Chưa từng có “cuộc nội chiến” nào dai dẳng và tốn nhiều giấy mực hơn khẩu chiến giữa hai phe: phe “đường cong” với các kiều nữ ba vòng nóng bỏng đầy đặn, và phe “mặt phẳng” quy tụ các nàng thơ mình hạc xương mai. Liệu thời trang đỏng đảnh nắng mưa muốn gửi gắm thông điệp gì cho xã hội ngoài kia vẫn đang loay hoay đi tìm vẻ đẹp đại diện “một nửa thế giới”.
Cong vs, Phẳng
Mọi chuyện bắt đầu náo nhiệt từ khi siêu mẫu Lara Stone bước lên ngôi vị số một thế giới người mẫu, khiến cho các fan hâm mộ cô nàng “á quân” Freja Beha la ó phản đối sự thiếu công bằng của thời trang. Xét về tổng thể và xăm soi tường tận chi tiết, Freja nào có kém Lara: cả hai đều xuất hiện với mật độ không thể dầy đặc hơn trên các tạp chí hàng đầu, người lên bìa Vogue Paris thì kẻ khác có ngay Vogue Italia để cân bằng, cô này được Louis Vuitton, Calvin Klein mời ký hợp đồng quảng cáo thì nàng kia lập tức gom về Chanel, Valentino.
Vậy rốt cuộc điều gì phân chia vị trí của hai cô gái thuộc diện “cục cưng” của thời trang: chẳng qua là Freja lép xẹp như cô nàng nam tính, còn Lara đẫy đà ba vòng thuộc cỡ “khủng” khiến người ta không khỏi nhớ đến quả bom sex Bridgitt Bardott một thời. Chỉ vài số đo trên thang độ centimet đủ làm ranh giới quyết định người chiến thắng trên đỉnh vinh quang, mở ra giai đoạn mới khi người người quay lưng lại với cái đẹp gầy guộc để đổ xô đến các viện thẩm mỹ mài dũa đường cong cho căng tròn chín mọng.
Đó quả thực là cú xoay bất ngờ của chính thời trang, kết thúc gần như một thập kỷ trị vì của phe “màn hình phẳng”. Suốt những năm 2000, bất kể trên sàn diễn cao cấp hay các trang tạp chí kín đặc hình ảnh quảng cáo, ta đều thấy cái gầy được tôn vinh như trào lưu không thể cưỡng lại. Bộ mặt của “gầy – mới – là – đẹp” đội dưới lốt các cô người mẫu khẳng khiu trơ xương đeo bộ mặt vô hồn lãnh cảm như thể mới thoát ra khỏi nhà giam tàn độc.
Ít ai biết rằng “hiện tượng Kate Moss” cũng góp phần đem chứng biếng ăn trở thành cơn nghiện trong giới người mẫu trẻ non nớt. Kate Moss, như thời trang vẫn gọi cô là “sự kiện” có một trong hai” của lịch sử người mẫu với thân hình gầy gò thiếu sức sống, đã giải thoát giấc mơ cho rất nhiều cô gái trẻ ham muốn một lần thành công trong thế giới thời trang hào nhoáng. Tiền tài, danh vọng đủ sức quyến rũ các thiếu nữ mới chớm dậy thì bước vào làng mẫu xa xỉ, nhịn ăn cực đoan là phương pháp phổ biến, và trở thành vấn nạn đến nỗi chính phủ Pháp phải rung chuông báo động, cấm tiệt các hình ảnh quảng cáo quá ốm hay khô đét.
Nhiều người mẫu tâm sự rằng họ chỉ uống nước cầm hơi suốt tuần lễ thời trang, đốt thuốc liên tục cho qua cơn đói cồn cao, thêm vào sự hối thúc của các công ty quản lý người mẫu ép các cô gái trẻ bằng mọi giá kìm hãm đi sự phát triển nảy nở của thân hình. Hãy tưởng tượng khi bạn cao xấp xỉ một mét tám (1.8m) và chỉ nặng tròn trèm bốn mươi kilogram, liệu còn gì sinh động hơn bộ xương di động vốn thường thấy trong các bản đồ minh họa sinh học.
Sự áp đảo của phe “phẳng” vươn tới cực đại khoảng những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ mới này, bằng cuộc xâm lăng của làn sóng người mẫu Đông Âu non tơ chưa qua tuổi dậy thì, cơ thể chưa phát triển đầy đủ của các thiếu nữ xuân thì buộc phải ép vào thói quen biếng ăn khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng: các siêu mẫu nổi tiếng vì độ “mỏng” như Vlada Roslyakova, Snejana Onopka, Alyoma Osmanova, Kasia Struss không ít lần bị dư luận chỉ trích kịch liệt. Bất chấp tất cả, thời trang khi ấy đề ra một quy luật bất thành văn: hoặc là bạn mặc vừa size zero hay size 2 (hai size nhỏ nhất trong thang độ trang phục quốc tế – PV), không thì đừng mơ trở thành siêu mẫu quốc tế!
Gió đã đổi chiều
Khái niệm cái đẹp một lần nữa vặn mình động đậy vào cuối năm 2009, đầu 2012, được đánh dấu từ phía những nhà thời trang hàng đầu nắm giữ quyền điều khiển. Các tên tuổi lẫy lừng như Miuccia Prada, Marc Jacobs, Giles Deacon tuyên bố chỉ casting những siêu mẫu mặn mà chất đàn bà với đường cong tự nhiên quyến rũ. Hàng loạt những siêu mẫu có số đo vòng hoàn hảo, vốn chỉ hoạt động trong phạm vi áo tắm hay đồ lót, bỗng chốc thắt nịt ngực sải bước qua lãnh địa của “high fashion” như Miranda Kerr, Adriana Lima, Alessandro Ambrosio, Doutzen Kroes, vv…
Thời trang lan truyền rằng đã đến lúc đổi mắt, thay “tivi màn hình phẳng” bằng “màn hình cong”. Cơn sốt săn lùng nàng Venus trần truồng say đắm thế gian đã phẫu thuật lại diện mạo thời trang, sản sinh ra một vài hệ quả còn lưu truyền cho tới tận hôm nay.
Phát pháo đầu tiên khơi mào thị trường người mẫu quá khổ (plus – size model) là cô nàng siêu mẫu Crystal Renn: mặc quần áo size 6, gương mặt sắc sảo ăn hình và mạnh dạn tuyên bố “Tôi không bao giờ biết ăn kiêng là gì!”. Ngay lập tức, các hãng thời trang sản xuất trang phục cho phụ nữ quá cỡ nhao nhao tìm đến Crystal mời cô chụp hình quảng cáo đại diện. Một vài nhân vật quyền lực bao gồm Karl Lagerfeld, Carine Roitfeld, Jean Paul Gaultier cũng xiêu lòng trước sự tự tin của cô gái này, họ liên tục dành chỗ cho Crystal Renn trong các show diễn lớn, các bộ ảnh thời thượng.
Ngoài Crystal, các đồng nghiệp plus-size khác là Ashley Graham, Kate Dillon cũng tranh thủ phát huy thế mạnh, giữa lúc các tạp chí danh tiếng là V Magazine, W Magazine rồi đến Vogue Italia lần lượt thực hiện các chuyên đề chỉ để ủng hộ trào lưu da thịt đẫy đà.
Ở cấp độ cao sang hơn, cuộc đổ bộ của những “Thiên thần Victoria’s Secret” làm ngất ngây các tín đồ thời trang yêu thích vẻ đẹp hoàn hảo. Vốn nắm trong tay các hợp đồng triệu đô cho việc khoe dáng mặc đồ lót cực chuẩn, những Andrian, Miranda, Doutzen tự tin lấn chiếm thế giới thời trang cao cấp vốn chưa từng thuộc về họ: trong cơn cuồng tìm kiếm đường cong, khát khao trái chín căng mọng sức sống, các nhà thời trang, NTK, nhiếp ảnh, biên tập, đồng loạt rước kiệu những cô gái trước kia bị cho là “cởi áo và khoe ngực” rồi tung hô họ thành nữ hoàng – Givenchy ký hợp đồng quảng cáo với Adriana Lima; Miranda Kerr là nàng thơ cho Balenciaga, đồng thời vinh dự xuất hiện trên trang bìa Vogue Italia; Alessandro Ambrosio cũng tranh thủ sải bước cho Louis Vuitton và đại diện cho thương hiệu Loewe, Moschino. Không còn quanh quẩn trong các catalogue áo lót, những cô gái vàng kể trên bỗng chốc hóa thân thành “thiên thần của hai thế giới”.
Lara Stone là đỉnh điểm của đồ thị hình cong. Khi mới xuất hiện, nhiều giám đốc casting đã thẳng thừng chê bai Lara thật dị biệt với size cỡ 4, dáng người cong cớn quá lố, và sẽ chẳng đời nào bon chen được với nghề mẫu. Ba năm sau, Lara “gây choáng” với bước nhảy thần kỳ: cô nhận chức số một thế giới vào đầu năm 2010, xuất hiện đầy đủ trên các phương tiện báo chí truyền thông, lấy lòng được vô số nhân vật thời trang có “máu mặt”, và đại diện quyền lực cho Calvin Klein, Givenchy, Louis Vuitton, Versace, Armani,…
Ngã ngũ
Cuộc đối đầu “cong vs phẳng” không đơn giản chỉ là cuộc chạy đua ganh ghét của các nàng mẫu, thâm thúy hơn, là thế trận được bố trí có chiến lược của chính thời trang nhằm chi phối thế giới tinh thần duy mỹ. Chẳng ai giữ mãi thế thượng phong. Lịch sử thời trang đã từng chứng kiến rất nhiều cột mốc quan trọng lần lượt đến rồi đi: thập niên 80 là những thiếu nữ nổi loạn kiểu hippy, những năm đầu 90 là thời kỳ vàng son của thế hệ supermodel, tiếp đến là giai đoạn thống trị của chất grunge/punk ngang tàng khí phách. Thời trang tồn tại dựa trên sự điên rồ thất thường của mình, và kỳ lạ thay, càng điên, càng đỏng đảnh, các tín đồ càng sùng bái kính cẩn. Chính vì thế, sự nổi lên của “phẳng” hay “cong”, đều nằm trong tính toán cẩn thận của một thế giới khát khao cái đẹp biết vận động.
Tháng 4/2010, bài tự sự của người mẫu Kim Noorda xuất hiện trên ấn phẩm Vogue US gây rúng động toàn thể giới thời trang. Kim chỉ ra những sai sót trong quá trính hướng nghiệp của nghề mẫu: mặc dù cô hoàn toàn tự tin thoải mái với thân hình cân đối của mình, nhưng quản lý công ty người mẫu buộc cô phải giảm xuống ít nhất vài ba kilogram để đạt chuẩn siêu gầy, như thế mới hợp lòng các NTK và tiếp tục sống được với nghề. Sự thể dường như đổ lên đầu bộ máy điều khiển thời trang, bao gồm các nhân vật chóp bu như NTK, giám đốc casting, quản lý người mẫu,… rốt cuộc, tội lỗi thuộc về ai?!
Câu trả lời hóa ra lại rất đơn giản: NTK nói chung, mục đích của họ là bán trang phục và xây dựng thương hiệu, chứ không phải lăng-xê siêu mẫu này ba vòng tròn trịa hay cô khác khẳng khiu lép kẹp. Cô gái nào có phong thái và hình thể phù hợp với nhãn hàng, cô sẽ được ưu ái lựa chọn, sải bước trong show diễn hay chụp hình quảng cáo, và thế là xong một chu trình kinh doanh.
“Cong” hay “Phẳng” chẳng phải vấn đề. Nên nhớ rằng thời trang cao cấp có một nguyên tắc: nó không làm bạn đẹp, mà chỉ làm bạn khác người. Cái giá của khác biệt đôi khi để lại tài sản vô giá là tính đa dạng độc nhất vô nhị sẽ và luôn được kế thừa, thế giới người mẫu không nằm ngoài khuôn khổ ấy.
Một bữa tiệc có nhiều món ăn lẽ dĩ nhiên sẽ thu hút thực khách hơn, thời trang đóng vai trò kẻ chủ nhà chiêu đã yến tiệc. Theo năm tháng, thế giới thời trang tung hứng cả hai thái cực “cong và phẳng” để bảo tồn tính da dạng cần thiết. Điều đó cho thấy rằng, trong thẳm sâu, quan niệm hướng về cái đẹp và tiêu chuẩn thẩm mỹ tồn tại một cách tương đối. Khi người ta háo hức đi tìm vẻ đẹp tuyệt đối ở một nơi hẻo lánh nào đó của thế giới thời trang, mới giật mình nhận ra chính sự thiếu thốn không hoàn hảo mới là cái đẹp đích thực.
Bài: Hayden T
Theo Mỹ thuật