Đường tới một ngôi sao - Tạp chí Đẹp

Đường tới một ngôi sao

Bộ Sưu Tập

Con đường trở thành ngôi sao số 1 trên thị trường ca nhạc của Đàm Vĩnh Hưng là một “ca” khá đặc biệt của showbiz Việt. Giọng hát hoàn toàn bản năng, từ chất giọng đến kỹ thuật xử lý bài hát. Ở tuổi 30, thời mà các ngôi sao đã “chín hết” thì Hưng mới bắt đầu phát sáng. Và ở tuổi 40, khi nhiều ngôi sao đã toan tính đường “hạ cánh an toàn” thì Hưng vẫn tiếp tục “bay” với những dự án âm nhạc ngày càng hoành tráng hơn, những phát biểu ngày càng gây sốc hơn và quan trọng là, lượng công chúng bị Hưng thu phục có vẻ ngày một nhiều hơn.


Lạc thời

Không giống với nhiều ca sĩ chọn nghiệp ca hát vì… không biết làm gì khác, vì mưu sinh làm giàu hay vì muốn nhanh nổi tiếng, Đàm Vĩnh Hưng (ĐVH) bỏ bê cả nghề cắt tóc để đi hát chỉ vì thích hát, sự nghiệp ban đầu khá lận đận. “Tôi đã hát trước 1996 nhiều năm, nhưng không đâu vào đâu, bị dang dở nửa chừng hoài. 1990-1991 tôi đã đi hát rồi, hát vòng vòng, xong rồi ngưng.

1993-1994 đi hát lại, hát rồi chán, không đâu vào đâu lại dẹp. Ngày đó hát ít tiền. Tết là ngày nghỉ vui nhất nhưng mình phải chạy đi hát 12 – 14 suất, lúc đó chạy hát tùm lum các công viên tụ điểm”. Tận năm 1999, sau khi đã đoạt giải Tư cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM – giải thưởng cao nhất giành được sau… 8 lần đi thi, Hưng vẫn còn chạy xe máy đi hát đám cưới tận Củ Chi tới mức đến trễ một show diễn. Cát sê hát đám cưới lúc đó chỉ 20 – 30 ngàn đồng.

Hưng đã thử đi theo con đường “chính thống” của hầu hết các ca sĩ mới vào nghề, đó là tham gia các cuộc thi ca hát với hy vọng tìm kiếm giải thưởng – tấm “card visit” để thăng tiến, song không thành công. Ngay cả khi về đầu quân cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, lúc bấy giờ, Trung tâm này được xem là một trong những bàn đạp quan trọng của các ca sĩ trẻ săn lùng các giải thưởng quốc tế làm bệ phóng cho sự nghiệp ca hát, thì sự nghiệp của Hưng cũng không đi đến đâu.

Những đồng nghiệp “đàn em” tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố khi đó (xét về tuổi tác, Hưng hơn họ cả chục tuổi), lần lượt Hồng Ngọc, Mỹ Tâm, Vân Quỳnh đều kịp gặt hái những giải thưởng từ các cuộc liên hoan ca nhạc trong khu vực. Năm 1999, Hồng Ngọc đoạt giải nhì ca sĩ mới xuất sắc nhất châu Á trong liên hoan tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Một năm sau, Mỹ Tâm vượt lên đoạt Huy chương đồng (giải chính thức) cũng tại liên hoan nói trên. Và cùng năm này, Vân Quỳnh đoạt giải tài năng trẻ giọng hát châu Á tại Kazakhstan. Những cơ hội “chính thống” ấy không hề đến với ĐVH, khi đó đã ở tuổi 30. Không biết có phải vì vậy mà Hưng có cơ hội đến với thành công bằng con đường “không chính thống”, đôi khi còn đối nghịch.

Điểm lại những “cột mốc” trên con đường trở thành một ngôi sao của ĐVH, có thể thấy hầu hết đều lạc ra khỏi con đường chính thống.

Cột mốc đầu tiên, “Tình ơi xin ngủ yên” – album đầu tay và cũng là album tạo nên “hiện tượng Đàm Vĩnh Hưng” đã phải đi đường vòng trước khi về Việt Nam: do một trung tâm ca nhạc hải ngoại phát hiện, sản xuất và phát hành, tới mức khi cái tên ĐVH bắt đầu được nhắc tới trên thị trường, nhiều người tưởng Hưng là… ca sĩ hải ngoại.

Năm 2001, album này bán như tôm tươi ở các xó xỉnh, từ xe kẹo kéo, đến xe bus, từ cà phê vỉa hè đến vũ trường, được ví với “cơn lốc trên thị trường băng đĩa”. Hưng lên từ đây, nhưng cũng vướng vào vô khối chuyện.

Lúc bấy giờ Làn Sóng Xanh đang ở thời kỳ quyền lực nhất đối với thị trường ca nhạc trong nước, chỉ cần giải thưởng này “cộp” vào cái tên ca sĩ nào lúc đó là thời kỳ hoàng kim tới ngay. Năm 2002, cái tên ĐVH xuất hiện trên “bảng phong thần” nhưng ngay sau đó, người ta phát hiện rằng những ca khúc lọt vào bảng xếp hạng của Hưng đều “vướng” về tác giả.

“Tình ơi xin ngủ yên” và “Bình minh hãy mang em đi”, hai bản “hit” của Hưng lúc đó “out” khỏi bảng xếp hạng vì là ca khúc nhạc ngoại, trong khi Nhật Trung, tác giả ca khúc “Góc phố rêu xanh”, một bản “hit” khác trong album “Tình ơi xin ngủ yên”, lại lập lờ giữa tác giả trong nước và tác giả hải ngoại. Vào thời điểm đó, chuyện này bị xem là “phạm qui”, nhưng may mắn được bỏ qua vì sự lơ đãng của Ban biên tập Làn Sóng Xanh.

Sau đó Hưng “dính” liên tiếp các “vụ án” ca khúc của tác giả hải ngoại, từ “Nếu có yêu tôi” đến “Phố đêm”. Nếu ai đó không nhớ, thì xin được tóm tắt thế này: Cả hai “vụ” nói trên cùng có chung một “kịch bản”: “Nếu có yêu tôi” (nhạc Trần Duy Đức, phổ thơ Ngô Tịnh Yên) và “Phố đêm” (tác giả Tâm Anh) được phổ biến tại hải ngoại và miền Nam trước 1975 và chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, song lại được ĐVH sử dụng trong các album của mình sau khi đã đổi tên tác giả.

Vụ việc chỉ được phát hiện chính các tác giả thực và cả tác giả hờ lên tiếng. Hưng mau mắn thoát ra khỏi những vụ rắc rối này, thậm chí ngay lúc đó anh còn được trao giải thưởng “Gương mặt trong năm” Làn Sóng Xanh – giải thưởng dành cho những ca sĩ “vẹn toàn”.
Đơn giản, vì thời của Hưng đã đến.

Và hợp thời

“Tôi thích làm những điều người khác không dám làm, ít làm”. Điều này nói lên một phần tính cách “nổi loạn” của ĐVH, cả trong âm nhạc lẫn lối sống. Với Hưng, mọi thứ được xem là chuẩn mực đều… vứt!

Đến cả hàng hiệu vài trăm với vài ngàn đô mua về anh còn sẵn sàng cắt bỏ và tự chế ra thứ thời trang của mình, thì sá gì mấy câu nhạc Hưng có thể “chế” vài nốt, vài tông theo ý thích, sá gì chuyện Hưng có thể đứng hát, ngồi hát và cả… nằm hát!

Trong nghệ thuật, đặc biệt là trong nghệ thuật biểu diễn, sự nổi loạn luôn gây ấn tượng và rất được chú ý. Sự “nổi loạn” đã tạo nên một giọng hát Thanh Lam đầy cá tính của nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập niên 1990. Cũng sự “nổi loạn” đã tạo nên một Phương Thanh “phủ sóng” thị trường ca nhạc đầu những năm 2000.

Tuy mang danh là phái mạnh, nhưng xem ra các nam ca sĩ ở Việt Nam hiện nay ít nhu cầu và khả năng “nổi loạn” hơn cả và ĐVH nằm ở số rất ít ấy. Thời “nổi loạn mở đường” của Thanh Lam đã qua. Giờ này, với đám đông, sự “nổi loạn” của Thanh Lam quá “nặng” và thiên về những tìm tòi mới trong âm nhạc, trong kỹ thuật thể hiện nên đa số trong họ không thể “theo” được.

Còn Phương Thanh, lại quá chân chất, nói thẳng ra, là bình dân. Thời ấy cũng qua rồi. Khi mà người ta bỏ dần những quán cà phê thường thường bậc trung để leo lên Highlands hay Paris Deli, thì cái “gu nổi loạn” cũng phải nâng cấp. Sự “nổi loạn” của ĐVH nằm ở khoảng giữa.

Anh chọn thứ âm nhạc dễ nghe, bình dân, thậm chí là “sến” nhưng khoác lên chúng Louis Vuitton, Gucci, D&G cùng các công nghệ showbiz hiện đại và … “nổi loạn”. Nhạc của Hưng vì thế được mệnh danh là “sang”, nhưng lại vẫn “phổ thông”. Thời nay, chẳng có gì hợp thời hơn thế!

Và Hưng không mệt mỏi trên con đường thu phục công chúng. Hiếm có ca sĩ nào ở Việt Nam có cường độ làm việc chóng mặt như Hưng. Trong khi hầu hết các ngôi sao sau mỗi dự án âm nhạc đều phải nghỉ ngơi một vài năm để nạp năng lượng mới, sung sức và trẻ trung như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà cũng không thể non-stop, thì Hưng chưa lúc nào cho phép mình dừng lại.

Năm nào cũng ra album, thậm chí vài album. Kinh hơn, hai năm trở lại đây, khi các ngôi sao quị ngã với liveshow vì không thu hồi nổi vốn, thì Hưng, vẫn với phương châm “thích làm những gì người khác không dám làm”, không tiếc tiền và công sức làm liveshow.

Liveshow ĐVH “phủ sóng” từ Nam tới Bắc, cái nào cũng thuộc dạng “chưa từng có”: khi thì “toàn trắng” (ca sĩ, khán giả đầu phải diện đồ trắng), sắp tới thì “năm không” (không ghế ngồi, không máy lạnh, không nhạc chậm, không dừng lại và không dành cho người yếu tim). Trong “cuộc chơi” này, Hưng biết mình cũng không được phép dừng lại.

Để nuôi giấc mơ “trở thành một huyền thoại của âm nhạc Việt Nam” bằng những kỷ lục ấy, Hưng sẽ còn phải non-stop trên con đường kiếm tìm kỷ lục cho tới khi anh… kiệt sức.

Thực hiện: depweb

12/04/2010, 15:13