Elvis Phương: Nghề hát bạc lắm, nhanh bị đào thải, nhanh bị lãng quên - Tạp chí Đẹp

Elvis Phương: Nghề hát bạc lắm, nhanh bị đào thải, nhanh bị lãng quên

Sao

1366279960-phinhung16
Ca sĩ Elvis Phương

– Đã qua tuổi 70 và lui về sống điền viên, ít xuất hiện trên sân khấu ca nhạc nhưng mới đây Elvis Phương quyết định tái ngộ khán giả Hà Nội trong đêm “Tình ca của Phương” tối 29/12 tại Nhà hát Lớn hẳn vì ca khúc “Nửa đêm ngoài phố” của nhạc sỹ Trúc Phương chính là bài hát đầu tiên Elvis Phương thu âm?

– Trong các nhạc sỹ mang tên Phương, tôi thân thiết nhất với Lam Phương. Riêng nhạc sỹ Trúc Phương, thì là cả câu chuyện dài. Có lẽ là chúng tôi có duyên với nhau. Thuở mới đi hát, tôi chỉ hát nhạc quốc tế, nhạc Pháp, mê nhạc rock của Elvis Presley mà lấy nghệ danh là Elvis Phương.

Một lần tôi đi chơi với bạn trong một trường của các xơ, trong đó có dựng một sân khấu và có ban nhạc. Được các bạn cổ vũ, tôi lên hát mấy bài nhạc Pháp và rock của Elvis Presley. Một lúc sau, ở dưới khán giả nói vọng lên “hát tiếng Việt đi…” Khi đó, tôi mới nghĩ, chết rồi có bao giờ hát nhạc Việt đâu, làm sao đây! Cái khó ló cái khôn, chợt sực nhớ ra ở nhà ba mẹ thường mở băng Trúc Phương, tôi nghe nhiều cũng thuộc được bài “Nửa đêm ngoài phố.” Hiềm nỗi, chưa bao giờ hát nhạc trữ tình, tôi mới đánh liều bàn với ban nhạc, nửa đầu hát theo nguyên gốc nhạc trữ tình, đoạn sau thì chuyển sang phong cách rock xem sao. Kết quả cũng rất bất ngờ, khi tôi hát “Nửa đêm ngoài phố” theo phong cách rock thì khán giả hưởng ứng nhiệt tình.

Ngay sau buổi đó, tôi lóe lên suy nghĩ, tại sao khán giả yêu nhạc Việt như vậy mà mình không hát. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu học hát nhạc Việt, học phát âm tròn vành rõ chữ, luyện hát luyến láy.

Elvis Phương tiết lộ sẽ ‘gánh’ phần tôn vinh nhạc phẩm Lam Phương. (ẢNh: HD)

– Trong đêm “Tình ca của Phương” khán giả sẽ được nghe Elvis Phương “rock hóa” tuyệt phẩm “Nửa đêm ngoái phố” với phong cách đầy nam tính vốn đã làm nên dấu ấn của ông?

– Tôi sẽ hát tình ca Lam Phương. Riêng bài “Nửa đêm ngoài phố” sẽ được hát như thế nào tôi muốn giữ bí mật đến phút cuối cùng (cười).

– Cách đây không lâu, trong giới nhạc lùm xùm câu chuyện về sự nở rộ trở lại của nhạc bolero. Một nhạc sỹ kỳ cựu còn ám chỉ rằng bolero là âm nhạc đã lỗi thời và thế hệ trẻ không nên hát dòng nhạc này. Nhưng mới đây, trên mạng có phát một clip danh ca Tuấn Ngọc và Sơn Tùng M-TP hát chung với nhau “Chúng ta không thuộc về nhau” và “Riêng một góc trời” hay danh ca Khánh Ly vẫn song ca với Hồ Ngọc Hà trong show của mình. Ông nghĩ sao?

– Thứ nhất, tôi xin khẳng định nhạc Bolero không bao giờ lỗi thời. Bolero là một dòng nhạc, một phong cách, một thời đoạn. Nó dễ đi vào lòng người vì âm nhạc đó xuất phát từ nỗi niềm, tâm sự. Mà điều đó, thì thời nào cũng thế.

Riêng về sự kết hợp, tôi nghĩ câu chuyện không nằm ở chuyện Khánh Ly có thích hát với Hồ Ngọc Hà hay không và ngược lại. Đứng sau đêm nhạc không chỉ là nghệ sỹ mà còn là giới tổ chức. Đôi khi, để mang lại sự mới mẻ thì cũng nên “vượt rào.” Nhạc Trịnh rõ là gắn với Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng nhưng nếu Hồ Ngọc Hà hát thì cũng không có gì là không hay.

Elvis Phương cùng vợ và nữ ca sỹ Ngọc Châm (chủ chương trình Vàng son một thuở) đi thăm hồ Tây. (Ảnh: HD)

Quan điểm của tôi với âm nhạc và nghệ thuật là đừng cực đoan quá, phải thử qua thì mới biết. Nếu trước đây tôi không thử hát “Nửa đêm ngoài phố” theo phong cách rock thì cũng không thể biết khán giả lại hưởng ứng đến thế. Nghề cầm ca, giọng hát chỉ là năng khiếu trời cho, phong cách và cách hát riêng mới quyết định dấu ấn của từng người. Chưa kể, người đi nghe thì 9 người 10 ý khác nhau, làm sao hài lòng được tất cả. Nếu đã yêu nghệ sỹ thì người ta hát với ai, bạn cũng vẫn sẽ yêu. Sự xuất hiện của những ca sỹ khác nhau chỉ là một gia vị làm mới mà thôi.

– Nói thì là vậy, nhưng nếu ông được ngỏ lời song ca với Sơn Tùng M-TP như trường hợp Tuấn Ngọc. Ông sẽ nhận lời hay từ chối?

– Tôi sẽ hát chứ! Ai trong đời cũng có những điểm thú vị hơn ta và khiến ta học hỏi. Dù không nghe nhiều nhạc trẻ bây giờ nhưng tôi có biết về Sơn Tùng M-TP. Khi ai đó vụt tỏa sáng thì không phải ngẫu nhiên họ tỏa sáng. Tất cả đều bắt nguồn từ sự may mắn và tài năng cả. Tôi nhìn Sơn Tùng M-TP thấy bóng dáng của chính mình những ngày đầu hát nhạc trẻ. Chúng ta nên khuyến khích những người trẻ. Dù tôi thấy, nhạc trẻ Việt Nam bây giờ bị “ngoại lai” nhiều, đặc biệt là ảnh hưởng bởi âm nhạc Hàn Quốc. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhạc trữ tình vẫn còn sức sống lớn còn nhạc trẻ thì sớm nở tối tàn, không ở lâu được trong lòng khán giả.

– Trong làng nhạc có vô vàn ca sỹ, nhưng qua nhiều thế hệ chỉ có số ít như Elvis Phương, Tuấn Ngọc hay Lệ Thu, Khánh Ly được là danh ca. Ở thời nào cũng vậy, đều chia thứ bậc, đẳng cấp. Tôi vẫn nghe những lời đồn thổi, rằng trong giới ca sỹ có những ca sỹ hạng A thì không hát với hạng B, hoặc “có người kia thì không có tôi.” Nhưng bây giờ, khi ở hoàng hôn sự nghiệp, những danh ca lại chấp nhận và thỏa hiệp chung sân khấu với bất cứ ai vì thương mại hay vì muốn níu giữ hào quang?

Elvis Phương chia sẻ để giữ được giọng hát hằng ngày ông dành nhiều thời gian tập thể thao, chạy bộ, bơi lội, yoga… (Ảnh: HD)

– Tôi nghĩ là nghề ca sỹ chính là được hát. Không biết các ca sỹ khác thế nào nhưng tôi quan niệm, không nên phân biệt như vậy. Âm nhạc nào cũng có khán giả. Thậm chí, trong một chương trình, ca sỹ nào hát bài của tôi, tôi sẽ hát bài khác. Âm nhạc là của các tác giả, ca sỹ đều được hưởng chung, quan trọng ai hát như thế nào, có khác nhau và để lại dấu ấn riêng, được khán giả yêu hay không.

Trong suốt 50 năm đi hát, tôi cũng chưa bao giờ đặt vấn đề, kiểu như “Tôi là danh ca, tôi có yêu cầu này hay tôi không hát với người kia, có tôi thì không có họ.” Hát là nghề, là nghiệp, là trời định. Mình hát để mang tiếng vui cho đời, sân si bước chân lên sân khấu thì còn ý nghĩa gì.

– Là người có nhiều năm trong nghề, hát nhiều dòng nhạc khác nhau, anh đánh giá như thế nào về những gương mặt nghệ sỹ trẻ vừa được yêu thích vừa gây tranh cãi hiện nay?

– Không nghệ sỹ nào không có tài mà nổi tiếng được lâu. Với tôi, người nào đứng vững vàng được trên sân khấu thì đó là người có năng lực. Mấy em trẻ bây giờ cũng có nhiều người hay lắm. Họ chính là đại diện cho thời đại mới. Thế hệ chúng tôi sắp qua rồi, cũ kỹ rồi. Nghề cầm ca bạc bẽo lắm, chóng bị đào thải, chóng bị lãng quên…

Theo Lan Di (VietnamPlus)

Thực hiện: depweb

29/12/2016, 16:06