Dương Khắc Linh – Đã có lúc sợ đi con đường riêng

Dương Khắc Linh: “Từ ngày có Trang Pháp”

7 năm trước, Dương Khắc Linh, một nhạc sĩ từ Hà Lan về Việt Nam chỉ định để nghiên cứu thị trường âm nhạc cho luận án thạc sỹ, rồi cuối cùng quyết định ở lại hẳn vì thấy có quá nhiều tiềm năng chưa khai thác. 7 năm đó đã định hình một Dương Khắc Linh thật rõ nét trong dòng nhạc RnB, đặc biệt ở Sài Gòn, một nhạc sĩ, nhà sản xuất mát tay làm nên nhiều bản hit cho Hồ Ngọc Hà, Thảo Trang và gần đây nhất là Trang Pháp. Với Trang Pháp, cô gái Hà Nội cũng từng chu du nhiều vùng đất trên thế giới trước khi quyết định gia nhập làng nhạc Sài Gòn để phát triển sự nghiệp cá nhân với sự hậu thuẫn của Dương Khắc Linh. Bộ đôi này đến với nhau được gần 2 năm và ngày càng gắn bó bền chặt, không chỉ là âm nhạc. TTVH & Đàn Ông phải mất rất nhiều công để thuyết phục họ cho lần xuất hiện này. Hãy nghe họ chia sẻ con đường của mỗi người và sự tác động của “người kia” khi họ cùng đi con đường chung.

Bài liên quan:
Trang Pháp: “Anh Linh không chỉ mang đến cho tôi âm nhạc”

Một cuộc trò chuyện mang đầy tinh thần RnB với người đàn ông… nói tiếng Việt rất chậm, mà theo cách anh kể thì “Tôi và Trang giao tiếp bằng tiếng Việt, nhưng lúc nào cần nói nhanh thì dùng tiếng Anh”.

Dương Khắc Linh và Trang Pháp

Đã qua rồi cái thời gần như ai cũng nghe pop ballad

– RnB – sở thích đặc biệt của anh hay còn lý do nào khác nữa?

– Tôi lớn lên ở Hà Lan và luôn không hiểu tại sao người Á châu ở nước ngoài đa số đều thích nghe RnB. Có thể do RnB là dòng nhạc của người da đen, mà ở nước ngoài người ta nhìn da màu theo kiểu rất “kool”, cá tính, chịu chơi, không giống dòng nhạc ballad.

– Anh có biết rằng ở Việt Nam, ballad được chuộng hơn hẳn những dòng nhạc khác không?

– Bởi vậy, tôi thấy con trai Việt Nam yếu đuối (chính xác là DKL dùng chữ pê đê) hơn con trai nước ngoài. Hồi xưa tôi hay chơi với người da đen nên bị ảnh hưởng họ nhiều, suốt ngày nghe hip hop, RnB nên dần dần thấy thích dòng nhạc mạnh mẽ đó.

– Quan trọng nhất vẫn là mình hiểu được tinh thần của dòng nhạc này phải không?

– Đúng vậy, nhạc của người da màu cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Những cái beat RnB hiện đại nghe rất quyến rũ. Tôi sống trong môi trường đó nên năm hai mốt tuổi tôi đã định hướng cho tương lai của mình thể loại âm nhạc nào rồi.

– Khi mới về Việt Nam, anh có nhìn thấy trước một thị trường tiềm năng cho dòng nhạc sở trường của anh?

– Thật ra lúc mới về tôi chỉ làm liều thôi. Anh Đức Trí hướng dẫn nhưng tôi vẫn có nhiều lo lắng nên album đầu tiền tôi làm cho Hồ Ngọc Hà dễ nghe hơn âm nhạc tôi làm bên Hà Lan. Album đầu tiên “Khi ta yêu nhau” của Hà, tôi làm theo gu của mình thích. Lúc đó tôi mới 26 tuổi, không suy nghĩ gì to tát cả.

– Trước anh đã có vài nhạc sĩ đưa RnB du nhập vào Việt Nam, nhưng phải đợi đến thời gian gần đây thì RnB mới đậm chất hơn. Nhìn sự phát triển của RnB song song với sự phát triển của thị trường âm nhạc Việt Nam sau bao nhiêu năm tháng, anh thấy những gì?

– Thời mới vào Việt Nam, RnB không hẳn là RnB nguyên chất mà có pha pop hoặc rock, RnB nhẹ thật nhẹ, nói cho dễ hiểu là thể loại RnB mà người da trắng hát được. Sau này, tôi làm nhạc RnB cho Hồ Ngọc Hà ra đúng chất RnB hơn, và cũng khó nghe hơn. Bảy năm tôi ở Việt Nam, RnB phát triển ngày càng đậm màu và không bị lai tạp nữa. Có lẽ RnB đã tìm được sự chắc chắn ở thị trường.

Đã qua rồi cái thời gần như ai cũng nghe pop ballad. Khán giả bây giờ tiếp cận và nghe nhạc nước ngoài rất nhiều. Họ chủ động định hướng cho mình một gu nghe nhạc riêng biệt. Họ nghĩ tới cá tính của mình, không còn ai cho nghe gì thì chỉ biết nghe cái đó nữa. Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội làm RnB và hip hop cực chất luôn, như Yanbi, MrT… tôi thấy vậy.

– Nhưng rõ ràng âm nhạc anh làm với Hồ Ngọc Hà thời gian gần đây hình như có sự pha trộn giữa RnB và Dance mà…

– Xu hướng chung của thế giới, RnB và dance không tách biệt nhau mấy nữa, như cô Rihanna đó, hồi xưa hát RnB, bây giờ hát RnB pha dance.

– Dòng nhạc anh theo đuổi đã tìm chỗ đứng vững chắc chắn, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc thị trường của anh bị thu hẹp lại chứ, khi khán giả bắt đầu có nhiều lựa chọn?

– Tôi thì lại muốn khán giả ngày càng kén chọn, vì có như vậy mới bắt buộc nhạc sĩ phải sáng tạo hơn. Mình phải đặt thử thách cho bản thân. Tôi nghĩ chắc không nhạc sĩ nào muốn mình làm cái gì thì người ta nghe cái đó đâu, nếu có cũng chỉ là thời gian đầu, khi mà họ còn muốn kiếm tiền hay muốn nổi tiếng. Nhạc sĩ làm gì cũng được đón nhận chứng tỏ là khán giả của họ chưa biết nghe nhạc. Tôi thích được biết mình giỏi nhất trong một lĩnh vực hơn là thấy mình có nhiều khán giả.

– Ví dụ như việc tạo nên Hồ Ngọc Hà của hiện tại à?

– Năm 2004, giai đoạn làm luận án thạc sĩ kỹ thuật âm nhạc, tôi đã quyết định về Việt Nam nghiên cứu thị trường âm nhạc. Nhạc Việt lúc đó còn hơi quê, hơi sến. Tôi nghĩ trong bụng, nếu về đây phát triển sự nghiệp thì mình sẽ đưa RnB và hip hop đúng chất đến khán giả. Nhưng tôi còn băn khoăn là để thay đổi gu âm nhạc ở Việt Nam thì mình cần phải hợp tác với ca sĩ hát dòng nhạc này. Thông qua anh Đức Trí, tôi được gặp Hà, một người rất thích RnB và đang muốn thay đổi sau khoảng thời gian dài hát pop ballad.

– Dường như cái tên Dương Khắc Linh chưa bao giờ độc lập hẳn, đúng không ạ? Hà Hồ, Thanh Bùi và giờ là Trang Pháp.

– Ở Việt Nam mình, người ta thường kéo màn lại, đóng cửa vào, bật máy lên rồi ngồi một mình trong đó sáng tác. Còn ở nước ngoài hầu như không ai làm việc một mình cả. Tôi thấy làm việc chung vui vẻ và hiệu quả hơn. Mình hay bị cái suy nghĩ “trời ơi giai điệu này nghe hay dễ sợ” nhưng đến khi hát lên lại bị cộng sự của mình chê dở ẹc luôn. Người Việt Nam cực kỳ tự ái, không mấy ai muốn bị chê nên tác phong làm việc nhóm của người Việt rất dở, không chỉ riêng ở lĩnh vực này.

– Chuyện đứng tên thì sao? Đứng tên một mình bên dưới tác phẩm hẳn phải khiến mình sung sướng hơn nhiều chứ?

– Sung sướng nếu mình làm việc ở nước ngoài, vì ở nước ngoài càng nhiều tên đứng chung càng phải chia tiền ra. Có người chỉ cần tham gia vô một câu, đại loại như “ê, tiếng trống này thay đổi đi” là đã được chia mấy chục phần trăm rồi. Ăn chia rắc rối lắm. Nhưng ở Việt Nam thì khác, một bài hát có bao nhiêu tiền đâu. Điều quan trọng là làm việc chung mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm đối với tôi đứng trên tất cả chứ không phải cái tên.

À, thêm một lý do nữa khiến tôi buộc phải hợp tác làm việc là, tiếng Việt của tôi quá dở.

– Còn những mâu thuẫn? Nghệ sĩ mà, ai chẳng có cái tôi cao!

– Ba tôi luôn dặn đừng bao giờ nghĩ mình là số 1, vì ai có cái tôi mạnh quá sẽ không tiến bộ được. Trong lúc làm việc luôn có lời qua tiếng lại, và đôi khi cãi nhau nữa. Nhưng để làm ra một sản phẩm tốt thì chuyện đó rất bình thường.

Dương Khắc Linh và Trang Pháp

– Anh với Trang Pháp hẳn phải có ngoại lệ?

– Không, cãi miết. Trang rất khó tính, làm gì cũng sửa từng li từng tí theo ý mình, điều này khiến tôi dễ nổi điên lắm. Căng thẳng nhất là hồi làm album đầu tiên của Trang, tôi ngồi phối nhạc phát khùng luôn. Có những chi tiết cực kỳ nhỏ, nhỏ tới mức khán giả không thể phân biệt được mà Trang vẫn muốn chỉnh sửa hay thu lại, gặp đúng lúc tôi đang mệt và không muốn nghe lại cái bài đó nữa nên tôi để cô ấy muốn làm gì thì làm, tôi đi về nhà ngủ. Vậy là Trang ngồi tự mò nguyên đêm, dù trước đấy không hề biết gì về kỹ thuật.

Nhưng xích mích chỉ dừng ở đó. Sản phẩm ra rồi thì mọi thứ tự nhiên bình thường trở lại.

– Mọi người thấy Dương Khắc Linh hoạt động trong làng nhạc Việt một thời gian dài nhưng đến tận bây giờ mới tách ra thành lập công ty riêng, có điều gì đặc biệt tác động đến anh à?

– Vì hồi xưa tôi sợ nhiều thứ, sợ có tháng không kiếm được đồng nào sẽ chết đói, sợ không có tiền trả tiền thuê nhà, tôi vẫn đang ở nhà thuê mà. Đi làm thuê, bất cứ lương cao thấp gì, lương 2 triệu một tháng hay 2 ngàn đô một tháng thì cứ đến tuần cuối cùng là tôi tiêu hết tiền. Nhận bao nhiêu xài bấy nhiêu cho nên tới năm, sáu năm sau cũng chưa để dành được đồng nào, mà ra riêng thì cần có vốn để lỡ không có hợp đồng gì cũng đủ tiền nuôi cái thân được vài tháng. Người ta cứ tưởng tôi nổi tiếng và giàu có, nhưng thật ra không phải vậy, dĩ nhiên là chưa tới mức khổ. À, còn cái nữa, tử vi của tôi nói từ năm nay mọi chuyện của tôi sẽ tốt lên.

– Trời, anh mà cũng tin tử vi nữa?

– Thiệt ra tôi mới tin gần đây. Tử vi nói nguyên cái quá khứ của tôi, hồi nào vất vả làm có tiếng không có miếng, từ năm nay mọi chuyện mới tốt, có tiếng và có miếng luôn. Bản thân tôi nghĩ, đàn ông hầu hết sau ba mươi mới chững chạc và biết con đường mình đi một cách tự tin.

Thêm lý do để tôi tách riêng ra nữa là, khi mình làm dưới quyền người khác, mình không được tự do lắm. Cả ba công ty tôi từng làm, thời kỳ đầu mới vô thì vui vẻ lắm, về sau lại xảy ra xích mích. Tôi đã bước tới cái tuổi không chịu đựng được hoàn cảnh đó. Nghệ sĩ mà, tinh thần phải thoải mái thì tôi mới tiếp tục sáng tạo được.

– Anh có tự nhận thấy mình đang góp phần tạo ra không khí sôi động cho thị trường âm nhạc?

– Tôi không phải người thích nhận phần về mình nên thật hơi ngại để nói. Tôi không biết tại sao nhạc sĩ phải nổi tiếng làm chi. Ở nước ngoài chỉ ca sĩ mới biết nhạc sĩ là ai, trừ khi nhạc sĩ đó cũng là ca sĩ luôn.

Scandal Việt Nam chưa so gì với thế giới hết

– Vậy mà dám tham gia X-Factor cơ đấy! Anh có nghe nói nghề giám khảo ở Việt Nam nguy hiểm lắm chưa?
– Lúc đầu tôi cũng sợ. Mà sau khi suy nghĩ thì tôi thấy nếu mình cứ sợ hoài sẽ rất chán, nên tôi tham gia dù sẽ bị ném đá. Với lại ngồi kế Hà tôi cũng yên tâm, lỡ bị gì thì Hà đỡ.

– Trong số bốn giám khảo, anh có vẻ lạc tông nhất đó, lại còn ít nói. Những lựa chọn của anh thường khác ba người còn lại!
– Vì tôi là nhạc sĩ, còn ba người kia là ca sĩ. Tôi lên X-Factor giỡn bậy nhiều, bị cắt tùm lum tùm la nên mọi người thấy tôi ít nói. Tôi nói bậy giỏi lắm.

– Anh không sợ bị dính vào scandal sao? Chương trình mới phát sóng mà đã rầm rầm scandal rồi.

– Scandal là chuyện rất bình thường trên thế giới. Con người tự nhiên nhất là thế nào cũng sẽ xảy ra chuyện khi làm việc chung với nhau. Ở Việt Nam cứ bỡ ngỡ scandal, tôi thấy, nói sao à, rất giả tạo. Một mặt thì nói ghét scandal, nhưng những tháng không có scandal tại sao không ai nói: ô tháng này không có scandal, sướng quá! Đâu có ai sung sướng vì không có scandal. Ai cũng mong có scandal, có scandal thì rating mới tăng mười mấy lần, tiền quảng cáo mới cao lên. Scandal Việt Nam chưa so gì với thế giới hết. 

Dương Khắc Linh và Trang Pháp

Trang giúp tôi tự tin hơn với tất cả những thứ tôi đang làm

– Trong công việc, Trang Pháp có mang đến cảm hứng cho anh không?  
    
– Trang hát tiếng Anh rất tốt, vì vậy mình có thể nghĩ đến một sản phẩm mang đi nước ngoài được. Năm nay chắc sẽ có dấu ấn đặc biệt trong sự cộng tác của hai người, như thời tôi làm “Xin hãy thứ tha” làm cho Hà mang đi Hàn Quốc.

– Xa hơn một cái album đi, Trang đóng vai trò thế nào đối với cuộc sống âm nhạc và cuộc sống đời    thường của anh?

– Trước đây, tôi đơn giản là làm công việc sáng tác thôi chứ chưa từng nghĩ mình sẽ hoạt động gì thêm để tốt cho sự nghiệp. Hồi mới về nước, tôi làm cho Music Face, rồi Early Risers, và cuối cùng là Soul Academy của Thanh Bùi một năm trước khi đứng ra thành lập công ty riêng. Lúc đầu mới tách riêng, tôi rất lo chẳng biết công việc có thể đều đặn không nữa. Ngày xưa làm thuê, chỉ biết tới tháng lãnh lương, còn bây giờ phải gánh vác cả một công ty. Nhưng thật may, đã tám tháng rồi, công việc của tôi bắt đầu ổn, và tôi nhận ra mình tự tin hơn xưa.

Trang luôn góp ý cho công việc của tôi. Cô ấy khuyên tôi mở công ty riêng, khuyên tôi tham gia X-Factor.    
    
– Lời khuyên thôi à, ngoài lời khuyên ra thì Trang còn để lại dấu ấn gì cho cuộc sống của anh nữa?

– Tôi  có  một cái dở là luôn sợ đi con đường độc lập. Tính tôi dây dưa, cả nể, và tôi sẽ thấy mình giống kẻ phản bội vậy đó, nếu tôi bỏ nơi nào ra đi, mặc dù ở nơi đó tôi khó chịu nhiều thứ, cả ba công ty trên tôi đều gặp những trường hợp như vậy. Trang thì khác, cô ấy rất tách bạch, dứt khoát. Trang cho tôi biết là tôi luôn muốn người khác yêu thích mình, ngoài cái lợi ra thì chính điều này đã gây trở ngại cho sự nghiệp của tôi, làm tôi dậm chân tại chỗ.

Tôi nghĩ cuộc sống của tôi hoàn toàn là âm nhạc, nếu dấu ấn trong âm nhạc cũng có thể hiểu là dấu ấn trong đời sống.

– Có nghĩa là, Trang mạnh mẽ và quyết đoán hơn anh?

– Không người đàn ông nào thích tự nhận mình yếu đuối. Có thể nói tôi luôn ở trong tình trạng dễ sợ hãi. Trang giúp tôi tự tin hơn với tất cả những thứ tôi đang làm. Trang thay đổi tôi từ một người chỉ biết sống đủ tiền từ đầu tháng tới cuối tháng thành một người nghĩ xa hơn.

– Hình dung thế nào về một Dương Khắc Linh của những ngày mới về Việt Nam cho tới trước đây hai năm nhỉ?

– Cả nể, ham chơi, thiếu tự tin. Hồi mới về đây, hầu như ngày nào tôi cũng đi vũ trường, trong bóp phải có tới mười mấy thẻ rượu. Tôi chỉ biết sống ngày hôm nay mà không hề nghĩ tới chuyện phải để dành tiền mua xe hay mua nhà. Nhưng nói chung tôi không hối hận, vì ai cũng cần có giai đoạn ăn chơi để sau này khỏi tiếc nuối.

– Kiểu người Việt Nam hay nói “trẻ không chơi già mất nết” đấy hả?

– Có, tôi có nghe câu này. Lúc đó tôi chơi cho chán luôn. Còn bây giờ biểu tôi vô vũ trường thì đừng có mơ! Cách đây hai năm tôi chưa nghĩ gì nhiều về tương lai. Giờ lớn rồi, phải làm gì đó nghiêm túc.

– Vậy là Dương Khắc Linh của thời điểm này đã trưởng thành hơn rồi?

– Ừ, trưởng thành. Nhưng tôi nghĩ đúng nghĩa trưởng thành là mình phải có con. Tôi luôn muốn có con trước năm 30 tuổi, mà giờ đã trễ 4 năm rồi. Hy vọng sang năm sau sẽ có.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

 

Text: Nguyen Khac
Photo: Tuan.Fr
Producer: Dinh Nguyen
Stylist: Julie
Make up: Uyen Miu

>>> Có thể bạn quan tâm: “Tìm được người đồng hành với mình rất khó. Nhạc sĩ bây giờ rất nhiều, ca sĩ cũng thế nhưng để làm việc chung thì cần nhiều lý do”. Trang Pháp nói vậy. Những lý do của Trang hẳn cũng có lý lẽ của nó, vì gần như chỉ mới hai năm, con đường âm nhạc mà cô chọn lựa cùng sự hỗ trợ của Dương Khắc Linh đã ngày càng rõ ràng hơn.

 


From the same category