng đế Timur từ Samarkand đến. Chính điện có cả một rừng cột đá khổng lồ chống đỡ cho những vòm mái cao rộng. Trong cung Sultan Uljetu, ở góc thiêng mihrab, vốn luôn hướng về phía Mecca cho tín đồ cầu nguyện, là một công trình trang trí nội thất tuyệt mỹ, ban đầu được làm bằng thạch cao, các hình hoa lá được tạo tác linh hoạt và mềm dẻo, rồi dần dần qua mấy thế kỷ, chất thạch cao hầu như đã hóa thạch, trở nên bền chắc hơn xi măng.

Sân trong Jameh, ngôi đền lịch sử lớn nhất Iran 

Cung điện Chehel Sotun có nghĩa là cung bốn mươi cột (Tứ Thập Trụ Cung). Trên thực tế ở đó chỉ có hai mươi cột gỗ thanh thoát chống đỡ một cái trần cũng bằng gỗ được khảm gỗ nhiều màu tạo thành hình họa. Sao chỉ có hai mươi cột mà lại gọi là cung bốn mươi cột? Chẳng là phía trước cung có một cái hồ nước rộng, hai mươi cột gỗ soi bóng xuống đấy mà thành bốn mươi cột. Không hề đùa cợt, đấy là quan niệm hài hòa của hình và bóng ở xứ Ba Tư xưa. Chehel Sotun xây dựng vào năm 1647 dưới triều vua Shah Abbas đệ nhị, nhưng cung điện còn lại đến bây giờ đã được xây dựng lại sau khi bị cháy vào năm 1706. Hồi ấy, cung được dùng làm nơi nghỉ ngơi và đón khách của nhà vua. Cung đặc biệt nổi bật nhờ những bức tranh tường cỡ lớn cùng một số tranh theo phong cách tiểu họa. Tranh tường to miêu tả cảnh chiến trận với các hoàng đế Ấn Độ và Uzbekistan, hoặc cảnh múa hát tưng bừng đón chào nhà vua Turkestan. Tiệc tùng cũng không tránh miêu tả cảnh rượu đổ ra và có người say sưa được dìu đi, một cảnh tượng ngày nay có thể bị coi là nhạy cảm.

Cũng là những bức tranh tường hoành tráng, ta có thể đến chiêm ngưỡng trong giáo đường đạo Thiên Chúa Vank Cathedral thuộc giáo xứ của người gốc Armenia. Những bức tranh tường lộng lẫy kể sự tích Kinh Thánh, được sử dụng chất liệu sơn vẽ phối hợp với nghệ thuật ghép gốm sứ ốp tường của Ba Tư. Nhà thờ được các triều vua Safavid khuyến khích xây lên trong khoảng 1606-1655. Trong bảo tàng của giáo đường lưu giữ hơn 700 cuốn sách chép tay lớn nhỏ, có cả cuốn sách nhỏ nhất thế giới, cỡ bằng đốt ngón tay. Thêm nữa, một sợi tóc trên có viết dòng chữ Armenia mà du khách phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được. Đầu bút để viết làm bằng kim cương và nhỏ hơn sợi tóc hai mươi lần.

Thành phố Tehran 

Quần tụ của những quyền lực

Chẳng ai đến Esfahan mà lại bỏ qua quảng trường Naqsh-e Jahan, theo tiếng Farsi có nghĩa là Hình mẫu của thế gian. Quảng trường được khởi công từ năm 1602 dưới triều Shah Abbas đệ nhất. Thành Esfahan đã có từ hơn hai nghìn năm trước, nhưng lần đầu tiên trở thành kinh đô của đế chế Ba Tư là năm 1047 khi người Seljuk từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đến chinh phục và lập đô, rồi tiếp tục duy trì là kinh đô trong hơn 180 năm sau đó. Trải bao thăng trầm, thậm chí bị quân Mông Cổ xâm lược tàn phá, Esfahan một lần nữa lại trở thành kinh đô dưới triều Safavid, từ năm 1587, dưới triều vua Shah Abbas đệ nhất.

Quảng trường hình mẫu của thế gian được xây trong thời này, dài 512 mét, rộng 163 mét, cho đến bây giờ, đây vẫn là quảng trường khép kín lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc. Trên quảng trường vẫn còn dấu tích cột cầu môn của sân chơi polo hơn bốn trăm năm trước. Cưỡi ngựa đánh gôn polo là môn thể thao có rất sớm và được dân Ba Tư cổ rất ưa thích. Du khách có thể mua những bức tranh cưỡi ngựa đánh gôn bằng nhiều chất liệu như khảm gỗ màu, khảm kim loại, hoặc vẽ sơn màu lên xương lạc đà dát mỏng.

Giáo đường Imam ban đêm 

Quần thể hình chữ nhật khép kín quanh quảng trường là bốn dãy caravanserai, vốn là khu nhà trọ thời xa xưa, khi những đoàn thương nhân sau một chặng dài trên sa mạc đến đây nghỉ lại, dỡ hàng khỏi lưng lạc đà gửi vào trong nhà kho, cho lạc đà ăn uống và bản thân thương nhân cũng tìm niềm vui trong những tiệm ăn, hút ống điếu qalyan hoặc có cả chất cồn xoa dịu cơn nhức mỏi. Bây giờ du khách có thể tản bộ qua những dãy hàng hóa sầm uất như một khu chợ Ba Tư truyền thống, có thể ngồi trên những cỗ xe ngựa gõ móng lóc cóc trên con đường đá cổ, chạy một vài vòng quảng trường. Ở chính giữa quảng trường có một hệ thống vòi phun nước, cũng có thể ngồi trên bãi cỏ hoặc ghế đá bên cạnh mà nhìn ngắm cuộc sống sinh động trước mắt.

Chỉ trên một quảng trường thôi, ta có thể thấy sự quần tụ của bốn quyền lực: cung Ali Qapu thực ra là một kiểu khải hoàn môn dẫn vào hoàng cung là biểu tượng của chính quyền. Giáo đường Sheikh Lotfollah tượng trưng cho thần quyền dòng Shia. Giáo đường Imam tượng trưng cho dân quyền bởi là nơi quy tụ đức tin và là nơi tụ hội của dân chúng. Thẳng hướng giáo đường Imam sang phía bên kia của quảng trường là baazar, khu chợ Ba Tư, biểu tượng của giới kinh doanh tài phiệt. Bốn quyền lực không chỉ quần tụ quanh một quảng trường mà còn hòa hợp cấu thành một hệ thống xã hội hưng thịnh dưới triều Safavid.

Chúng tôi bắt đầu chuyến du ngoạn trên quảng trường suốt một ngày bằng việc ghé thăm giáo đường Imam, nổi danh là một trong những giáo đường đẹp nhất trên thế giới. Ngay ở cổng vào, nghệ nhân xưa đã lưu ý người đời về tính chưa hoàn chỉnh và chưa hoàn hảo của con người trước Allah Chúa Trời: chân cổng bên phải người ta chủ ý không chạm khắc như phía bên trái, để lại một sự bất cân xứng cố tình. Truyền thuyết kể rằng vua Shah Abbas đã năm mươi hai tuổi khi khởi công giáo đường vào năm 1611 và ông không tưởng tượng được phải mất hai mươi lăm năm mới xây xong ngôi đền. Càng già ông càng trở nên thiếu kiên nhẫn và tâm tính bất thường. Ông đã giết chết hai người con trai và chọc mù mắt một người con trai khác. Nhưng kiến trúc sư Ali Akbar Esfahani dù sợ hãi trong lòng, vẫn thuyết phục được nhà vua bằng sự tự tin và kiến thức của mình. Và nhà vua đã thực sự hài lòng khi kiệt tác kiến trúc rốt cục đã hoàn tất.

Ở khải hoàn môn Ali Qapu, du khách sẽ được dẫn theo cầu thang hẹp và dốc lên đến tầng trên cùng, tầng sáu, của công trình cao bốn mươi tám mét. Đấy là một phòng hòa nhạc, là nơi vua cùng hoàng gia ngồi thưởng thức chương trình do các nhạc công vũ công ca sĩ của triều đình biểu diễn. Từ trên cao ấy, chiếu thẳng sang bên kia quảng trường theo chiều ngang là giáo đường Sheik Lotfollah. Giáo đường này độc đáo bậc nhất ở xứ Ba Tư, bởi vì không xây những ngọn tháp trên cao, cũng không có sân trước lẫn sân trong. Kiến trúc một giáo đường điển hình bao giờ cũng phải có những ngọn tháp nhọn hình ống ở trên cao, đó là biểu tượng mời gọi tín đồ ngay từ xa khi họ bắt đầu trông thấy ngọn tháp trên nền trời. Giáo đường cũng phải có sân, đặc biệt là sân ở chính giữa quần thể, nơi tụ họp của tín đồ. Nhưng giáo đường này nhấn mạnh vào tính riêng tư, một ngôi đền Hồi giáo cho riêng hoàng gia, nên không cần đến hai yếu tố kiến trúc thông thường.

Bù lại, mái vòm hình củ hành được khảm và dát chủ yếu bằng gốm sứ màu kem và mái vòm đổi màu tùy theo thời gian trong ngày, từ màu kem chuyển sang hồng vào lúc hoàng hôn, và chuyển màu ngọc bích trên đỉnh vòm khi ánh đèn đêm chiếu sáng. Đi dạo cả một ngày trên quảng trường chưa thỏa, đêm đến, chúng tôi còn quay lại, thấy vòm tròn giáo đường đúng là lung linh màu ngọc bích lẫn ánh bạc. Toàn bộ những dãy cửa vòm bao quanh quảng trường sáng rực trong đêm. Các cửa hàng cửa hiệu có nơi còn mở cửa, nơi đã đóng, nhưng kể cả những vòm cửa đã đóng cũng vẫn để đèn sáng trưng tạo hình liên hoàn cho chiều ngang chiều dọc quảng trường.

Chợ Ba Tư, tượng trưng cho quyền lực giới kinh doanh 

Khu chợ Ba Tư ở tận cùng chiều dọc quảng trường dài khoảng mười một cây số, tức là tính cả các ngõ ngách ở trong chợ. Sức mạnh của giới tài phiệt trên một xứ sở vẫn còn thấy rõ trong hàng hóa sầm uất, trong mua bán náo nhiệt tưng bừng. Đang là thời bị Âu – Mỹ bao vây cấm vận kinh tế, đồng tiền đang bị mất giá, mà còn rộn rã thế, nếu không thì thương mại còn phát triển đến đâu.

Hoàng hôn xuống cũng là lúc dân Esfahan kéo nhau đến quảng trường, trải khăn trải chiếu ra ngồi trên bãi cỏ, rồi muộn hơn, họ bỏ đồ ăn thức uống ra thưởng thức trong gió xuân dưới trời đêm trong vắt. Có người thấy du khách đi qua còn mời ngồi xuống thưởng thức cùng gia đình họ. Cuộc sống bình yên tưởng không thể có lúc nào bình yên và êm đềm hơn được nữa.

Hồ Anh Thái 

Thực hiện: depweb

02/08/2013, 12:50