Trong thế giới nghệ thuật, có những tác phẩm chỉ cần được tạo ra thôi đã đáng để khen ngợi rồi, ví dụ như “Life of Pi”, một bộ phim hay được chuyển thể từ tiểu thuyết vốn mệnh danh là “không thể làm phim”. Ngay từ lúc chưa xem “Life of Pi”, tôi đã nghĩ chắc chắn mình sẽ ưu ái cho nó, dù phim làm tốt hay dở tệ. Bởi tôi cho rằng, việc nhà làm phim dám làm, dám thử sức thực hiện những điều khó khăn đã chứng tỏ lòng can đảm và đam mê của họ, và những nỗ lực đó đáng được công nhận.
Poster phim “Đường đua”
“Đường đua” (công chiếu toàn quốc từ 26/7) cũng là một bộ phim như vậy. Ngay từ trước khi ra mắt chính thức, bộ phim đã nhận được nhiều cảm tình từ giới làm nghề, các nhà phê bình cũng như công chúng.
Lấy bối cảnh đương đại nhưng phảng phất nét khoa học viễn tưởng, bộ phim nói về Lộc, một vận động viên điền kinh giải nghệ sống bằng nghề lái xe tải. Do hoàn cảnh, anh đã bước vào con đường cờ bạc rồi ghi nợ của một tay xã hội đen bệnh hoạn, từ đó những tai ương kinh hoàng xảy đến với anh cũng như người thân trong gia đình anh. “Đường đua” dù có nhiều điểm đáng bàn về chất lượng, nhưng vẫn tạo được cảm tình, ít nhất vì hai lý do.
Thứ nhất, đây là bộ phim do một ê kíp còn rất trẻ thực hiện, với tất cả sự hào hứng cho bộ phim đầu tay. Đây là lần đầu Nguyễn Khắc Huy làm đạo diễn, đạo diễn hình ảnh Kieran Daniel Fowler lần đầu thử sức quay phim, diễn viên Nhan Phúc Vinh lần đầu tiên thử sức với một phim điện ảnh chiếu rạp, Phạm Anh Khoa tự tin đóng vai chính đầu tiên. Điều này tạo ra một sự tươi mới cho điện ảnh nước nhà, vốn đã mòn vẹt đi nhiều trong mấy năm qua khi chỉ quanh đi quẩn lại các phim của vài ba đạo diễn đã có tiếng trước đó. Ánh sáng xanh bí ẩn trong phim, cũng như thế hệ trẻ của điện ảnh Việt, cũng sẽ có lúc bước ra khỏi thế giới “bí mật” để thể hiện tài năng của mình trong ánh sáng.
Một cảnh trong phim “Đường đua”
Thứ hai – quan trọng hơn, là “Đường đua” đã khéo léo lọt qua khe kiểm duyệt sát sao của Cục Điện ảnh, cho dù trước đó cũng đã phải hoãn chiếu để sửa chữa lại giống như “Bụi đời chợ Lớn” do có nhiều cảnh đánh đấm máu me, “không phù hợp với thuần phong mỹ tục phương Đông”. Bộ phim của Charlie Nguyễn đã không may mắn có cơ hội ra rạp, và “Đường đua” chính là sự thay thế tốt nhất cho cơn khát phim hành động thực tế, chạm vào nhiều nỗi nhức nhối trong cuộc sống. Ngoài việc phô bày thế giới tội ác một cách trần trụi, “Đường đua” còn chỉ ra những cố gắng xoay sở để tồn tại trong thực tế làm phim khó khăn ở Việt Nam.
Cảnh đầu tiên trong “Đường đua” là một cú máy kéo dài, mô tả một lát cắt nhỏ về hoạt động của một khu chợ đêm, chính là minh chứng đầu tiên cho sự háo hức của một thế hệ làm phim mới khát khao thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Với cách làm phim điện ảnh theo phong cách truyền hình, các bộ phim Việt thông thường có cách dựng phim ngắn gọn, chuyển góc máy liên tục để dễ xem hơn. Phá vỡ tư duy đó, “Đường đua” (hay trước đó là “Dành cho tháng Sáu”, cũng của một đạo diễn trẻ lần đầu làm phim) đã có nhiều cú máy kéo dài, góc quay lạ lẫm, phức tạp và đầy thách thức hơn, chứng tỏ sự không ngại khó, ngại khổ của những nhà làm phim vẫn còn đang hừng hực đam mê trong huyết quản.
Một cảnh trong phim “Đường đua”
Bài: Trung Rwo
Ảnh: Blue Production