Ephesus - Kỳ quan giữa bạt ngàn ôliu - Tạp chí Đẹp

Ephesus – Kỳ quan giữa bạt ngàn ôliu

Sự Kiện

Ephesus

Lối vào khu di tích Ephesus

Danh tiếng thảm khốc

Ngôi đền được dựng lên để thờ Artemis, nữ thần săn bắn đồng thời là Thần Mẹ, là biểu tượng sinh sôi. Thiện xạ cung nỏ và sản sinh ra bao nhiêu người con ưu tú nhưng Artemis không bảo vệ được ngôi đền thờ chính mình. Đền Artemis nhiều lần bị hủy hoại trong suốt mười thế kỷ đầu tồn tại. Khi thì bị bão lũ, khi thì bị ngoại xâm đốt phá. Khét tiếng nhất là trận hỏa hoạn ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên. Một kẻ cuồng danh, muốn nổi tiếng bằng mọi giá, tên là Herostratus đã đốt đền, chủ ý sẽ được lưu danh trong lịch sử. Hắn bị xử tử và chính quyền khi ấy đã hạ lệnh muôn đời sau không ai được nhắc đến cái tên kẻ đốt đền.

Đầu những năm 1980, nhà hát Kịch Việt Nam gây tiếng vang với vở kịch “Vụ án Êrốtxtơrát” của một nhà soạn kịch Nga. Đấy là câu chuyện về Herostratus, kẻ đốt đền Artemis, được nhà viết kịch Nga đào sâu bằng quan điểm của những thế lực khác nhau trong xã hội cổ đại. Có người coi đấy là thứ danh tiếng ô uế, muôn đời sau phải được nhớ như một thứ ô danh. Có người muốn xóa bỏ hoàn toàn cái tên Herostratus trong lịch sử, để cho nó dứt khoát bị lãng quên. Có vị phu nhân quý tộc lại muốn vào nhà ngục ngủ với kẻ đốt đền để tên bà ta cũng được lưu danh trong lịch sử cùng với hắn…

Bây giờ thì trước mắt tôi là di tích ngôi đền lừng danh, xây dựng vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên. Chỉ còn là một bãi hoang lau sậy, những tảng đá đổ nát vương vãi khắp nơi. 127 cột cẩm thạch màu trắng, mỗi cột cao 18,4 mét, giờ chỉ còn hai chiếc cột được phục chế. Một cột cao khoảng 15 mét, cột kia chừng dăm ba mét. Thêm vào cảnh hoang tàn thê lương, lũ chim công trong bãi lau sậy tác tác ầm ĩ, tiếng kêu rất lạ, như tiếng trẻ con khóc, cứ thế suốt buổi chiều chúng tôi đi vẩn vơ trong khu di tích. Chỉ còn lại có thế, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, từng sánh ngang kim thự tháp Ai Cập, vườn treo Babylon…

Ephesus

Đền Artemis: một trong bảy kỳ quan thế giới, bây giờ chỉ còn thế này đây

Truyền thuyết kể rằng Alexander Đại đế ra đời đúng vào cái đêm ngôi đền bị đốt. Sau này ở trên ngôi hoàng đế, ông gợi ý sẽ đầu tư xây lại ngôi đền, tất nhiên là ngôi đền sẽ mang tên Alexander Đại đế. Các vị nguyên lão nghị viên và các vị giáo sĩ xứ Ephesus đã từ chối, lý lẽ đưa ra thật khôn khéo: không nên dùng một vị thần này thay thế cho một vị thần khác, thần thánh ai có chỗ của người ấy.

Năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế qua đời, và phải sau đó ngôi đền mới được phục chế. Rồi hơn năm trăm năm sau, ngôi đền bị người Goth hủy diệt một lần nữa, năm 262, dưới thời của một vị hoàng đế La Mã.

Danh tiếng đi kèm với số phận thảm khốc. Điều này là để nói về ngôi đền Artemis, có phải vậy không?
Trên bãi hoang tàn này, du khách chỉ còn biết mua một cuốn sách có hình ngôi đền lộng lẫy, được vẽ lại theo sự phục chế của các nhà khảo cổ học. Mua thêm một bản mô phỏng pho tượng thần Artemis bằng cẩm thạch, hiện trưng bày trong bảo tàng khảo cổ Efes ở gần đấy.

Ephesus

Một điểm nữa nên viếng thăm là căn nhà của Thánh nữ Mary đồng trinh, trên sườn núi Coressos. Căn nhà hiện nay được phục dựng trên nền móng có từ thế kỷ VI, và một số di vật có từ trước đó. Gần cuối đời, Đức Mẹ Mary đồng trinh được thánh John đưa đến đây, vào khoảng từ năm 37 đến năm 45. Rất lâu sau, mãi đến năm 1881, giáo sĩ người Pháp Julien Gouyet khẳng định đã tìm ra căn nhà của Đức Mẹ dựa theo hình ảnh mà bà xơ người Đức Catherina Emmerich được báo mộng. Bà xơ này là nhân vật huyền bí phải nằm liệt giường. Tòa thánh Vatican chưa bao giờ chính thức khẳng định điều này, nhưng đã có bốn giáo hoàng viếng thăm căn nhà. Năm 2004 giáo hoàng John Paul II phong thánh cho bà xơ Emmerich.

Không phải là tín đồ, nhưng trong chính điện, chúng tôi đều thành kính thầm cầu mong những điều an lành nhất. Những ngọn nến được đốt lên trong căn nhà nhỏ và trong những ô đặt nến bên ngoài căn nhà bằng đá, làm ấm thêm cho một buổi sáng lành lạnh.

Đi tour đến thành Ephesus

Ở ta, du lịch theo tour thì hầu như ngay từ điểm xuất phát đã có hướng dẫn viên du lịch đưa đường chỉ lối, kèm sát lên máy bay, lên ôtô, lên tàu hỏa, đến tận điểm tham quan.

Ephesus

Phố Curates một thời tấp nập ngựa xe

Nhiều nước có cách làm khác. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khách làm khác. Tôi mua tour từ cố đô Istanbul đi thăm thành Ephesus, đi trong ngày bằng máy bay, giá 342 USD. Hãng du lịch phát cho tôi một tờ chương trình, hóa đơn, vé máy bay, phiếu xe buýt. Hãng cho xe chở tôi cầm vé máy bay ra sân bay Ataturk, tự làm thủ tục bay, tự lên máy bay, bay năm mươi phút. Đến thành phố Izmir, cách Istanbul 564 km, có người đón, cầm tấm biển có tên mình mà đón. Anh ta đón thêm ba người Mexico là cặp vợ chồng già và cậu con trai, đón thêm hai chị em trung niên người Canada. Đưa tất cả lên xe phóng về thành Ephesus cách đó 70 km, đi hết bốn mươi lăm phút.

Cả nhóm đến nơi, hướng dẫn viên của hãng du lịch địa phương mới bắt đầu dẫn khách đi. Nhóm có thêm bốn anh chị em người Ấn Độ, một cậu người Anh, bốn người Trung Quốc và một người Úc gốc Hoa. Tôi nói tiếng Hindi với mấy thanh niên Ấn Độ, nói tiếng Anh với những người kia, cả đoàn nhanh chóng hòa hợp.

Năm giờ sáng rời khách sạn, mười một giờ bốn mươi lăm phút đêm, gần sang ngày mới lại trở về khách sạn. Trên thực tế, thời gian đi tour thăm thành Ephesus chỉ từ mười giờ sáng đến năm giờ chiều. Tham quan xong, sáu giờ chiều hãng cho xe chở toàn bộ du khách ra sân bay, mỗi người một chuyến khác nhau trở về. Tôi một mình loanh quanh trong sân bay chờ đến chuyến bay đêm về Istanbul.

Ephesus

Celsus, một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại

Cách làm này khiến hãng du lịch ở đầu mối không phải chờ có đủ một đoàn khách rồi mới tổ chức tour, không phải gửi hướng dẫn viên bay cùng du khách và như vậy giảm được chi phí bổ vào khách. Du khách theo tour vẫn cảm thấy mình có độ tự do tương đối, và không bị đẩy vào tình trạng quá thụ động.

Bây giờ thì du khách đã bước chân đến thành Ephesus. Có bằng chứng con người đã sinh sống ở đây từ 6.000 năm trước Công nguyên, từ thời đồ đá mới. Thành Ephesus thì hiện diện từ khoảng 1.000 năm trước CN. Truyền thuyết kể rằng hoàng tử Hy Lạp Androclus được một nhà tiên tri của Apollo tiên đoán rằng kinh thành sẽ được xây ở nơi có một con cá và một con lợn lòi. Mấy ngày sau, trong khi đoàn người đi tìm đất dừng chân nấu nướng giữa rừng thì một con cá tươi giẫy giụa nhảy ra khỏi chão mỡ đang sôi. Một con lợn lòi nấp trong bụi cây ngay cạnh giật mình hộc lên rồi bỏ chạy. Hoàng tử đuổi theo, giết được con lợn lòi. Ở chỗ con vật bị giết, chàng cho xây thành Ephesus.

Thành Ephesus từng qua tay nhiều thế lực nhiều triều đại. Từng bị người Kimeria đốt phá ở giữa thế kỷ VII trước CN. Từng do người Lydia cai trị ở thế kỷ VI trước CN. Từng dưới ách thống trị và chiến tranh với người Ba Tư hơn hai trăm năm cho đến khi người Ba Tư bị Alexander Đại đến đánh bại trong trận chiến ở Granicus năm 334 trước CN. Dưới đế chế La Mã, kinh thành này trở thành trung tâm thương mại hưng thịnh bậc nhất phần La Mã phương Đông, dân số lên đến 250.000 người.

Ephesus

“Trong những câu chuyện cổ Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ vắng bóng cành ôliu như vành hoa chiến thắng. Bây giờ thì đất nước 70 triệu dân có 144 triệu cây ôliu, như vậy là mỗi đầu người trung bình có hai cây ôliu, biểu tượng chiến thắng và sự hưng thịnh của một xứ sở đang đi lên từng ngày”.

Trong khu di tích, hùng vĩ hơn cả là nhà hát có 25.000 chỗ ngồi, tức là đủ chỗ cho 10% dân số trong thành lúc ấy. Nhà hát hình tròn, giống hình một sân vận động, hàng ghế là những bậc tròn cao dần lên đến ba mươi mét. Đứng trên những bậc tròn khán đài này nhìn xuống sân khấu cũng thấy chóng mặt. Sân khấu ở đằng trước và bên dưới là một tòa nhà cẩm thạch hai tầng. Kiến trúc cũng tính đến khuếch âm để cho hai vạn rưỡi khán giả có thể ngồi tít trên cao mà vẫn nghe được âm nhạc và tiếng nói đài từ của diễn viên. Đại hí trường này được khởi dựng từ thời hoàng đế Nero (cai trị năm 54-68 Công nguyên) và phải sang thế kỷ II mới hoàn thành.

Một di tích nữa cũng khiến du khách thấy ngợp vì sự vĩ đại là thư viện Celsus. Khánh thành vào năm 117 CN, thư viện bị người Goth hủy diệt năm 262, phần di tích hiện nay là do Viện khảo cổ Áo khai quật và phục chế vào những năm 1970. Du khách tất thảy đều xuýt xoa và dừng lại lâu lâu chiêm ngưỡng nơi từng là một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại. Hai thư viện kia ở Alexandria (một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại) và ở Pergamon. Thư viện được đặt theo tên viên thống đốc Celsus của phần châu Á thuộc đế chế La Mã trong ba năm 105 đến 107. Pho tượng bốn thiếu nữ ở tầng một tượng trưng cho bốn đức tính của ngài Celsus: Sophia tượng trưng cho sự uyên bác, Arete tượng trưng cho đạo đức, Episteme tượng trưng cho tri thức, Ennoia tượng trưng cho sự thông tuệ. Những bức tường có các ngăn âm tường để đặt giá sách, chứa sách và các cuộn bản thảo. Chống ẩm, người ta thiết kế tường đôi, khoảng cách giữa hai bức tường là gần một mét.

Nền văn minh & biểu tượng chiến thắng

Ở những nền văn minh sớm, các nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng thường là một biểu hiện của mức độ văn minh. Ephesus cũng có khu nhà tắm công cộng, vừa là nơi tẩy rửa vừa là nơi để dân chúng bàn chuyện cuộc sống, thương nhân bàn chuyện kinh doanh, các chính khách và nghị viên bàn chuyện chính trị xã hội. Ở cạnh đó là nhà vệ sinh công cộng. Những hố vệ sinh xếp thành dãy chạy dọc theo ba phía của ba bức tường. Bên dưới là hệ thống cống nước liên tục chảy đẩy trôi chất thải. Nhà vệ sinh công cộng dành cho những công dân trong phường phố, có cả phiếu sử dụng dài hạn, như kiểu vé tháng.

Ephesus

Nhà vệ sinh công cộng cổ đại, có thể dùng vé tháng

Không xa khu nhà tắm và vệ sinh công cộng là khu hoan lạc ăn chơi. Đây là nơi đám kỹ nữ đón tiếp các bậc chơi bời trong kinh thành. Đám kỹ nữ ở trong những căn phòng trên tầng hai, tầng dưới là nơi đón khách và xướng ca. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được trong ngôi nhà này pho tượng Priapus, một người đàn ông mang cái dương vật ngoại cỡ. Pho tượng hiện bày trong bảo tàng khảo cổ học Efes, hình mô phỏng bằng đồng bằng đá thì bán trong khắp các cửa hàng lưu niệm.

Nhà thổ này được xây dựng dưới triều hoàng đế Trajan, cai trị từ năm 98 đến năm 117. Trên con đường lát cẩm thạch mang tên Curates, ở lối vào nhà thổ, có một phiến cẩm thạch lớn khắc hình bàn chân đàn ông. Đồn rằng khách làng chơi bước đến trước cửa phải rửa chân rồi đặt bàn chân mình lên đấy, phiến đá lập tức in hằn dấu chân khách. Người Hy Lạp La Mã cổ đại tin rằng dấu chân tiết lộ kích thước dương vật. Có anh chàng vừa in dấu chân lên phiến cẩm thạch thì bị kỹ nữ đe: Về nhà đi cháu, cháu còn bé lắm.

Ephesus

Phiến cẩm thạch đặt chân trước khu nhà thổ

Tất thảy di vật trên một quãng đường gần hai cây số, dọc theo phố Curates đều chạm khắc tinh xảo, thể hiện một trình độ mỹ thuật bậc cao. Hầu hết cánh họa sĩ ở thành Ephesus đều là nữ, trong đó nữ họa sĩ Timarata là người đã vẽ và tạc hình Thần Mẹ Artemis. Xứ này cũng có nhiều nhân vật danh tiếng, mà nổi danh bậc nhất là Heraclitus, triết gia thời kỳ trước Socrates.

Tháng ba ở Ephesus mới đang là đầu xuân. Cây mận chỗ đầu đường nở hoa trắng xóa trên những cột đá cẩm thạch cũng trắng toát. Xe đi qua những cánh đồng oải hương tím ngát và những lùm cây ôliu bạt ngàn. Trong những câu chuyện cổ Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ vắng bóng cành ôliu như vành hoa chiến thắng. Bây giờ thì đất nước 70 triệu dân có 144 triệu cây ôliu, như vậy là mỗi đầu người trung bình có hai cây ôliu, biểu tượng chiến thắng và sự hưng thịnh của một xứ sở đang đi lên từng ngày.

Ephesus

Nhà hát lớn có thể chứa được 10% dân thành Ephesus

Bài & ảnh: Hồ Anh Thái

Thực hiện: depweb

03/05/2014, 23:49