Dương Lâm "Cười xuyên Việt": "Cát sê của tôi cao hơn trước mấy chục lần" - Tạp chí Đẹp

Dương Lâm “Cười xuyên Việt”: “Cát sê của tôi cao hơn trước mấy chục lần”

Sao

– Anh có ngạc nhiên không khi nhiều người cho rằng, Dương Lâm có ngoại hình hợp với chính kịch hơn là hài kịch?

– Đây không phải lần đầu tôi nghe mọi người nói như vậy. Ngay ba mẹ, những người quen đều bất ngờ khi thấy tôi diễn hài, vì ai cũng cho rằng, cái mặt mình nhìn khó khó, hợp với các vai buồn, khổ hơn. Nhưng khi diễn hài, ai cũng nói tôi như bị nhập vậy, vì tôi khi ấy trở thành một con người hoàn toàn khác.

Tôi thì thấy, diễn hài là khả năng của mỗi người, không có trường lớp nào đào tạo được. Nếu không có tố chất, có giỏi kỹ thuật diễn bao nhiêu cũng không làm được. Mỗi lần diễn hài, tôi thấy thoải mái, năng động như “cá gặp nước” vậy. Sự đối lập từ ngoại hình đến cách diễn có lẽ là chất riêng, khiến mọi người nhớ đến cái tên Dương Lâm nhiều hơn.

–  Điều gì thôi thúc Dương Lâm tham gia hai cuộc thi hài gần như vào cùng thời điểm?

– Lúc đầu, tôi muốn thử thách khả năng của mình, và lý do sâu hơn là tôi muốn khẳng định tên tuổi để có cơ hội kiếm tiền tốt hơn. Khi tham gia Thách thức danh hài và giành được 40 triệu chỉ trong vài phút, tôi đã đặt mục tiêu lọt vào Top 12 của Cười xuyên Việt, vì nếu vào được vòng này, mỗi thí sinh sẽ có thêm 10 triệu đồng nữa. Vào được top 12 là lúc tôi biết mình có khả năng giành giải cao hơn ở cuộc thi. Tôi đã cố gắng để biến điều đó thành hiện thực.

Thế nhưng sau chung kết Cười xuyên Việt, nhiều người cho rằng Mạc Văn Khoa xứng đáng với ngôi vị quán quân hơn Dương Lâm. Điều này có khiến anh buồn?

– Nếu nói không buồn sẽ là dối lòng. Nhưng bù lại, tôi nhận được sự động viên của nhiều người. Ngay chị Việt Hương – người hỗ trợ Mạc Văn Khoa trong các tiết mục trình diễn cũng nhắn tin chúc mừng tôi và nói tôi xứng đáng. Sự động viên đó khiến tôi không suy nghĩ thêm nữa. 

Tôi thừa nhận, Khoa là người có tài, cậu ấy có duyên sân khấu. Còn tôi có kinh nghiệm sân khấu hơn Khoa. Chúng tôi biết, bất cứ kết quả nào cũng sẽ có nhiều luồng dư luận trái chiều. Nên tôi tin, nếu Khoa chiến thắng, cậu ấy cũng phải nhận dư luận y như tôi vậy. 

Vì sao từ một người học diễn xuất bài bản, Dương Lâm lại phải học múa lửa để mưu sinh?

– Tôi vẫn cho rằng, nếu không đi diễn mình không biết làm gì khác. Tôi từng thi rớt Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Tp.HCM và quay về học kế toán. Nhưng học kế toán một thời gian, tôi quyết định quay lại với nghệ thuật. Thực tế, các sân khấu ở Sài Gòn rất khó có cơ hội cho người trẻ, cho những sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh mới ra trường, vì các sân khấu đều mở lớp đào tạo riêng. Thành ra, nếu không có sự quen biết thì những người mới bắt đầu gần như không có cửa nào sống với nghề. Khóa tôi học có hơn 100 bạn trúng tuyển, nhưng chỉ có bốn người có thể tốt nghiệp được, trong đó Trương Nam Thành, Ngọc Tình vì có chút tên tuổi bên nghề người mẫu nên dễ dàng theo nghề sau đó hơn. Còn tôi, học xong, phải chọn đi diễn xa Sài Gòn vì không có mối quan hệ nào ở đây. Tôi cũng đã làm đủ công việc, từ múa lửa, biểu diễn ở đoàn tạp kỹ để trang trải cuộc sống và tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp.

Thực ra, công việc múa lửa đến với tôi rất tình cờ. Khi học trong trường sân khấu, vì có ngoại hình xấu nhất lớp nên thầy thường giao cho vai phụ, bé xíu. Để chuẩn bị cho vở diễn tốt nghiệp, tôi đã dùng số tiền ăn của một tuần, đi học múa lửa để diễn trong hôm thi tốt nghiệp. Bất ngờ là tôi đã được 10 điểm nhờ màn “phun lửa” làm cháy rèm sân khấu, khiến cả trường náo loạn. Sau đó, cũng chính công việc này giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống từ khi tốt nghiệp cho đến ngày được sân khấu Idecaf nhận.

– Từng lăn lộn với cuộc sống của một người diễn hội chợ, nay đây mai đó nhiều cám dỗ, anh làm thế nào để vượt qua những trở ngại đó?

– Khi đi diễn tỉnh, về kỹ thuật không có đòi hỏi gì cao cả. Mình là lính, chỉ cần làm đúng yêu cầu của các anh chị lớn là được. Cuộc sống cũng buồn, vì đa số các show diễn này đều diễn ra ở vùng sâu, vùng xa nên thường không có gì giải trí cả, nên các anh chị trong đoàn sau đêm diễn lại tập trung chơi bài để giải khuây. Tôi lính mới, cát sê chỉ có 200-300 ngàn nên chẳng có tiền mà tham gia những trò đó. Thành ra, nếu có thời gian rảnh, tôi lại đi tập tạ, tập võ hoặc thuê một chiếc xe đạp để đi ngắm cảnh, quan sát cuộc sống của người dân địa phương, rồi viết vào nhật ký.

Ba mẹ tôi hay xem báo đài, mỗi lần nghe có tai nạn xe cộ lại gọi điện khóc lóc gọi bắt con về. Tôi phải xin với ba mẹ cho mình thời hạn hai năm, nếu không thành công sẽ quay về để tìm một công việc bình thường ở quê. May mắn làm sao, sau một năm tôi đã được ghi nhận.

– Cuộc sống của anh đã thay đổi ra sao sau khi giành giải thưởng ở Cười xuyên Việt?

– Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều, thật ra đến giờ tôi vẫn chưa thích ứng được. Lúc trước, mình ra ngoài không có ai biết, nhưng giờ có nhiều quan tâm, thương yêu khiến tôi không biết ứng xử thế nào. Nhiều khi đọc tin nhắn, nhận quà của khán giả mà tôi vừa cười, vừa khóc.

Nhưng người vui nhất với giải thưởng này là ba mẹ của tôi. Giờ họ đã có thể yên tâm về con trai. Còn tôi có điều kiện lo cho ba mẹ, em trai đi học. Tôi đã dành toàn bộ tiền thưởng đưa cho mẹ mở quán bán tạp hóa, mẹ từ nay không phải đi làm ở xưởng nặng nhọc nữa.

Còn bản thân tôi thì hạnh phúc hơn, vì từ bây giờ sẽ có thêm nhiều cơ hội diễn chung với những tên tuổi lớn mà mình thần tượng. Xem họ diễn, nghe họ kể chuyện cũng giúp mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

Còn cát sê của anh trước và sau cuộc thi có thay đổi nhiều?

– Đó là sự thay đổi khiến tôi choáng váng nhất. Lúc trước, các bầu show họ không quan tâm đến mình, thậm chí nếu được xuất hiện ở show nào đó thì chỉ được diễn xuất cuối hoặc dự bị. Còn bây giờ, tôi đã được bầu show tự động liên lạc mời đi diễn. Cát sê tăng cao hơn mấy chục lần so với trước đây. Tên của mình cũng đã được ghi lớn trên băng rôn quảng cáo bán vé.

– Dự định tiếp theo của Dương Lâm là gì?

–  Trước đến nay, tôi chỉ có một mong muốn là kiếm được tiền để sống với đam mê bằng chính khả năng của mình. Nhưng khi làm ra tiền tôi nhận ra tiền bạc không còn phải là mối quan tâm lớn nữa. Tôi lại bắt đầu sợ cảm giác một ngày nào đó khán giả sẽ quên mình. Thành ra, dù có nhiều bầu show gọi, tôi vẫn cố gắng tiết chế, dành thời gian học hỏi thêm về nghề.

 Idecaf – nơi Dương Lâm đang làm việc do NSƯT Thành Lộc quản lý. Anh có nhận được động viên nào từ người đi trước đầy tài năng ấy? 

– Sau cuộc thi, chú Thành Lộc gọi tôi lại và nói: “Dù mang danh là người của sân khấu nhưng Lâm hoàn toàn tự lực khi đi thi mà có kết quả tốt. Chúng tôi không giúp đỡ bạn được gì, tôi chỉ âm thầm theo dõi và cảm ơn vì bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó”.

–  Từ một người vô danh bỗng nhiên nổi tiếng, Dương Lâm có tâm thế ra sao khi bắt đầu phải đối mặt với cuộc sống thật giả lẫn lộn của showbiz? 

– Tôi tin mình sẽ đứng được ngoài những xô bồ. Chính quãng thời gian sống khó khăn đã dạy tôi rất nhiều bài học. Mà tôi là người đi lên từ khó khăn, tôi hiểu rất rõ những giá trị. Thật ra, từ lúc đi học, bạn bè thường rủ đi bar, đi du lịch… nhưng tôi thường từ chối vì không có tiền. Đến lúc làm ra tiền, tôi cũng không bao giờ nghĩ sẽ dùng số tiền ấy một cách phung phí. 

Tôi cũng luôn nhắc mình không được ảo tưởng. Sau cuộc thi, có nhiều cuộc điện thoại mời hợp tác nhưng tôi đều chưa nhận lời. Có người bảo tôi dại, không biết tận dụng lúc tên tuổi còn đang nóng. Nhưng tôi tin, ngoài tình yêu của khán giả, một phần sự thành công của mình còn phụ thuộc ở việc mình có được Tổ nghiệp “đãi đằng”. Và tôi cũng tin, nếu có đam mê thực sự, có sự phấn đấu thì dần dần mình sẽ được ghi nhận. Danh tiếng phải được xây dựng từng bước một, và cái gì thực chất thường chậm mà chắc. Nhiều tên tuổi lớn như Thành Lộc, Hữu Châu,... cả đời không làm liveshow riêng nhưng khán giả vẫn yêu thương, đồng nghiệp vẫn kính trọng họ đấy chứ. Vậy nên tôi muốn chọn hướng đi giống họ và sống với nghệ thuật lâu dài. 

Cảm ơn những chia sẻ của Dương Lâm!

Bài: Châu Giang

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

Thực hiện: depweb

28/07/2015, 19:16