Ea Sola Thủy: Với múa đương đại, phải xem mới học được

Chân dung: Ea Sola
Photo: Trần Việt Đức


Gần như chỉ có một đoạn clip ngắn ngủi chừng 1 phút quay tác phẩm múa của Ea Sola Thủy trên mạng. Đó là một đoạn giới thiệu Hạn Hán và Cơn Mưa được sáng tác lại năm nay. Nhưng những trang báo lại tràn ngập bài vở và những lời xưng tụng cho tác phẩm của chị. Nữ biên đạo múa đương đại nổi tiếng thế giới người Pháp gốc Việt này chia sẻ về nghệ thuật múa đương đại, con đường để người Việt có nhiều cơ hội hơn với loại hình nghệ thuật này.

“Khi chim công bắt đầu vũ khúc của mình trong rừng, vạn vật ngưng lắng dõi theo và cây rừng chuyển mình thành những chiếc lông vũ rực sáng”.
*Trích tuyên ngôn về Vẻ Đẹp Bền Vững của Davines.

Khi tìm tư liệu về múa đương đại, tôi thấy một điều, ở Việt Nam, có quá nhiều người ca ngợi, hâm mộ những tác phẩm múa của chị.

Đúng, có nhiều người khen và hâm mộ việc tôi làm. Thậm chí, còn muốn kết hợp giữa tôi và những người họ khen có tiềm năng. Khi tìm hiểu công việc họ khen, tôi rơi vào bàng hoàng, không hiểu nổi tại sao lại có thể khen những điều không thể khen. Cứ như thể, họ đánh giá mọi thứ khác nhau không dựa trên nền tảng nào.

Người xem tranh, phim, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, xem vở kịch, vở múa dù dân gian hay đương đại, họ đều phải có những cơ sở văn hóa nhất định. Không thể có chuyện đánh giá việc này lẫn lộn với việc khác, trái ngược nhau hoàn toàn. Vì thế, tôi tự hỏi, khi khen họ có ý thức điều gì khiến họ khen? Phân tích được không? Chính khi người ta chê mình cách đây hơn thập kỷ, tôi lại không thấy tình trạng giá trị lẫn lộn này. Khi đó, người ta còn lúng túng giữa dân gian với đương đại, giữa cái này với cái nọ, và còn sốc với những gì có vẻ mới. Bây giờ, họ hết sốc, chấp nhận mọi thứ một cách lộn xộn, thì đến lượt tôi là người bị sốc.

Cơ thể trắng (2009)

Chị ít dùng kỹ xảo ánh sáng, cũng ít những động tác nhảy múa kỳ lạ mà công chúng vẫn nghĩ là đặc trưng của múa đương đại. Vì sao vậy, thưa chị?

Tôi có thể nói điều này như một tuyên bố: múa ba lê, múa dân gian, múa hiện đại hay đương đại, tôi đều quý cả. Chỉ tùy cách làm của tác giả. Ba lê có những điều tuyệt vời. Bạn hỏi tôi, tại sao không quay, không nhảy? Có thể nhảy được chứ – dù là một thước rưỡi hay hai thước, chẳng qua đó là một bước đưa cơ thể trong không gian. Điều quan trọng, phải trả lời bởi sao nhảy? Có nhiều trường phái khác nhau và chúng ta nên giữ gìn cái đã dạng đó, mới là điều khiến mọi thứ muôn mặt, lành mạnh. Không nên tự dưng đi vứt cái này, lấy cái kia, để thế này mới được.



Hạn Hán và Cơn Mưa (2011)

Thực lòng, tôi vẫn muốn chị giải thích thế nào là múa đương đại.

Tôi không trả lời về múa đương đại theo kiểu nhiều người chờ đợi, rằng họ đã hiểu về đương đại thế này, còn những người kia không hiểu về đương đại. Tôi không trả lời như thế, vì đó là việc không thể làm. Nhưng tôi muốn nói điều này, với tôi, hiện giờ múa đương đại mang điều buồn, làm tôi tức giận và đau xót.

Vì sao vậy, thưa chị?

Nghệ sĩ múa đương đại ở Việt Nam, ở Đông Nam Á, thậm chí toàn cầu – không có gì mấy. Đừng hỏi đương đại là gì mà hãy hỏi những điều họ thực sự cần, nó đâu? Sàn tập họ đâu? Nhà hát cho họ đâu? Người lập chương trình quanh năm cho họ đâu? Những nhà đồng sản xuất, tự bỏ tiền ra, cho họ đầu tư xây dựng vở đâu? Mà nếu có nơi tập luyện, họ phải trả giá cao thế nào? Nghệ sĩ đương đại cứ như là đánh nhau với cối xay gió vậy. Những tòa nhà mọc lên, nhưng chẳng có chỗ nào cho họ – những niềm vui và hạnh phúc của họ.

Cơ thể trắng (2009)

Thế thì múa đương đại của Việt Nam đang ở đâu, thưa chị ?

Để xây dựng một tầng lớp khán giả, cũng như nghệ sĩ, thì phải có cơ sở. Phải có tiền, có đầu tư triệt để. Cứ nói muốn xem, nhưng không có gì trong tay thì làm sao? Nếu múa đương đại trong nước có yếu, thì cũng không phải vì không có tài năng, mà vì không có cơ sở và hệ thống cho họ. Không để ý đến họ.

Chị đi nhiều, giàu kinh nghiệm. Theo chị, để có được mặt bằng văn hóa cần thiết cho thưởng thức múa đương đại thì cần làm thế nào?

Khán giả phải được xem, được tiếp cận với nhiều tác phẩm. Khi như vậy, tự họ sẽ hình thành con mắt nghệ thuật của mình, một cái nền hiểu biết để nhận ra công việc nào giá trị, nghệ thuật, có sự sâu sắc. Thứ không có trường lớp nào khác làm được. Nhưng giờ ở Việt Nam, chẳng lấy đâu ra nhiều vở múa đương đại mà xem.  Điều đó thì tôi có trách nhiệm, nhà báo có trách nhiệm la lên. La để nghệ sĩ phải được làm nghề, chứ không phải xoay sở đủ thứ nữa. Sau đó, khán giả mới xây dựng được tầm nhìn cho mình. Rồi nghệ sĩ mới đại diện quốc gia chỗ này chỗ khác, trong Đông Nam Á, tới quốc tế chẳng hạn.

Nhưng mang ra nước ngoài cũng không phải là đích cuối cùng. Bởi cái quan trọng nhất là làm cho mình, cho dân mình xem. Giờ càng phải tạo điều kiện cho nghệ sĩ, bởi thời điểm toàn cầu này ngôn ngữ múa khác rồi, đi nhanh lắm. Nên càng phải khẩn trương tạo không gian cho múa đương đại nói riêng và múa nói chung. Với cái ngôn ngữ của hôm nay, bài thơ nói về trăng, cũng để nói về da thịt, để nói về chính chúng ta. Đây là câu trả lời về đương đại.

Air Lines, solo de Ea Sola (2008)

Nếu muốn xem những tác phẩm múa của chị thì có thể tìm đĩa ở đâu, thưa chị?

Tôi không có đĩa, không làm đĩa, bán đĩa. Những vở diễn đó phải được xem với điều kiện đúng của nó. Đĩa không làm được điều đó. Vở múa đâu phải chương trình truyền hình hay bộ phim. Phải xem tận nơi – chỉ có mỗi cách đó thôi. Chính vì thế, tôi lạ vì nhiều người chỉ xem DVD xong đã đánh giá một tác phẩm. Đó chỉ là một thông tin tham khảo thôi. Nếu xem thông tin đó mà không thích, cũng vẫn phải đi xem vì khi đi xem có thể sẽ khác đáng ngạc nhiên.

Bài Kiều Trinh
Bản quyền hình ảnh trong bài: Ea sola Thủy


From the same category