Em tự chủ nhưng em chớ tự kiêu!

Nhân dịp 8/3 – ngày Quốc tế Phụ nữ, Đẹp Online xin giới thiệu chuyên đề “Phụ nữ tự chủ” với những góc nhìn, những câu chuyện xoay quanh việc người phụ nữ tự chủ như thế nào trong cuộc sống, cần và nên giữ sự tự chủ của mình ra sao. Phụ nữ tự chủ sẽ có những điểm lợi hay bất lợi gì.
Mời quý độc giả cùng theo dõi các bài cùng chuyên đề:

Nàng quyến rũ bởi vì nàng độc lập

Tôi đã vượt qua ly hôn như thế nào?

Là con gái, em cũng có thể cầm cưa chứ!

Em cưới anh, nhưng với hai điều kiện…

Tổ chức chuyên đề: Hà Phương

Mị còn trẻ, Mị… không cần đàn ông lo hộ

Phong trào đòi bình đẳng giới của phe chị em trong khoảng 10 năm trở lại đây được dịp bùng nổ dữ dội với những tấm gương chói lòa các nữ doanh nhân thành đạt có tiền sắm giường bạc tỷ nhưng chỉ ngủ với chó mèo. Các nữ nghệ sĩ cạo trọc đầu hàng ngày lên Facebook bình phẩm về 1001 thói xấu của đàn ông Việt và tuyên bố xanh rờn chỉ có phụ nữ (và vibrator) mới mang lại hạnh phúc cho nhau. Hay các “single mom” chường mặt trên báo khoe mình tự mang thai và nuôi con mà chẳng cần sự trợ giúp của ông nào hết (?). Với lịch sử đen tối bị bắt phải ở nhà rửa bát, phụ nữ Việt Nam đã được thắp sáng những tư tưởng tiến bộ bởi các tấm gương đó. Thế là họ ngộ nhận rằng để trở thành một người phụ nữ tự chủ và kiên cường, ta cần phải… không cần đàn ông.

“Không cần” ở đây không bao gồm “chuyện ấy” (May quá! Chứ phụ nữ mà hạnh phúc với nhau hết thì đàn ông kiếm tiền chắc chỉ để mua dầu ăn). Cái phụ nữ (cho rằng) không cần ở đàn ông chính là một vòng tay rắn chắc ôm chặt lấy nàng khi đông về, là sự ân cần đón đưa nàng khắp các quán ăn vặt cho tới những trung tâm mua sắm đang giảm giá điên cuồng. Và quan trọng nhất, nàng không cần sự trợ giúp về quan hệ hay tài chính của đàn ông mà vẫn có thể phấn đấu cho sự thành đạt của một nữ doanh nhân.

Thế là xã hội ta được dịp bùng nổ hàng tấn hàng tồn kho giữ khư khư chìa khóa, không dám để người đàn ông nào chen vào cuộc đời mình, hoặc có thì cũng chỉ cho phép chàng đứng mé mé ngoài cửa, thi thoảng gọi vào rồi lại cho lui. Ngày xưa, Mị chỉ muốn được đi chơi. Ngày nay, Mị chẳng những phá tan xiềng xích của thống lý Pá Tra và A Sử, mà còn làm ngơ luôn cả A Phủ để vào rừng làm nữ chúa rừng xanh, sống tự do tự tại, ngày ngày ca hát với chim muông.  

 

Vì đâu nên nỗi?

Mặc dù thuộc “phe gậy”, nhưng tôi sẽ không khoan nhượng mà thưa rằng lỗi lầm hoàn toàn do đàn ông chúng tôi hết. Chúng tôi quá lười, đẩy hết việc nhà cửa, bếp núc, chăm con, thậm chí cả một công việc cực kỳ nặng nhọc là… đổ rác cho bà, mẹ, chị, em gái, vợ, bạn gái, bồ, con bé hàng xóm. Sau nữa, chúng tôi ích kỷ, gia trưởng, độc đoán. Mồm miệng thì hô hào bình đẳng giới cho phái nữ, nhưng về nhà vẫn tuyên bố “rửa bát là việc của đàn bà, việc của đàn ông là nằm ườn ra ghế ôm khư khư cái điều khiển TV”.

Nhưng trên tất cả, cái tội to nhất của chúng tôi là đã cố tình đãng trí hoặc mất tích đột ngột vào những ngày có liên quan tới phụ nữ như ngày Rửa bát quốc tế,  ngày Giặt quần áo Việt Nam, ngày Mẹ-anh-bảo-em-phải-sinh-con-trai. Suýt quên, còn cả những ngày không quan trọng lắm như 8/3, 20/10. Phụ nữ vốn đã phải nhường nhịn đàn ông cả năm trời chỉ để chờ tới những ngày đó, được các anh các chú tặng một bó hoa, một cái bánh hay coupon Tự nguyện lau nhà miễn phí một tuần, thế mà cũng không có. Các ông cứ tưởng tượng mình làm việc quần quật cả tháng trời, xong đến ngày lĩnh lương thì phòng kế toán đóng cửa, xem có còn muốn đi làm nữa không.

Từ những lý do trên, chúng tôi hoàn toàn chẳng có quyền kêu ca về xu hướng thích tự làm lấy mọi việc của nhiều chị em phụ nữ hiện nay. Chẳng trách mà cô bạn của tôi năm nay gần 30 tuổi, đi du học về là tót vào Sài Gòn, cày cuốc như con điên từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần làm bạn với căn bếp và tiểu thuyết của Banana Yoshimoto.

 

Hãy tự chủ chứ đừng tự kiêu!

Tuy nhiên, mục đích của bài viết này không phải nhằm kể tội đàn ông và xúi giục phụ nữ tẩy chay phái mạnh. Trái lại, tôi muốn cảnh báo về sự ngộ nhận của cái gọi là “tự chủ” trong mắt phụ nữ.

Thứ nhất, phái nữ vốn là giống loài nhẹ dạ, dễ bị lung lay trước những gì hào nhoáng, lấp lánh hoặc có đề “giảm giá 50%”. Việc tự chủ trong cuộc sống khác hoàn toàn với suy nghĩ tiêu cực ta giỏi, ta tự lập, ta không cần đàn ông. Cái đó đàn ông chúng tôi gọi là tự kiêu. Ngay từ khi còn bé, bố chúng tôi đã dạy rằng con đi học mà thấy con bé nào cứ vênh cái mặt lên giời, bạn trai cho kẹo không thèm nhận, thì đừng chơi với nó kẻo lây tính kiêu kỳ.

Thứ hai, vẫn có câu “em chỉ việc tỏ ra yếu mềm thôi, còn làm anh hùng cứu mỹ nhân cứ để anh lo”. Đàn ông chúng tôi không thích những cô nàng quá mạnh mẽ. Họ không bao giờ khóc dù rất muốn, họ không cần chúng tôi bê đồ giúp mặc dù đang xách valy trẹo cả vai… Nhiều chị em phụ nữ đòi bình đẳng giới nhưng vẫn than phiền đàn ông không ga-lăng, không nhường chỗ, không mở cửa xe cho họ. Có người phê phán họ ích kỷ, “bình đẳng nửa mùa”, nhưng thực ra chúng tôi rất trân trọng những người phụ nữ đó, bởi họ biết cái gì thì nên ganh đua với đàn ông, cái gì không nên.

 

Cuối cùng, như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Phụ nữ càng tự chủ thì đàn ông sẽ càng… lười. Chúng tôi sẽ lười đến mức… tiệt chủng. Lúc đó, ai sẽ là người mở cửa và xách đồ cho các chị em, ai sẽ đưa đón và tặng hoa ngày 8/3 cho bà, cho mẹ, cho vợ, cho chị em và bạn gái? Vậy nên, xin được thay mặt toàn bộ cánh đàn ông mà thì thầm vào tai các chị em trong ngày Quốc tế phụ nữ năm nay: “Các chị em tự chủ vừa đủ thôi, đàn ông chúng tôi tự ti không kịp”.

Bài: Hoàng Nhật

logo

Hoàng Nhật sinh năm 1988 – là tác giả của tập truyện ngắn Người bắt chim lợn được xuất bản năm 2013.

Tập truyện ngắn với lối viết giản dị, trẻ trung và hài hước. Mặc dù nhân vật trong các câu chuyện đa số là đàn ông nhưng qua đó lại phản ánh hình ảnh của người phụ nữ. Nét đẹp của người phụ nữ không hẳn qua ngoại hình hấp dẫn và gợi cảm mà họ thường toát lên vẻ độc lập, cá tính và thú vị.


From the same category