“Em hồn nhiên rồi em sẽ thành tên”

Cuối cùng thì Sao Mai Điểm hẹn cũng khởi sự, và đời sống âm nhạc vốn đang buồn tẻ do thời cuộc và… thời tiết cũng đang nóng lên một chút, trên mặt báo, trên màn ảnh ti-vi (tất nhiên!).

 Một lớp ca sĩ mới được kỳ vọng từ “sân chơi” này, kéo theo những hy vọng xa hơn về một sự “thay máu”, mối hy vọng luôn âm ỉ kể từ ngày lãng nhạc Việt ra khỏi cơn thăng hoa “đột xuất” gần 10 năm trước…
 
Những gì các ca sĩ của Sao Mai Điểm hẹn 2006 thể hiện trong hai đêm thi đầu tiên chưa nói lên điều gì đáng kể. Những khen chê đầy tính xã giao của Hội đồng nghệ thuật, những kỳ vọng quá cao của báo chí về cái “mới” rất mơ hồ thực ra chỉ có tính tham khảo cho… vui, cho cuộc chơi bớt buồn tẻ. Những người tham gia cuộc chơi, đa số đã có kinh nghiệm đi hát ở những nơi vốn chẳng phải “thánh đường nghệ thuật” – thường là bar, vũ trường, phòng trà, café ca nhạc… – nên nếu có tỏ ra “khớp” hay “rụt rè” cũng là do áp lực thi cử mà thôi – truyền thống ở xứ này, mà khán giả số đông, chính là “bầu trời” rộng lớn cho các Sao Mai toả sáng thì quan sát cuộc đua tài một cách khá bình tĩnh, có phần thản nhiên, không nồng nhiệt như Hội đồng nghệ thuật, và không sốt ruột như báo chí… Một cái nhìn về Sao Mai từ chính “bầu trời” có lẽ sẽ thực tế hơn là nhìn từ… mặt đất.
 
Dù những người tổ chức cuộc chơi có kiên quyết phủ nhận tính thi thố của Sao Mai Điểm hẹn – có lẽ do những lo lắng về chuyện bị quy kết thiếu công bằng – thì đây vẫn cứ là một cuộc thi. Mất đi tính thi cử cũng là mất đi tính cạnh tranh, chương trình này sẽ là những buổi xếp hàng lên hát nhàm chán. 
 
Vì là cuộc thi nên nhiều thái cực khác nhau mới xuất hiện, mới tạo ra sức hấp dẫn. Nhưng cũng lại chính tính cạnh tranh khiến các ca sĩ ngần ngại, cứ như vừa hát vừa xem chừng… đối thủ. Người ta nhận thấy 3 cô gái tên Trang hay Cẩm Tú, Dương Quốc Hưng… có vẻ cố “gồng” mình lên để chứng tỏ sự chuyên nghiệp hay bản lĩnh ca hát dạn dày. Hà Anh Tuấn thì có kiểu “gồng” khác, muốn chứng tỏ gu nhạc, gu hát của mình gần với hàng các… diva nhạc Việt.

Cái gì phải cố thì thường không tự nhiên, vì vì đều gồng nên họ trở nên… giống nhau. Họ không thoải mái và hát không được hay trong đêm đầu tiên cũng dễ hiểu. Cẩm Tú có vẻ “khôn” khi chọn một bài hơi hướng jazz, ít ra cũng khiến đa số khán giả cả thấy lạ, vì lạ nên được khen. Còn “phe nhạc viện”, với hai đại diện ưu tú là Ngọc Anh và Phương Linh thì không phải gồng, bản lĩnh có sẵn, vì thế mà trở nên lạnh lẽo. Xinh đẹp và hát hay như Phương Linh nhưng khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ lạnh lùng, cười chưa đẹp, thì rất khó mà tranh thủ… tin nhắn bầu chọn. Có lẽ khái niệm biểu diễn của đa số ca sĩ của chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở dăm ba điệu nhảy, vài nụ cười hay cái lắc đầu hất tóc mà còn ít quan tâm tới việc quan sát nhằm tạo được hiệu ứng tốt nơi khán giả. 
 
Vì là cuộc thi, chuyện cũ – mới không cần đặt ra, quá thừa, quan trọng là hay hoặc không hay. Vả lại, có điều gì đó trái khoáy khi người ta một mặt tôn vinh những bài hát cũ, như những giá trị vượt thời gian không thể phai mờ, thì mặt khác lại cứ đòi những người thi hát phải hát những bài hát “mới” và được đà đòi thêm cả những cái mới khác mà có lẽ chính người “đòi” cũng chẳng hình dung được nó ra sao. Khi mà cả những diva hay siêu sao thị trường còn bất lực trước cái mới thì làm sao những người mới chập chững vào nghề có thể làm thay được cái việc quá đỗi nặng nề và cũng rất… mơ hồ ấy? Đặt trường hợp Minh Thư thay vì hát với chú ve con lại hát với Giọt mưa thu chẳng hạn, cũ hơn ve con bao nhiêu lần, không chừng lại được khen! Ở những cuộc thi lớn, như Pop Idols, American Idols, đầy thí sinh hát nhạc xưa, nhạc Phil Collins hay Frank Sinatra, xưa hơn nữa, cứ xuất hiện đều đều, chẳng ai ca thán bài hát mới bài hát cũ cả!
 
Cuối cùng thì điều quan trọng nhất với các “sao mai” là họ sẽ toả sáng ra sao giữa một bầu trời rộng lớn chứ không phải chỉ trong trường quay của đài truyền hình. Cũng vì độ “chênh” giữa thói quen thưởng thức của công chúng và một bộ phận giới truyền thông mà những ca sĩ sau một cuộc đua tài lớn dễ bị… lạc giữa một mớ bùng nhùng những quan niệm về sự nổi tiếng, về sự dấn thân về tiêu chuẩn của những ngôi sao v.v…

Trong khi khán giả rất thoải mái đón nhận những ngôi sao mới, cũng không đòi hỏi những người đã được giải phải giành giật để trở thành ngôi sao thị trường ăn khách hàng đầu, thì không ít ca sĩ luôn phải quay cuồng với những câu hỏi của các nhà báo rằng sao lại chìm nghỉm, sao không thành ngôi sao, sao mà cát-sê không tăng, sao không thấy hát ở những… phòng trà lớn v.v và v.v… trong khi có những người chỉ muốn giản dị là trở thành một nghệ sĩ “nhà nước” để có cuộc sống bình yên, có người chỉ thích đi dạy hát…

Một bầu trời bao la có nhiều ngôi sao, mỗi ngôi sao có một cách toả sáng khác nhau, sẽ nhàm chán biết bao nếu sao nào cũng giống hệt nhau, sẽ mệt mỏi biết bao nếu lúc nào làng nhạc cũng chỉ toàn chuyện giành giật cho cái địa vị “sao”. Với các “sao mai” mới, hãy cứ để cho họ được hồn nhiên trong cuộc hẹn mới với nhau, có hồn nhiên họ mới hát hay được, chứ chẳng phải vì lấy lòng Hội đồng nghệ thuật hay vị… sợ nhà báo chê!/.


From the same category