Stumble into Grace là một tựa album khó dịch, cũng như giọng hát Emmylou – khó tả, cảm xúc và tinh thần từng câu từng chữ, từng bài – khó chuyển tải.
Trong những lúc cùng cực nhất, tôi lại thấy mình rơi vào một giấc mơ. Trong đó, tôi đứng bên này sông, bên kia là đấng tối cao. Tôi gào khản cổ, còn Người vẫn mải dạo chơi.
Hình ảnh con sông đột ngột trở về, khi tôi nghe Emmylou hát “Here I am”
Tôi đứng bên bờ sông, và sẽ đứng đây mãi mãi
Dù anh ở bờ bên kia, khuôn mặt tôi-anh vẫn thấy
Sao anh không nhìn tôi?
Tôi đã đi tìm qua khắp các hẻm núi
Và tên anh-tôi thầm gọi không thôi
Dù anh đang ở xa, tôi biết, anh nghe lời tôi nguyện
Sao anh không trả lời tôi?
Có lẽ bị ám ảnh bởi giấc mơ khốn khổ kia, nên chưa bao giờ tôi nghe “Here I am” với cảm xúc của tình yêu. Có một cái gì đó sâu hơn, xa hơn, tuyệt vọng hơn đang rải đều đều bên tai, đòi và xin được nghe bằng suy tưởng.
Ta ở trong máu của tim anh, là hơi thở của phổi anh
Các ca khúc trong album đều do Emmylou sáng tác hoặc đồng sáng tác. Trải qua nhiều chuyện đau lòng, những mất mát không thể bù đắp được, giờ đây Emmylou hát bằng lòng yêu thương, bằng sự tĩnh tại, như thể đó là món quà cô gửi lại cho cuộc sống.
Tại sao anh chạy trốn? Tại sao anh che đậy?
Anh đến từ bụi của trái đất, từ nụ hôn của ta
Ta là lời hứa không bao giờ vỡ, vòng tay rộng mở
Bên bến cảng này, tĩnh và yên
Ta sẽ đợi, cho đến khi ngươi đến cùng ta
Phải chăng, đó là lời của đấng cứu thế, từ trên vọng xuống hay từ trong vọng ra? Nếu thật có một đấng nào đó, chắc hẳn Người vừa nói vừa cười, nụ cười cảm thông cho loài người – khôn ngoan nhưng chưa bao giờ hiểu nổi mình.
“Here I am” là ca khúc mở đầu album Stumble into Grace của Emmylou Harris – nữ ca sĩ sở hữu 11 giải Grammy, mà gần đây nhất là cho album Red dirt girl (2000). Emmylou cùng thời với Bob Dylan, Neil Young, Elvis Costello, Willie Nelson, The Band…, nổi tiếng với phong trào hippies, nhạc phản chiến trong khoảng cuối thập niên 60 đến những năm 70. Nghĩa là bây giờ Emmylou không còn trẻ. Ở tuổi 57, cô đạt đến sự sâu-sắc bằng đơn-giản, đạt đến sự tĩnh-lặng bằng hồn-nhiên.
Nếu em có một con chim, em sẽ dạy nó hát tên anh
Những bài hát dễ thương nhất anh từng được nghe
Và trái tim hờ hững của anh, em sẽ làm nó dịu lại
Thế thì, bay đi, bay đi hỡi chim nhỏ
Hãy hát lên và mang trái tim ấy về cho ta
Nếu em có mặt trăng trên bầu trời
Em sẽ thắp sáng thế giới và kéo thủy triều lên
Và khi mặt trăng tròn đầy như trái tim em
Chắc chắn nó sẽ kéo anh lại với em
Vậy thì trăng dễ thương của ta ơi,
Hãy tỏa sáng, tỏa sáng và mang trái tim ấy về cho ta
“Little bird” là một bài dân ca Peru, nhí nhảnh vui tươi, nhưng giọng hát cao bồi của Emmy hòa với dàn nhạc dây làm cho người nghe váng vất một chút buồn, như nỗi buồn của kẻ mới trưởng thành.
Những bức tường đang khép lại,
tôi cảm nhận điều đó tận trong xương
Như nước đang dâng lên đến cằm
Thêm một đêm dài cô đơn
Tôi có thể rong chơi ngoài phố
Nói huyên thuyên và cười thật to
Tôi đang suy sụp, sao vẫn đùa vui trong đám đông?
Một bước tiến, hai bước lùi
Tôi đang cố bám vào mặt đất
Mà sao vẫn chìm như một hòn đá trong nước
Tôi vẫn chờ mọi việc kết thúc
Chờ đến khi tôi gửi một tin nhắn trong chai
Trôi ra ngoài biển khơi, một tâm hồn đau khổ
Không ai đáp lại. Anh có nghe tôi không?
“Can you hear me now” có lẽ là bài hát buồn nhất trong album này. Tiếng kèn harmonica trong suốt, réo rắt làm cho ta có cảm giác chơi vơi.
Có một điều lạ khi nghe Emmy hát – nỗi buồn thì không ngột ngạt, mà niềm vui cũng chẳng dâng trào.
Emmy hát như một cánh diều, khi chao xuống tưởng như sắp rớt thì gió lại luồn dưới cánh và nâng diều lên.
Tất cả ca khúc trong album đều do Emmylou sáng tác hoặc đồng sáng tác. Có những bài đề cập đến những vấn đề nhạy cảm của cuộc sống hiện đại, thân phận con người như “Time in Babylon”, “O’ Evangeline”, “Strong hand”, “Lost unto this world”.
Trải qua nhiều chuyện đau lòng, những mất mát không thể bù đắp được, những cái chết của người thân, giờ đây Emmylou hát bằng lòng yêu thương, bằng sự tĩnh tại, như thể đó là món quà cô gửi lại cho cuộc sống.
Tôi đã từng là bé yêu của mẹ, là con gái nhỏ của cha
Được quý hơn ruby, được thương hơn hòn ngọc
Trái tim đầy ắp khoan dung
Bây giờ tôi chẳng là gì cả, tôi lạc vào giữa thế giới này
Họ chăn tôi như chăn gia súc, cắt tôi như cắt ngô
Lấy khỏi tôi những đứa bé trước khi chúng được sinh
Tiếng khóc của tôi bay đi trong vô vọng
Máu của tôi trên cát, chảy trong dòng sông
Mà bây giờ có lẽ đã rửa sạch tay họ rồi
Chẳng có nhân chứng, chỉ có chúa trời
Ngài khóc khi thấy tôi đang rơi
Bạn có nhớ đến tôi, có viết được tên tôi?
Qua ô cửa sổ vỡ, những bức tường của sự lãng quên trải dài mãi
Là nơi những giọt nước mắt thiên đàng rơi xuống
Tôi lạc giữa thế giới này
Emmy có giọng hát khó tả, vừa nức nở vừa hững hờ, vừa day dứt vừa vô cảm. “Lost unto this world” đầy thương cảm là tấm lòng cô chia sẻ với thân phận người phụ nữ bị lợi dụng, bị chà đạp.
Đó cũng là cách người nghệ sỹ gửi một thông điệp, lay động tình thương của những người may mắn có cuộc sống bình thường.
Stumble into Grace là một tựa album khó dịch, cũng như giọng hát Emmylou – khó tả, cảm xúc và tinh thần từng câu từng chữ, từng bài – khó chuyển tải.
Tôi đang cố gắng, một cách vô vọng, làm chiếc cầu đưa bạn tới thế giới tinh thần – tô vẽ đơn giản nhưng sâu sắc và rất tinh tế trong âm nhạc của Emmylou Harris, và chỉ làm được đến thế. Đằng sau, vẫn còn rất nhiều để khám phá./.
Chia sẻ bài viết này