Dưỡng da bằng retinol nồng độ thấp liệu có hiệu quả? - Tạp chí Đẹp

Dưỡng da bằng retinol nồng độ thấp liệu có hiệu quả?

Làm Đẹp

Dù chỉ mới nhập môn hay là “dân chơi” skincare lâu năm, chắc chắn bạn đã biết đến retinol và công dụng của nó. Thế nhưng, mặc cho công dụng thần thánh được vô số người ca ngợi, cuối năm 2023 vừa qua, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định thông qua luật hạn chế thành phần này trong các sản phẩm chăm sóc da. Nghĩa là, dù retinol sẽ không bị “xóa sổ” khỏi thị trường làm đẹp châu Âu, một số hạn chế vẫn sẽ xuất hiện với người dụng khi lựa chọn các công thức chứa retinol. Vậy đâu là nguyên nhân của quyết định này? 

Châu Âu là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới. Sau đạo luật cấm mỹ phẩm chứa kim tuyến không thể phân hủy vào tháng 10 năm 2023, chính phủ tiếp tục thông qua đạo luật hạn chế thành phần retinol trong mỹ phẩm. Cụ thể, EU hạn chế nồng độ retinol tối đa là 0.3% đối với các sản phẩm không kê đơn bao gồm serum và kem dưỡng ẩm cho da mặt và da tay. Với các loại sữa dưỡng thể, con số này dừng lại ở 0.05%. Luật này được đề xuất bởi Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng (SCCS) thuộc Ủy ban châu Âu quản lý. Đây là một nhóm chuyên gia nghiên cứu về độc tính và độ an toàn đối với các sản phẩm tiêu dùng phi thực phẩm như mỹ phẩm. Các hạn chế được đưa ra như biện pháp nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc quá liều với vitamin A của người tiêu dùng.

Tiêu thụ vitamin A quá liều, hậu quả thế nào?

Vốn không còn xa lạ với các tín đồ làm đẹp, retinol là dẫn xuất vitamin A thuộc nhóm retinoid. Vài năm trở lại đây, xu hướng chăm sóc da bằng retinol cực kỳ được ưa chuộng bởi tác dụng thần kỳ có nó, có thể giải quyết triệt để các vấn đề về da từ lão hóa, điều trị mụn cho đến làm đều màu da. Song song với đó, khi dùng retinol, các triệu chứng kích ứng da như khô da, bong tróc, mẩn đỏ, châm chích… trong thời gian đầu cũng được xem như là hiện tượng khá quen thuộc.

Tuy nhiên, đó là trong trường hợp bạn sử dụng vừa đủ liều lượng cho phép. Khi tiêu thụ retinol, cũng là vitamin A, quá liều lượng sẽ gây ra hậu quả khó lường. Đó cũng là lí do luật hạn chế của EU được ban hành. “Các cơ quan quản lý đã xem xét các trường hợp xấu nhất về mức độ tiếp xúc với vitamin A là những người nạp quá nhiều vitamin A qua đường ăn uống, vượt quá lượng được khuyến nghị (trên 3000 ug/ngày). Nhóm đối tượng này khi tiếp tục sử dụng vitamin A liều cao trong chu trình chăm sóc da, điều này có thể sẽ dễ dẫn đến các triệu chứng xấu nhất, bao gồm sụt cân, tổn thương gan, đau đầu, buồn nôn, loãng xương…,” Hannah Alderson, chuyên gia dinh dưỡng và hormone được chứng nhận bởi Hiệp hội Y học Dinh dưỡng và Lối sống Anh, chia sẻ.

Liệu retinol 0.3% có hiệu quả?

Liều lượng vitamin A được xác định bởi nồng độ trong sản phẩm, lượng sản phẩm được sử dụng, diện tích bề mặt mà nó bao phủ và tần suất bạn sử dụng. Do đó, retinol dù với nồng độ khá thấp 0,3% vẫn sẽ tạo nên sự cải thiện trên làn da, miễn là bạn lựa chọn sản phẩm chứa thành phần và công thức chất lượng, từ thương hiệu uy tín. Bác sĩ Charlene DeHaven, được hội đồng chứng nhận Nội Khoa Hoa Kỳ, cho biết: “Tỷ lệ hoạt chất thấp hơn cũng sẽ giảm thiểu bất kỳ kích ứng tiềm ẩn nào. Vì vậy bạn vẫn sẽ có được làn da mịn màng hơn, sáng hơn, bóng hơn mà không có nguy cơ bị phản ứng.”

Công nghệ ngày càng phát triển. Các thương hiệu mỹ phẩm không ngừng cải tiến công thức sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tăng cao và sự khó tính của khách hàng. Công nghệ bọc và liposome là hai phương pháp giúp đảm bảo độ ổn định của retinol đồng thời giúp hoạt chất này giải phóng một cách an toàn trên da và được dung nạp vào da dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, các thành phần phái sinh khác của vitamin A cũng ra đời, chúng hoạt động tương tự như retinol nhưng an toàn và dịu nhẹ hơn. Retinal (còn được gọi là retinaldehyd) và retinyl retinoate là dạng vitamin A khác không bị hạn chế trong chăm sóc da. Retinal hoạt động nhanh hơn tới 11 lần so với retinol và retinyl retinoate mạnh hơn tới 8 lần. Chúng thường được đưa vào mỹ phẩm ở nồng độ thấp hơn và vẫn có thể mang lại hiệu quả rõ rệt.

Dưới đây là một vài gợi ý retinol dịu nhẹ có nồng độ thấp, công thức ổn định và phù hợp với cả những làn da nhạy cảm.

Paula’s Choice 0.3% Retinol + 2% Bakuchiol Treatment: Bakuchiol có nguồn gốc từ thực vật cũng là một trong số ít các thành phần có thể ổn định được retinol, cho phép retinol hoạt động hiệu quả hơn và lâu hơn, ngay cả ở nồng độ thấp.
Kiehl’s Retinol Micro-Dose: Công thức với vi lượng retinol nguyên chất được điều chế để sử dụng hàng ngày. Kết hợp với niacinamide, peptides và ceramides, tinh chất giúp hỗ trợ quá trình tái tạo da, nhưng hạn chế tối đa tình trạng bong tróc, mẩn đỏ, khó chịu.
SkinCeuticals Retinol 0.3: Kem dưỡng chống lão hóa sử dụng hệ thống các chất vận chuyển (chất giúp sản phẩm hấp thụ vào da) tiên tiến dựa theo cấu trúc màng lipid của da, có khả năng lưu giữ và ổn định hoạt tính của retinol.
La Roche-posay 0.3% Retinol + Vitamin B3 Serum: Tinh chất được bổ sung vitamin B3 và glycerin sẽ làm dịu da và bảo vệ lớp màng ẩm tự nhiên trên da.
Vichy Liftactiv Retinol Specialist: Tinh chất chứa 1% probiotics có tác dụng cân bằng hệ vi sinh trên da, bù đắp cho làn da đang tái tạo liên tục nhờ retinol 0,2%. Công nghệ Retinol Guard, giúp duy trì độ tinh khiết ổn định dài lâu cho phân tử retinol.

Thực hiện: phuong ha

18/03/2024, 16:28