Đuổi học là giáo dục thất bại

Hội đồng kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng họp về vụ việc của em Nguyễn Thanh V. (Ảnh báo Quảng Nam)

Nữ sinh Nguyễn Thanh V. hiện đang là học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng (An Xuân, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam). Sau khi phát hiện trên trang Facebook cá nhân của V. đăng bài viết có tên “Tuyên ngôn học sinh”, trong đó kêu gọi học sinh phải bằng mọi cách để vượt qua đợt kiểm tra học kỳ 1 của trường, ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng đã quyết định đình chỉ học nữ sinh này 1 năm. “Hỡi toàn thể học sinh!! Chúng ta muốn an lành, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn thầy cô càng lấn tới…” – những câu đầu tiên trong “tuyên ngôn” trên “tường” trang Facebook cá nhân của V.

Được biết, trước đó, ngày 15/12, Nguyễn Thanh V. đã bị nhà trường đuổi học 3 ngày vì đánh nhau với bạn học và lôi kéo nhiều người tham gia. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, bài viết này đã xuất hiện trên trang cá nhân của V.


Hình phạt quá nặng

Nhiều người cho rằng hình thức kỷ luật này là quá nặng đối với một học sinh lớp 8.

Một độc giả cho rằng “bản tuyên ngôn” này đã xuất hiện trên mạng từ lâu, em học sinh này chỉ copy về trang Facebook cá nhân, chứ không phải là người sáng tác. Nhiều độc giả đặt câu hỏi “liệu nhà trường không còn cách ứng xử khác bao dung hơn?”, “Cứ hư là bị đuổi học thì ai sẽ dạy trẻ em hư?”

Độc giả Trần Công Tuấn nhận xét: “Thiết nghĩ các em vẫn còn nhỏ, về nhận thức chưa đầy đủ nên cần cho em cơ hội để sửa chữa. Cần xem xét lại cách giáo dục ở trường học, đuổi một học sinh chỉ là trốn tránh trách nhiệm giáo dục… Thôi học 1 năm có thể không làm cho em biết lỗi mà sửa, có thể đẩy em vào việc chống đối, có thể trở thành một bước ngoặt xấu trong cuộc đời của em. Chúng ta hãy bao dung và tha thứ cho những điều lầm lỡ của tuổi mới lớn”.

Đồng tình với quan điểm này, một độc giả khác đặt câu hỏi: “Sao không nghĩ đến hậu quả một năm sau khi bị đuổi học liệu em học sinh này có đủ can đảm bước tới trường học tiếp hay những mặc cảm sẽ đẩy em dần xa với cuộc sống?”

“Tôi nghĩ trường nên xem xét kỹ vấn đề rồi đưa ra hướng giải quyết, không nên dễ dàng đưa ra hình thức phạt đuổi học như vậy. Nếu cứ phạm sai lầm gì đó các em đều bị đuổi học thì còn cần trường học để làm gì, và một khi bị đuổi học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng các em. Liệu sau này các em có thể phấn đấu thành người tốt được không?”

Báo cáo về việc xử lý kỷ luật em Nguyễn Thanh V

Thất bại trong giáo dục

Tuy vậy, có một số ý kiến tỏ ra thông cảm với nhà trường và các thầy cô. Độc giả Trần Hùng cho rằng đây là một “thất bại trong giáo dục” nhưng lỗi lớn nhất là của gia đình và xã hội. Bởi gia đình là nơi trẻ tiếp xúc đầu tiên, từng giáo viên chỉ tiếp xúc với các em trong một vài năm học…

Độc giả Đức Thịnh cho rằng dư luận nên đặt mình vào vị trí của người thầy, sẽ thấy những khó khăn mà họ gặp phải. “Gần đây, những sự việc có liên quan đến nhà trường thì thường hay đổ lỗi cho thầy cô giáo. Vậy thử hỏi cha mẹ sinh con ra rồi chỉ biết giao hết trách nhiệm giáo dục cho ai?”
Trước phản ứng của dư luận, thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông theo dõi rất sát thông tin và dư luận phản hồi trên mạng qua các báo. Tuy nhiên, ông vẫn bảo lưu quan điểm rằng hình thức kỷ luật như vậy là thích đáng. Ông Sĩ cho biết để đi đến kết luận kỷ luật trên, nhà trường đã phải họp đến 3 lần.

“Ba lần làm việc trước đó, gia đình em V. đã cam kết cùng nhà trường giáo dục con tốt hơn. Nhưng mỗi lần như vậy em tái phạm nặng hơn. Và bây giờ buộc thôi học có thời hạn cũng là hình thức giáo dục chứ chẳng ai muốn đẩy học trò mình ra đường” – lời ông Sĩ.

Về việc em V. cho rằng mình không phải là tác giả của “bản tuyên ngôn”, ông Sĩ giải thích: “Thật ra tôi đọc cái “tuyên ngôn” ấy rồi, rất dài và lan tràn nhiều trên mạng. Nhưng em V. đã tự tay chỉnh sửa, biên tập lại theo ý kiến của mình rồi đưa lên trang của mình rõ ràng là có chủ ý. Với hành vi trên cũng đã quá vi phạm quy chế rồi”.

Ông Sĩ khẳng định, hành vi của V. đã vi phạm đến 3/5 mục của Điều 41, Điều lệ Trường THCS mà Bộ GD-ĐT quy định.

Bộ Giáo dục vào cuộc

Trong khi đó, ông Lê Văn Chính, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết đang hối thúc thanh tra Sở vào cuộc và đã chỉ đạo Phòng giáo dục TP Tam Kỳ báo cáo ngay vụ việc.

Ông Chính cho rằng đây là một hình thức vi phạm mới của học sinh. Qua đó, sự việc cũng là lời cảnh báo tới các nhà trường cũng như gia đình về vấn đề quản lý học sinh tiếp cận với Internet.

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên cho biết theo điều lệ trường trung học đã được Bộ ban hành thì Hiệu trưởng có quyền ra quyết định xử lý vi phạm của học sinh. Hình thức xử lý kỷ luật từ khiển trách tới đuổi học.

Tuy nhiên, hiện tại Bộ vẫn chưa nắm rõ về trường hợp này. Chiều 7/1, Bộ đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT Quảng Nam đề nghị báo cáo vụ việc.

Theo Vietnamnet


From the same category