Em hiền như dân ca

Luôn là thiếu, những bài hát Việt có màu dân gian Việt một cách có trình độ, tinh tế và sâu sắc, bởi không nhiều các tác giả có khả năng khai thác dân nhạc triệt để và hiệu quả. Luôn là thiếu điều ấy, song dường như khá thừa những “hơi” nỉ non, nhão nhớt mà dòng nhạc trữ tình bình dân đã và đang dấn sâu vào một cách kiệt cùng. 
 
Luôn là thiếu cái hay và luôn thừa những điều dở hơi đáng buồn. 10 năm trước, dòng trữ tình bình dân – một cách gọi khác đi của “nhạc sến”, – hình như không đến mức… sến như hôm nay. 10 năm trước, những Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Đình Văn, Nhất Sinh và những Hà Phương, Tô Thanh Phương hát ngọt những giai điệu ngũ cung Nam và Huế để người không thích cổ nhạc cũng vẫn thấy thú; Còn “fan” của dân ca cải biên thì cũng có cửa để mà tự hào, để mà kiêu hãnh rằng mình đang rất gần với cội rễ. Ngay cả nhạc hải ngoại, 10 năm trước, dường như sạch và lành hơn. 10 năm sau, tình hình đã khác, đã tối, đục hơn rất nhiều mà không ai buồn quan tâm lý giải.
 
Có quan tâm cũng chưa chắc lý giải nổi. Mỏ quặng dân nhạc đã cạn ư? Nó đã đầy bao giờ để mà cạn? Nó đã được khai thác đến đáy chưa, hay chỉ mới ở những mặt nổi dễ tìm dễ nhặt? Nếu không còn gì để nhặt, chẳng hạn, thì can cớ vì đâu những Quang Linh, Cẩm Ly trong nước, những Mạnh Đình, Mạnh Quỳnh, Như Quỳnh hải ngoại vẫn còn tiếp tục sống vững nhờ vào dòng trữ tình ấy, hơn nữa, còn chứng tỏ khả năng biến báo vô cùng linh động trong dòng suối ấy? Những người hát dân ca cải biên mùi mẫn là những ca sĩ giàu nhất hiện thời, chỉ trông vào những chuyến chạy sô miền Tây là đủ biết.
 
Hỏi một ai đó, vì sao bạn chọn hát dân ca, thì câu trả lời sẽ đại loại rằng em yêu dân ca, rằng em cảm thấy hơi thở dân ca thấm vào máu em từ lúc nào, rằng em nghĩ người Việt phải biết hát dân ca Việt, rằng thì là rất nhiều lý do khác nữa. Tựu trung lại, em hát dân ca vì em không hát không-dân-ca. Thế đấy!
 
Bao giờ những ca sĩ hát dân ca cũng được ưu ái hơn bởi giới truyền thông, họ được chấp nhận bởi một phổ rộng các tầng lớp lao động. Các bậc cha mẹ xem dân ca vô hại, đã thế, còn lành mạnh hơn hip-hop hay là rock là cái chắc. Dân ca dễ hát, dễ diễn, không đòi hỏi trang phục cầu kỳ, nhóm múa này vũ đoàn kia chóng mặt, chỉ cần mê nón và áo bà ba là xong, sang hơn chút thì diện áo dài thướt tha uốn lượn. Dân ca đồng nghĩa với hiền, với chân quê, với đáng tin cậy, với thủy chung son sắt, với tức cảnh sinh tình, với ngợi ca lao động, với tam tòng tứ đức và tiết liệt khả phong. Dân ca đồng nghĩa với điều hay lẽ phải.
 
Cái cần nói đến ở đây là, chưa hẳn chúng ta đã có một nền ca khúc cải biên dân nhạc đáng tự hào. Quá ít những bài hát có đẳng cấp – như tôi đã nói qua ở trên và còn ít hơn nữa những thái độ đúng đắn với dân ca. Nhiều nhạc sĩ trẻ muốn bài hát mình được chấp nhận dễ dàng trên các phương tiện truyền thông nên đã viết dân ca cải biên một cách rất ấu trĩ. Âm nhạc non nớt, lời ca còn kinh khủng hơn. Đâu đó luôn cho ta cảm giác toàn những thứ sống sít, vội vàng và sượng ngắt.
 
Đó đây có thể gặp một ít sáng tác tốt, như của Nguyễn Cường dạo trước (tác giả này viết ca khúc dựa vào dân ca Bắc Bộ còn tuyệt hơn cả Tây Nguyên), vài ca khúc Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Phú Quang, Trần Quế Sơn, Nguyễn Nhất Huy. Bấy nhiêu không đủ cho một thị trường mà người nào cũng có tham vọng… hiền đi một chút bằng dân ca. 
 
Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngược lại, Thanh Lam chẳng hạn, chọn dân ca là để tuôn hết trữ lượng của mình ra, chứ chẳng hề hiền đi mảy may nào. Ngọc Khuê cũng thế, Tùng Dương cũng vậy. Hay nhu cầu tạo lập hình ảnh gây sốc đang lấn át những tham vọng hiền?
 
Chỉ thấy rõ một điều, dân ca cải biên hay, mới cứ tiếp tục hiếm. Vỉa quặng dân gian phơi bày cả ra đấy, chỉ còn bỏ công nhặt mà cũng không mấy ai nhặt cho ra nhặt. Khổ thay!
 
Thì những người hát dân nhạc cải biên sẽ có ít hơn nữa những cơ may để mà hiền, để mà chân quê, để mà tiết liệt và thủy chung son sắt vậy! 
 
(Quốc Bảo)


From the same category